📞

Bâng khuâng nhớ hội Lim

16:11 | 05/03/2015
Khắc khoải niềm quan họ, cứ hàng năm đến hẹn lại lên, chúng tôi lên làng Lim từ chiều 11 tháng Giêng để được tận hưởng những đêm quan họ thực thụ...

Chính hội Quan họ là ngày 13 tháng Giêng. Ngày đó, người cả nước đổ về vùng quan họ để nghe quan họ trên đồi Lim, nghe quan họ do các liền anh liền chị hát trên chiếc thuyền rồng nhỏ xinh, trong cái ao cũng nho nhỏ... Cái may của chúng tôi, cũng nhờ mê quan họ mà giao tình mật thiết với anh hai Chiến hàng chục năm nay, lại thêm người bạn là họa sĩ Đỗ Dũng người vùng quan họ, anh đam mê quan họ lắm, năm nào cũng dành hàng tuần, hàng nửa tháng để về đất quan họ lân la tìm hiểu, theo hát và hát khá hay, nhớ khá nhiều bài quan họ cổ.

Riêng một dòng chảy

Theo truyền thuyết, vùng quan họ Kinh Bắc gồm 49 làng quan họ, coi nhau như anh em. Ngày xưa, Vua Bà về đây khai khẩn, lập ấp mang theo 49 người hầu hạ; Vua Bà đã dạy 49 người tập hát quan họ, sau 49 người rải ra ở 49 làng mà nên vùng quan họ đến ngày nay. Đền thờ Vua Bà ở làng Diềm ( thôn Viêm Xá, xã Hòa Long, huyện Yên Phong). Làng Diềm được ghi nhận là làng quan họ gốc. Theo các cao lão vùng quan họ, quan họ ngày xưa không chỉ hát quan họ vào các lễ hội mùa xuân mà hát cả những khi có cưới xin ăn hỏi, vào đám ăn khao...

Quan họ Kinh Bắc đã bao đời, cứ riêng một dòng chảy thấm đẫm tâm hồn người chốn quan họ, người vùng châu thổ sông Hồng và người mọi miền đất nước. Một thú chơi thật thanh khiết, nặng tình và nồng ấm hơi thở của một vùng quê Việt Nam. Người ta không những lưu luyến bởi lời ca tiếng hát, còn lưu luyến bởi tấm lòng nồng hậu, chân thành, hiếu khách của con người xứ quan họ.

Anh hai Chiến - một liền anh quan họ làng Lũng Giang( làng Lim) vồn vã, xởi lởi nắm tay từng người. Chiều đã nhập nhoạng, quanh mâm cơm đón khách có chai rượu gạo nút lá chuối, sau lời mời rượi đầu xuân, anh hai Chiến cất giọng cùng anh hai Thảo. Không thể ngờ rằng con người mộc mạc, chân quê như anh hai Chiến lại có giọng đẹp làm say lòng người đến thế. Các anh hát say sưa và người nghe cũng say sưa không kém những bài " Mời nước", "Mời trầu", "Trà mạn hảo"…

Những canh hát thâu đêm

Màn đêm buông xuống, chúng tôi ra đình làng Lim. Ngôi đình to rộng là thế mà kín người. Các liền anh liền chị đang trổ hết tài nghệ vào giọng hát lời ca... Tiếng hát đằm thắm, mượt mà, ngọt ngào cứ tỏa lan vang vọng đến từng viên ngói âm dương, từng đầu đao cong cong; tiếng hát như níu buộc tâm hồn mỗi người, tỏa lan vào không trung đặc quánh hồn quê nơi đây... Thi thoảng những tiếng xuýt xoa, trầm trồ và những tiếng vỗ tay không kìm nén được bật ra từ người nghe.

Mười một giờ đêm, rời đình làng Lim, theo chân các liền anh đến với các canh hát quan họ trong làng. Người sành hay ưa thích quan họ thường tìm đến nghe các liền anh liền chị ở các làng quan họ hát, chứ ít chấp nhận nghe quan họ được đem biểu diễn trên sân khấu. Được nghe quan họ "mộc", có nghĩa các liền anh liền chị ngồi đối diện nhau hát giao duyên, đối đáp mà không có micro, không có đàn đệm mới tận hưởng được cái phong phú của các làn điệu, cái hay, nhuyễn của tiếng hát. Những canh hát thực sự của người chơi quan họ thường diễn ra về đêm. Nếu như canh hát ở đình, chùa thường được tổ chức với mục đích phục vụ người nghe thì, những canh hát tổ chức tại nhà riêng mới là cuộc chơi quan họ thực thụ.

Đêm, lang thang tìm đến những canh hát ở làng Lim và các làng xung quanh, tâm hồn như bay bổng giữa ảo và thực... Đâu con sông Tương nước chảy lững lờ, đâu dải yếm thắm, tà áo bay... Đâu con mắt sóng sánh tình, lưu luyến bạn; đâu nỗi lòng khát cháy mà chẳng đến được với nhau... Thoảng đâu đó mùi rơm rạ ẩm mốc, mùi hoa bưởi hoa chanh ngan ngát những con ngõ gạch lát nghiêng khấp khểnh, hun hút mờ trong sương đêm... Cảm ơn ai đã đặt ra cái lệ luật quan họ: Liền chị liền anh không được thành vợ thành chồng. Ôi! Nếu thành vợ thành chồng thì còn đâu quan họ, còn đâu cái đắm say muôn thuở, đeo đẳng một kếp người mà nhớ mà thương.

Quãng hai ba giờ sáng chúng tôi kéo về nhà anh hai Thảo. Anh hai Chiến rủ thêm các anh hai Đặng, anh hai Thoa hát với nhau, hát cho chúng tôi nghe. Chúng tôi như chìm vào dòng sông quan họ, phiêu dạt, lãng du từ lời ca này sang lời ca kia, từ cung bậc này đến cung bậc khác...đến khi tiếng chim véo von trên cành bưởi báo tin trời sáng, làng đang tất bật vào hội chín.

Bây giờ còn sớm người ơi

Xin đôi người ở lại mà chơi đến mai sẽ về...

(Giữ bạn)

Tiếng hát các liền anh Thoa, Đặng, Chiến, Thảo, các liền chị Hài, Hương, Lộ, Tuyết, Sứ... đằm thắm, vang vọng như níu giữ tâm hồn chúng tôi. Quan họ ơi, là gì mà nhớ bâng khuâng đến thế!

CAO MINH