TIN LIÊN QUAN | |
15 thành phố tắc đường nhất thế giới | |
Kết nối cơ sở hạ tầng: Không nên phung phí do thiếu chiến lược |
Đối với người dân ở Bangkok, ùn tắc giao thông là chuyện thường ngày, chẳng mấy ai dám mong có thể dễ dàng di chuyển từ nơi này tới nơi khác. Trong lúc chờ đợi trên xe, nhiều người miễn cưỡng sử dụng thời gian để ăn sáng, trang điểm, đọc sách hay chơi điện tử. Tình trạng ách tắc giao thông ở thành phố này đang ngày càng tồi tệ.
Cách trốn ùn tắc ở thành phố ngõ ngách
"Đi từ nơi này sang nơi khác bằng ôtô quả là một cuộc vật lộn", bà Thanyarat Doksone, cư dân tại Bangkok, cho biết.
Bà thường xuyên đạp xe đến chỗ làm, len lỏi qua những con phố đông đúc rồi thoải mái lăn bánh trên làn đường thông thoáng dành cho xe đạp. Thay vì mất 45 phút đi ôtô, Thanyarat chỉ tốn 15 phút di chuyển tới nơi làm việc.
Giống như Thanyarat, ngày càng nhiều người ở Bangkok dùng xe đạp để đi lại hàng ngày để tiết kiệm thời gian. “Các phương tiện giao thông công cộng không thể di chuyển đến mọi nơi dễ dàng và đúng giờ", bà nói. "Mặt khác, sử dụng xe đạp khá thuận tiện và cho phép tôi chủ động quản lý thời gian”.
Đạp xe và đi bộ là giải pháp hiệu quả để tránh tắc đường, đặc biệt ở thành phố nhiều ngõ ngách như Bangkok. Mạng lưới ngóc ngách ở đây không khác gì mê cung trong đô thị, với đường "bí mật" chỉ những người đi bộ và xe đạp mới có thể biết đến. Hàng ngày, nhiều người chọn các lối đi tắt này để thoát khỏi mớ giao thông hỗn độn ở những trục đường chính.
Bangkok là thành phố nhiều ngõ ngách nhỏ. (Nguồn: Pichayada Promchertcho) |
“Nếu bạn so sánh mạng lưới vận tải công cộng như động mạch, thì đạp xe và đi bộ giống như các tĩnh mạch có thể giúp người ta di chuyển từ nhà đến trung tâm”, bà Sira Leepipattanawit từ Quỹ Thế giới Xanh, một tổ chức phi lợi nhuận ủng hộ việc đi lại bằng xe đạp, cho biết.
Với tầm nhìn đó, Quỹ Thế giới Xanh đã dành hai năm để phát triển ứng dụng di động giúp người đi xe đạp khám phá những con đường "bí mật".
Ứng dụng có tên Pun Muang hay Thành phố Xe đạp, hoạt động như Google Maps dành cho người đi xe đạp ở Bangkok. Người dùng không những có thể chia sẻ thông tin về các tuyến đường dành cho xe đạp mà còn cả những điểm đỗ xa an toàn, các trạm chia sẻ xe đạp và các tiện ích khác như cửa hàng sửa xe.
Người dùng còn có thể cập nhật thông tin về các tuyến đường và đánh dấu những trở ngại mà họ gặp phải như mặt đường không bằng phẳng, đèn đường vỡ hay cây đổ. Sau đó, các dữ liệu được thu thập và chuyển đến cơ quan chức năng ở khu vực tương ứng để đưa ra biện pháp giải quyết.
Kể từ khi ứng dụng ra mắt vào tháng 7/2016, Pun Muang đã có 1.600 người dùng, các nhà phát triển lạc quan rằng con số sẽ tiếp tục tăng lên.
Cuộc cách mạng giao thông
Bangkok là một trong số 10 thành phố có tình trạng ùn tắc giao thông tồi tệ nhất thế giới. Tình trạng này sẽ tiếp tục xấu đi bởi trong vòng một thập kỷ tới, khoảng 1 triệu phương tiện nữa sẽ đổ về thủ đô này.
Để đối phó với nạn tắc nghẽn giao thông, chính quyền thành phố đang lên kế hoạch khuyến khích ngày càng nhiều người dân chuyển sang sử dụng xe đạp.
Người dân Bangkok đang đối mặt với tình trạng ùn tắc giao thông trầm trọng, với lượng ôtô ngày càng tăng trong khi không gian đi lại không thể đáp ứng. (Nguồn: bangkokexpatlife.com) |
Người dân Bangkok đang đối mặt với tình trạng ùn tắc giao thông trầm trọng, với lượng ôtô ngày càng tăng trong khi không gian đi lại không thể đáp ứng.
“Cơ quan Quản lý Hành chính đô thị Bangkok (BMA) có chính sách rõ ràng để cải thiện giao thông công cộng. Trong vòng 15 năm tới, cơ quan này sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc đi xe đạp trong thành phố”, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin giao thông Khrueafa Boonduang cho biết.
“Chúng tôi cũng sẽ mở rộng làn đường dành cho xe đạp trong khu vực nội thành và liên kết chúng với hệ thống giao thông công cộng”, ông nói.
Vấn đề cần tập trung hiện nay là cải thiện cơ sở hạ tầng của thành phố để đáp ứng nhu cầu sử dụng xe đạp. Đây là điều mà BMA và những người đi xe đạp ở thành phố đang nỗ lực thực hiện để thay đổi Bangkok. Họ muốn biến một thành phố ngập tràn ôtô thành nơi tất cả người tham gia giao thông được đi lại một cách công bằng.
“Chúng ta đang sống trong một xã hội bất công với hệ thống giao thông hỗn độn. Ôtô đi lại cứ như mafia trên đường phố. Để chấm dứt cơn ác mộng giao thông của Bangkok, chúng ta buộc phải cải tổ và thiết kế lại hệ thống giao thông”, bà Sira từ Quỹ Thế giới xanh chia sẻ.
Trở ngại dành cho xe đạp
Tại Bangkok, khoảng 150.000 người sử dụng xe đạp. Theo Trung tâm Công nghệ Thông tin Giao thông, phần lớn trong số đó dùng xe đạp để đi mua đồ tạp hóa. Số còn lại sử dụng xe đạp để đi làm, thư giãn hay tập thể dục.
Tuy nhiên, những người đạp xe vẫn phải đi trên vỉa hè vì làn đường cho xe đạp chỉ có ở khu vực trung tâm và khu du lịch. Tuyến đường dành cho xe đạp hiện nay dài khoảng 365 km nhưng không phải tất cả đều tiện dụng.
“Thiết kế của những con đường này không phù hợp với bức tranh tổng thể về hệ thống giao thông Bangkok”, bà Sira đánh giá.
Làn đường dành cho xe đạp ở dọc bờ sông Chao Phraya, Bangkok, Thái Lan. (Nguồn: Pichayada Promchertchoo) |
Bangkok đang đối mặt với thách thức khó khăn với mong muốn đưa thành phổ thoát khỏi "cơn ác mộng" giao thông, trở thành nơi đáng sống hơn đối với người dân. Tình trạng ách tắc ngày càng tồi tệ là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Bangkok cần nhanh chóng thay đổi và phát triển cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, theo bà Thanyarat, việc đầu tiên cần làm đó là người dân Bangkok phải thoát khỏi văn hóa ôtô. “Thay đổi nên bắt đầu từ việc tôn trọng quyền sử dụng không gian công cộng của người khác".
"Tôi hy vọng Bangkok một ngày nào đó có thể trở thành thành phố thân thiện không chỉ với người lái ôtô mà cả người đạp xe và đi bộ. Điều này sẽ không thể xảy ra một khi ôtô vẫn thống trị đường phố như hiện nay”, bà nói.
Chiến dịch giành lại vỉa hè: Bài học từ Singapore Dân số khoảng 5,5 triệu người sống co cụm trong diện tích bé nhỏ hơn 700 km2, Singapore được biết đến với quốc gia có ... |
"Văn hóa bệt" trong ẩm thực đường phố Hà Nội Không mái che, không người phục vụ, thậm chí không… bàn, nhưng những hàng quán như vậy không biết từ bao giờ đã trở thành ... |
Giành lại vỉa hè: Chỉ quyết tâm thôi là chưa đủ! Nếu không có giải pháp căn cơ, thấu đáo thì sẽ không thể giải quyết được tận gốc vấn đề và tốt chỗ này thì ... |