Trong những năm vừa qua, Bangladesh đã trải qua một cuộc “lột xác” ngoạn mục với những thành tựu trong cuộc cách mạng kỹ thuật số, được Liên hợp quốc dự báo tăng trưởng kinh tế đạt 7,1% trong giai đoạn 2017-2018, trở thành nền kinh tế phát triển nhanh thứ hai thế giới. Thu nhập của người dân cũng dần được cải thiện. Trong tương lai gần, Bangladesh sẽ thoát khỏi cái “mác” kém phát triển, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình.
Dù vậy, khi các ngành công nghiệp cũ như dệt may và thủy sản đang trên đà phát triển cùng với sự xuất hiện của các ngành công nghiệp mới như công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), câu hỏi được đặt ra dành cho Bangladesh là: làm thế nào để cân bằng tăng trưởng kinh tế và phát triển công nghệ cao với tính bền vững môi trường?
Ảnh minh họa (Nguồn: Shutterstock) |
Bangladesh nằm ở vùng đồng bằng Bengal (đồng bằng sông Hằng), một trong những đồng bằng lớn nhất và màu mỡ nhất thế giới. Đây quả thực là một món quà thiên nhiên ban tặng, thế nhưng chính nó cũng đem lại không ít khó khăn cho người dân Bangladesh. Đất nước này hay phải gánh chịu nhiều thiệt hại nặng nề từ thiên tai, và người dân Bangladesh cũng đang nhận thấy những tác động của tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng mạnh mẽ. Tới năm 2050, mực nước biển được dự đoán sẽ tăng thêm 1 mét. Vì vậy, bây giờ chính là lúc người dân nơi đây phải có ý thức giữ gìn môi trường tốt hơn, bằng không phát triển kinh tế tại Bangladesh sẽ không thể bền vững.
Ý thức về thiên nhiên đặt lên hàng đầu
Phát triển kinh tế xanh có nghĩa là khả năng phát triển kinh tế liên tục mà không gây ảnh hưởng tới môi trường tự nhiên. Gần đây, Bangladesh đã không đạt được nhiều thành tựu trong việc bảo tồn thiên nhiên. Đô thị hóa hàng loạt với tốc độ chóng mặt và không có kế hoạch lâu dài chỉ làm gia tăng sự nghiêm trọng của những vấn đề đang tồn đọng như ô nhiễm nước và không khí và nạn tàn phá rừng. Nhưng, đô thị hóa là không thể tránh khỏi, và phát triển xanh có thể đảm bảo rằng đô thị hóa và công nghiệp hóa không gây thiệt hại nặng nề tới môi trường.
Tòa tháp Cityscape tại thủ đô Dhaka được coi là trung tâm văn hóa và kinh doanh của Bangladesh, nhưng tòa nhà này cũng chính là bước đi tiên phong của Bangladesh trong việc thúc đẩy kiến trúc xanh trong nước. Cityscape có khả năng tự cung cấp điện và nước, đảm bảo tiêu thụ năng lượng ít hơn 40% và giảm 60% lượng nước lãng phí so với các tòa nhà cùng kích cỡ khác.
Thành phố Dhaka - thủ đô của Bangladesh. (Nguồn: wprost.pl) |
Kiến trúc xanh phụ thuộc rất nhiều vào việc tạo ra năng lượng tái tạo và tái chế. Dhaka hiện rất chật chội và ô nhiễm, vì vậy việc đưa các tiêu chuẩn xây dựng mới hướng tới việc bảo vệ môi trường có thể giúp ích rất nhiều cho cơ sở hạ tầng yếu kém tại đây.
Một lĩnh vực khác có thể được hưởng lợi rất nhiều từ việc phát triển kinh tế xanh là ICT. Kỹ thuật số hóa đang dần thay đổi hầu hết các lĩnh vực của cuộc sống ở đất nước này, nhưng cũng vì thế nó tạo ra ngày càng nhiều các chất thải điện tử như: pin, thiết bị gia dụng, điện thoại di động đã qua sử dụng. Chất thải điện tử chứa hàng tấn các chất hóa học nguy hiểm, và nếu không được tái chế một cách bài bản, giống như những gì mà Bangladesh đang làm, tác hại của nó đến môi trường sẽ còn khủng khiếp hơn nữa. Cách tốt nhất để xử lý rác điện tử là phải tạo ra được một kênh hiệu quả, nơi người dùng sẽ phải chịu trách nhiệm với chính rác thải của mình để đưa chúng tới những nhà máy có thể xử lý triệt để các chất hóa học độc hại.
Phát triển xanh cũng có tác động rất lớn tới ngành ngân hàng của quốc gia này. Thông qua nhiều thay đổi nhỏ và một số chuyển biến lớn trong các hoạt động, các ngân hàng tại Bangladesh đang dần chuyển sang mô hình kinh doanh có ý thức về môi trường hơn. Trên thực tế, Ngân hàng Trung ương Bangladesh yêu cầu các ngân hàng nhất định phải phân bổ ngân sách dành cho việc phát triển ngân hàng xanh. Dutch-Bangla Bank, Trust Bank, Bank Asia và nhiều nhà băng khác đã bắt đầu thực hiện những thay đổi nhỏ trong hoạt động hàng ngày như hạn chế tối thiểu việc sử dụng giấy, sử dụng thông báo điện tử thay vì thông báo giấy và giao tiếp qua email bất cứ lúc nào có thể thay cho việc ngồi họp mặt đối mặt. Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương Bangladesh cũng đặt ra những mục tiêu ngân hàng xanh như khuyến khích giao dịch online thay vì giao dịch truyền thống... Ngân hàng xanh thực sự đã chứng tỏ sự thuận tiện và hiệu quả, đảm bảo lãng phí tối thiểu các nguồn lực.
Thay đổi phải đến từ chính quyền
Với tư thế là một quốc gia đang phát triển, Bangladesh không cần thiết phải phát minh ra những công nghệ xanh đi tiên phong, mà chỉ cần áp dụng những công nghệ đã thành công và được thực hiện rộng rãi trên thế giới. Tuy vậy, không hề dễ dàng gì để thay đổi thói quen cũng như cách làm việc, nhất là với chính quyền Bangladesh. Nhưng đó không phải là điều không thể. Mặc dù họ đã thành công trong việc thúc đẩy công nghệ xanh trong một số lĩnh vực, chẳng hạn như ngân hàng, nhưng họ vẫn chưa thực sự quan tâm đến nhiều lĩnh vực quan trọng khác như xây dựng và kiến trúc. Tất cả các công trình kiến trúc xanh ở Dhaka đều là của tư nhân.
Để áp dụng công nghệ xanh, một quốc gia cần phải cởi mở hơn đối với thương mại quốc tế và nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đặt thuế cao đối với các công nghệ năng lượng tái tạo, kết hợp với trợ giá cho các nhiên liệu hoá thạch chỉ làm cản trở sự phát triển xanh của toàn cầu. Hiện tại, chính quyền Bangladesh đang áp dụng chính sách khuyến khích giá điện năng lượng tái tạo (feed-in-tariffs) để thúc đẩy ngành năng lượng tái tạo.
Khi các ngành công nghiệp của Bangladesh tiếp tục phát triển và dân số ngày càng đông lên, môi trường tự nhiên và khí hậu của đất nước sẽ tiếp tục xấu đi nếu không có các bước đi đúng đắn. Các ngành cần áp dụng công nghệ xanh, trong khi công dân nên áp dụng một lối sống xanh. Nếu mỗi người đều hoàn thành tốt trách nhiệm của mình, sự tăng trưởng kinh tế của Bangladesh sẽ tiếp tục mạnh mẽ và bền vững.