Việt Nam là nhà sản xuất công nghệ và may mặc lớn thứ hai thế giới. (Nguồn: Báo Đầu tư) |
Trong khi các khu vực châu Á vẫn đang phục hồi sau đại dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam bùng nổ, đạt mức tăng trưởng 8,02%/năm, nhanh hơn các nền kinh tế khác ở châu Á, bao gồm Ấn Độ, Nhật Bản và Trung Quốc. Kim ngạch xuất khẩu đạt 372 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2021.
Điều gì giải thích cho sự bùng nổ công nghiệp ở Việt Nam?
Một phần lý do là vì sự gián đoạn chuỗi cung ứng ở Trung Quốc, trung tâm sản xuất lớn nhất châu Á, khiến các nhà máy phải ngừng hoạt động trong đại dịch Covid-19. Các công ty chuyển sang các địa điểm thay thế để tiếp tục và đa dạng hóa các hoạt động sản xuất.
Lực lượng lao động cạnh tranh và chi phí sản xuất thấp: Việt Nam có dân số trẻ, 70% dân số dưới 35 tuổi. Đây là lực lượng lao động lớn cho ngành sản xuất. Trong khi chi phí sản xuất của Trung Quốc tăng lên khoảng 6,5 USD/giờ, chi phí ở Việt Nam vẫn ở mức thấp, chưa bằng một nửa so với Trung Quốc (2,99 USD/giờ).
Hạ tầng vững chắc: Việt Nam có vị trí chiến lược, nằm dọc bờ biển dài 3.200 km, qua đó giúp Việt Nam, đặc biệt là miền Bắc, trở thành địa điểm vận chuyển hàng hóa hiệu quả. Chính phủ Việt Nam đầu tư vào các dự án phát triển hạ tầng, đặc biệt là ở khu vực Đông Bắc, để xây dựng điểm đến du lịch hấp dẫn hơn, và cuối cùng là một cảng và trung tâm công nghiệp được kết nối hơn.
Ngày càng nhiều công ty chuyển đến Việt Nam: Việt Nam là nhà sản xuất công nghệ và may mặc lớn thứ hai thế giới, với các thương hiệu lớn như Nike, Adidas và Samsung. Điện thoại Pixel mới nhất của Google cũng sẽ được sản xuất tại Việt Nam, trong khi Microsoft bắt đầu vận chuyển máy chơi game Xbox từ Tp. Hồ Chí Minh trong năm 2022. Nhà cung cấp Foxconn của Apple đang đầu tư 300 triệu USD để mở rộng nhà máy ở miền Bắc Việt Nam. Tập đoàn Dell, HP, Nintendo và Lenovo cũng đang có kế hoạch xây dựng các nhà máy ở Việt Nam.
Tăng cường hợp tác với phương Tây: Chính phủ đang nỗ lực hết sức để thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam và thế giới. Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU, Anh và các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mang lại nhiều cơ hội giao thương hơn cho Việt Nam, đặc biệt là với phương Tây. Một động lực thương mại lớn khác là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Giải pháp thay thế hấp dẫn: Dù các nhà sản xuất đang dịch chuyển hoạt động sang Việt Nam, nhưng đó không phải là giải pháp triệt để vì nhiều vấn đề như thiếu lao động, nguyên liệu thô và chuyên môn ở Việt Nam, thấp hơn nhiều so với Trung Quốc.
Tuy nhiên, Việt Nam đem đến một giải pháp thay thế hấp dẫn để cân bằng một số thách thức ở Trung Quốc, cho phép các công ty đa dạng hóa chuỗi cung ứng và chủ động lưu thông hàng hóa và sản xuất tốt hơn.