Bài viết trên nhấn mạnh chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang một lần nữa thể hiện mối quan hệ chiến lược ngày càng tăng giữa New Delhi và Hà Nội.
Chuyến thăm lần này diễn ra chỉ một tháng sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến New Delhi tham dự Hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ - ASEAN và dự Lễ kỷ niệm Ngày Cộng hòa của Ấn Độ, đã làm nổi bật tầm quan trọng mà quan hệ Ấn Độ - Việt Nam đã đạt được trong những năm gần đây.
Tháp tùng Chủ tịch nước Trần Đại Quang là một phái đoàn khoảng 80 quan chức cấp cao và một đoàn doanh nhân hùng hậu. Sự tham gia của phái đoàn doanh nhân thể hiện tầm quan trọng về mặt kinh tế của chuyến thăm.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Thủ tướng Cộng hòa Ấn Độ Narendra Modi, tháng 9/2016. (Ảnh: Anh Sơn) |
Bài báo cũng đề cập đến lý do vì sao kinh tế phải là trọng tâm của quan hệ Ấn Độ - Việt Nam. Theo một khảo sát gần đây, Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong giai đoạn 2007 - 2017. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam đã tăng trưởng ấn tượng 6,7% trong năm ngoái với tổng giá trị thương mại của cả nước đạt 425 tỷ USD, trong đó xuất khẩu chiếm 200 tỷ USD. Năm ngoái, Việt Nam cũng tiếp nhận 33 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, một nhân tố sẽ thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ trong năm nay. Ngay cả Ngân hàng Thế giới (WB) cũng dự báo mức tăng trưởng cao hơn cho Việt Nam trong năm 2018.
Bài viết cho rằng những thành tựu mà Việt Nam đạt được ở trên là kết quả trực tiếp của công cuộc "Đổi mới" mà Việt Nam khởi xướng vào những năm 1980. "Đổi mới" đã đặt nền móng cơ bản cho phép Việt Nam áp dụng công nghệ hiệu quả và đạt được tiến bộ đáng kể trong thị trường lao động. Nền kinh tế Việt Nam dần dần mở cửa và tăng trưởng bắt đầu lan tỏa. Điều này đã cho phép Việt Nam tự tin trong việc ký kết 16 hiệp định thương mại tự do song phương và khu vực trong những năm qua. Hiện Việt Nam có liên kết chuỗi giá trị toàn cầu đáng kể với các nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc giữ vị trí là "nhà cung cấp đầu vào nước ngoài hàng đầu" cho tăng trưởng xuất khẩu điện tử, may mặc, thực phẩm và đồ uống của Việt Nam.
Tất cả những điều này giúp cho Việt Nam trở thành đối tác kinh tế lý tưởng của Ấn Độ ở Đông Nam Á. Điều này cũng làm cho mối quan hệ Ấn Độ - Việt Nam trở thành trụ cột chính trong chính sách "Hành động hướng Đông" của New Delhi. Về mặt này, thương mại Ấn Độ - Việt Nam năm ngoái đã đạt 7,6 tỷ USD - tăng 40% so với năm 2016, nhưng vẫn còn rất nhiều không gian cho tăng trưởng, đặc biệt là khi so với mức 70 tỷ USD của thương mại Việt - Trung.
Trên thực tế, chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang dự kiến sẽ chứng kiến việc ký kết các Bản ghi nhớ (MoU) song phương liên quan đến việc liên doanh với một nhà khai thác than ở Việt Nam, hợp tác phát triển cảng và hợp tác trong nông nghiệp. Ngoài ra, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng sẽ chủ trì lễ khai trương đường bay thẳng giữa Ấn Độ và Việt Nam.
Trước đó, cùng ngày, cổng thông tin điện tử của Bộ Ngoại giao Ấn Độ cũng đã ra thông cáo báo chí nhấn mạnh chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Ấn Độ của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trần Đại Quang sẽ làm sâu sắc hơn nữa Quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa Ấn Độ và Việt Nam.