Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam. |
25 năm trước, nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tôi có dịp phỏng vấn nhà báo Hồ Quang Lợi trên cương vị là Phó Ban Quốc tế Báo Quân đội nhân dân. Năm nay, kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí cách mạng (21/6/1925-21/6/2021), tôi lại có duyên phỏng vấn anh trên cương vị Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.
Xin anh cho biết một số suy nghĩ về bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”?
Đã có nhiều tờ báo khai thác chủ đề này, tôi chỉ xin nhấn mạnh về khía cạnh đối ngoại. Bài viết là thông điệp quan trọng gửi tới bạn đọc trong nước và quốc tế, giúp nhận thức rõ thực tiễn sinh động, vượt khó thành công và mục tiêu kiên định xây dựng Chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở Việt Nam của Đảng, đất nước và nhân dân ta. Điều ấy được minh chứng và cổ vũ bằng các thành tựu nổi bật, góp phần mang đến vị thế ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế.
Bài viết khẳng định rõ cả về đối nội và đối ngoại, con đường đi lên CNXH của Việt Nam đều có thực tiễn sống động để chứng minh. Nếu nhìn lại đất nước mình từ sau chiến tranh, đến thời bị cấm vận, rồi khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, chúng ta đã từng đứng trước nguy cơ “đắm thuyền”, không còn CNXH nữa. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn kiên định muc tiêu đã lựa chọn, tiến hành công cuộc đổi mới, đấy mới là bản lĩnh, trí tuệ được thử thách ngặt nghèo.
Công cuộc đổi mới được coi như cuộc vượt cạn trong thời bình. Việt Nam đã vượt qua muôn vàn thử thách đưa đất nước ngày càng phát triển, như đồng chí Tổng Bí thư khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, vị thế, tiềm lực và uy tín quốc tế như ngày nay”. Điều đó cho ta niềm tin về con đường xây dựng CNXH ở Việt Nam. Nhìn một cách toàn diện, công cuộc này đảm bảo cho người dân niềm tin vào sự phát triển của đất nước, người dân được thụ hưởng kết quả của công cuộc đổi mới. Các nước trên thế giới tôn trọng và đánh giá cao Việt Nam là một minh chứng rõ hơn về thành công của chúng ta.
Nhìn cả về thời cuộc lẫn thời đại, con đường đi lên CNXH của Việt Nam hoàn toàn đúng quy luật, phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam và quy luật phát triển chung của xã hội loài người. Chúng ta khẳng định không chỉ bằng ý chí chính trị, mà bằng thực tiễn sống động của công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Nhiều nước coi Việt Nam chuyển đổi rất thành công từ cơ chế quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Với việc thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ trước thời hạn, Việt Nam trở thành tấm gương của nước chưa giàu, nhưng giải quyết tốt các vấn đề xã hội, chứng tỏ chế độ ta là chế độ vì con người.
Về thành tựu đối ngoại, thắng lợi của chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế được thể hiện rõ nét qua việc quan hệ đối ngoại của ta được mở rộng hơn bao giờ hết, ta hai lần là Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, rồi Chủ tịch HĐBA LHQ, tham gia nhiều tổ chức quốc tế, có cả hội đồng nhân quyền của LHQ…
Với việc thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ trước thời hạn, Việt Nam trở thành tấm gương của nước chưa giàu, nhưng giải quyết tốt các vấn đề xã hội, chứng tỏ chế độ ta là chế độ vì con người. |
Thành công trong công cuộc chống đại dịch Covid-19 gần đây được thế giới ngưỡng mộ, ca ngợi, xuất phát từ chính sách cốt lõi: Tất cả vì con người, vì hạnh phúc người dân… Điều này có sự thuyết phục sâu sắc, từ đó tạo ra đoàn kết xã hội, tạo ra sức mạnh để vượt qua thách thức, khó khăn.
Sức sống của CNXH đang được thế hiện sống động ở những thời khắc như thế này. Việt Nam là đất nước yêu hòa bình, trước đây đấu tranh cũng vì hòa bình, bây giờ ý tưởng hòa bình vẫn tiếp tục soi sáng con đường đi lên CNXH, Việt Nam trở thành thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế, kể cả trong việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ bên cạnh việc thường xuyên đưa ra các sáng kiến để cùng các quốc gia trong cộng đồng quốc tế giải quyết các vấn đề lớn của nhân loại ngày hôm nay, trong đó có vấn đề bảo vệ môi trường, kể cả vấn đề Tăng trưởng xanh mà Thủ tướng ta đưa ra 6 đề nghị được thế giới đánh giá rất cao.
Chính sách hòa bình còn được thể hiện rất rõ qua chính sách hữu nghị, đoàn kết quốc tế, gác lại quá khứ mở ra tương lại, giải quyết các vấn đề với cựu thù trong chiến tranh, hướng tới phát triển các mối quan hệ: từ quan hệ kinh tế, đến văn hóa, chính trị ngày càng toàn diện, và có thêm nhiều đối tác chiến lược, trong đó có cựu thù trong chiến tranh. Việt Nam trở thành hình mẫu, tính biểu tượng về việc biến cựu thù thành đối tác.
Anh nhận định thế nào về trách nhiệm của người làm báo trong quán triệt và thực hiện theo tinh thần bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?
Bài viết của Tổng Bí thư cần được giới báo chí học tập, nghiên cứu sâu sắc để thấm nhuần tất cả quan điểm, nội dung, từ đó tổ chức triển khai loạt bài, trước hết để khẳng định niềm tin của toàn dân tộc Việt Nam kiên định và vững bước đi theo con đường xây dựng CNXH ở Việt Nam.
Báo chí cần bồi đắp niềm tin xã hội vào các vấn đề quan trọng như sau: Niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với xã hội và đất nước. Niềm tin vào con đường đi lên CNXH; vào các giá trị và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam mà trong quá trình xây dựng và bảo vệ tổ quốc, ta vẫn trân trọng và phát huy. Cần tổ chức các loạt bài làm rõ hơn nữa các thành tựu có ý nghĩa lịch sử của đất nước ta trong những năm vừa qua, cùng với đó là tính thực tiễn khoa học của các quyết sách được khẳng định tại Đại hội XIII của Đảng; các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta sẽ thực hiện trước mắt, trung hạn và dài hạn và các mục tiêu hướng đến là 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và 100 năm thành lập nước, dấy lên khát vọng, năng lượng mới để xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường và phồn vinh.
Các cơ quan báo chí tiếp tục có tuyến bài đấu tranh phản bác lại quan điểm sai trái của các phần tử cơ hội chính trị, các thế lực phản động, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, thật sự là vũ khí sắc bén để bảo vệ chính nghĩa của Việt Nam. Làm rõ sự thật trong các vấn đề bảo vệ độc lập chủ quyền, biên giới lãnh thổ, dân chủ nhân quyền, tôn giáo.
Trong bài viết của Tổng Bí thư có nêu việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam, Báo chí cần có loạt bài nêu truyền thống nhân nghĩa, nhân văn, thương yêu con người của dân tộc Việt Nam, để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự trở thành vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển.
Các cơ quan báo chí có thể thực hiện dưới nhiều hình thức. Cố gắng sử dụng đặc thù các loại hình báo chí, báo in, điện tử, phát thanh, truyền hình, dưới dạng các bài viết, các hội thảo, tọa đàm, phát huy tối đa hiệu quả công nghệ truyền thông. Gần đây, tôi thấy trên báo điện tử xuất hiện các dạng thức mới rất hiệu quả như megastory, e-magazine, long-form, infographic.. Nếu các loại bài mang tính lý luận cao được thể hiện dưới hình thức báo chí mới, sẽ tạo sự tươi mới cho công chúng khi tiếp cận các vấn đề lý luận, tạo sức hút mới cho công chúng. Phải làm sao để các loạt bài vừa vững vàng, sắc sảo về lý luận, tươi mới về cách thức thể hiện.
Đời sống đất nước trong những năm vừa qua, về đối nội và đội ngoại, đủ nội dung sống động cho các tác phẩm báo chí nêu. Vấn đề là các nhà báo phải thực sự năng động, sáng tạo không ngừng đổi mới cải tiến, nâng cao chất lượng các ấn phẩm, sản phẩm báo chí, để tiếp cận nhanh hơn nữa, sâu sắc và sinh động hơn nữa đến các đối tượng công chúng, nhất là lớp trẻ và thanh niên.
Theo anh, đâu là thách thức và cơ hội với báo chí trong bối cảnh mới?
Sự phát triển mạnh mẽ chưa kiểm soát được của mạng xã hội và các nền tảng xuyên biên giới, trở thành áp lực mạnh đối với báo chí truyền thông. Tốc độ truyền thông tin và tính liên kết gần như không giới hạn của mạng xã hội đặt báo chí trước nguy cơ luôn chạy theo mạng xã hội. Nếu không đủ bản lĩnh, trình độ và không nghiêm túc về đạo đức nghề nghiệp thì dễ bị theo đuôi mạng xã hội và bị mạng xã hội dẫn dắt.
Tác giả phỏng vấn nhà báo Hồ Quang Lợi. |
Thách thức thứ hai là về tự chủ tài chính, vấn đề kinh tế báo chí. Báo in đang suy giảm, báo điện tử chưa có nguồn thu từ nội dung mà chủ yếu chỉ dựa vào quảng cáo trên báo điện tử. Nhưng theo số liệu thống kê mới nhất, thị phần thu quảng cáo của báo chí chính thống chỉ chiếm 20%, 80 còn lại rơi vào các mạng xã hội và nền tảng xuyên biên giới.
Đây là hai thách thức nóng nhất hiện nay. Vậy theo anh, hướng giải quyết thế nào?
Chúng ta không thể đối lập mạng xã hội với báo chí mà cần phải có sự tương tác. Báo chí có thể sử dụng thông tin từ mạng xã hội. Mạng xã hội là biển thông tin hết sức phong phú, đa dạng, ở đấy vừa có những thông tin tốt, vừa có thông tin sai lệch mang tính độc hại.
Báo chí có thể gạn lọc khai thác các thông tin tốt của mạng xã hội, từ đó bằng sự kiểm chứng, tinh thần trách nhiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức làm nghề của người làm báo, mà sáng tạo nên các tác phẩm báo chí bổ ích cho xã hội.
Chúng ta không thể thắng mạng xã hội về tốc độ đưa tin, nhưng báo chí có thể vượt trội mạng xã hội bằng sự tin cậy và sức thuyết phục. Đó chính là con đường sống của báo chí trong thời đại chuyển đổi kỹ thuật số.
"Báo chí có thể gạn lọc khai thác các thông tin tốt của mạng xã hội, từ đó bằng sự kiểm chứng, tinh thần trách nhiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức làm nghề của người làm báo, mà sáng tạo nên các tác phẩm báo chí bổ ích cho xã hội". |
Bên cạnh không ngừng sử dụng và phát huy thành tựu khoa học công nghệ phục vụ cho báo chí, phải nhận thức sâu sắc, nội dung là trái tim của báo chí, là giá trị cốt lõi, là sự sống còn đối với báo chí. Cho dù trình độ khoa học công nghệ có phát triển đến đâu, vẫn phải luôn nhận thức về điều này để nâng cao chất lượng thông tin trong tác phẩm báo chí.
Các cơ quan báo chí không nhất thiết hối thúc chạy đua để trở thành người đưa tin số một mà phải đầu tư tâm sức, trí tuệ để tạo ra các sản phẩm báo chí có chiều sâu, có đủ khả năng phân tích để lý giải, kiến giải các vấn đề mà cuộc sống đặt ra. Báo chí phải trở thành câu trả lời trong vấn đề này. Báo chí phải kiến giải bằng sự chuẩn mực, trách nhiệm, sáng tạo và đạo đức làm nghề của các nhà báo.
Kinh tế báo chí là vấn đề lớn, được quan tâm từ nhiều năm nay, song trên thực tế chúng ta chưa định hình được một cách rõ ràng bằng cơ chế chính sách phù hợp. Bài toán là làm sao báo chí thực hiện nhiệm vụ chính trị nhưng vẫn phải bảo đảm nguồn thu để tự chủ về tài chính. Đây là bài toán khó đối với nhiều cơ quan báo chí.
Trên thực tế, nhiều cơ quan báo chí đang phải đối mặt với vấn đề cơm áo, gạo tiền, nợ lương, nhuận bút, công in, bảo hiểm xã hội. Vậy hướng giải quyết ở đâu? Tôi nghĩ vấn đề kinh tế báo chí và tự chủ tài chính không phải là vấn đề riêng của các cơ quan báo chí mà nó cần được nhìn nhận trong chiến lược có tính tổng thể ở tầm mức quốc gia, mà ở đó có cơ chế, chính sách, biện pháp hỗ trợ báo chí, tạo nền tảng, cơ sở cần thiết cho báo chí phát triển bền vững.
Nếu để báo chí chịu áp lực quá lớn của cơm áo gạo tiền, nó sẽ ảnh hưởng đến tính khách quan, công tâm, tôn trọng sự thật, làm nghề một cách đúng đắn và chuẩn mực. Trên thực tế, một số tòa soạn phân doanh thu cho phóng viên, bên cạnh việc viết bài còn giao cả nhiệm vụ quảng cáo. Cái đó làm cho người làm báo mất tư thế, cơ quan báo chí mất vị thế.
Vấn đề đặt hàng báo chí là vấn đề được nói đến mấy năm nay. Trên thực tế cơ chế đặt hàng chưa được thể hiện rõ trong thực tiễn hoạt động báo chí hiện nay. Nói nhà nước (từ trung ương đến địa phương), các nghành các cấp, hệ thống chính trị đặt hàng báo chí, nhưng nếu báo chí chỉ ngồi chờ thì việc đặt hàng khó có kết quả.
Báo chí phải nghĩ ra việc của mình, chủ động đề xuất các đề án tuyên truyền để từ đó nhà nước và chính quyền các cấp thẩm định, đặt hàng trở lại báo chí. Báo chí sẽ vừa làm nhiệm vụ tuyên truyền, phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ hoạt động điều hành kinh tế xã hội, vừa sẽ có nguồn thu.
"...nội dung là trái tim của báo chí, là giá trị cốt lõi, là sự sống còn đối với báo chí. Cho dù trình độ khoa học công nghệ có phát triển đến đâu, vẫn phải luôn nhận thức về điều này để nâng cao chất lượng thông tin trong tác phẩm báo chí". |
Gần đây có một vài cơ quan báo chí bắt đầu thử nghiệm thu phí nội dung báo chí trên báo điện tử. Tôi hoan nghênh, khích lệ xu thế này. Nó thể hiện tự tin và quyết tâm làm nghề theo hướng khẳng định chất lượng của tác phẩm báo chí sẽ quyết định sức sống và uy tín của cơ quan báo chí.
Có thể nói đây là con đường khó khăn trong thực tiễn đời sống báo chí truyền thông hiện nay ở nước ta. Cùng với sự nỗ lực của cơ quan báo chí theo hướng này, cũng mong muốn có sự ủng hộ chia sẻ của cộng đồng xã hội để từ đó các cơ quan báo chí tăng cường chất lượng thông tin để có nguồn thu, góp phần hình thành trong xã hội một xu hướng thụ hưởng thông tin có chất lượng và có trọng điểm. Đấy là một biểu hiện của văn minh, công bằng trong hoạt động báo chí và truyền thông.
Vậy đâu là cơ hội?
Hiện nay báo in đang gặp khó khăn rất lớn, có sự suy giảm cả trên thế giới cũng như Việt Nam. Các loại hình khác như phát thanh, truyền hình cũng gặp thách thức lớn. Nhưng tôi vẫn đầy niềm tin vào cơ hội và triển vọng phát triển của báo chí Việt Nam, vì các lý do sau đây:
Báo chí Việt Nam có vai trò quan trọng đối với đời sống xã hội, đạt được sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam được bồi đắp qua các giai đoạn lịch sử của đất nước. Giá trị cốt lõi của báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục được khẳng định trong những năm qua, đặc biệt khi có biến động chính trị xã hội trên thế giới, cũng như khi đất nước đối mặt với khó khăn thách thức, vai trò của báo chí càng được khẳng định và nêu cao.
Chúng ta có một đội ngũ những người làm báo được rèn luyện và thử thách, xác định rõ lý tưởng và tâm thế làm nghề, đó là phục vụ lợi ích cộng đồng, đất nước và nhân dân. Đội ngũ này ngày càng được rèn luyện bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ ngày càng cao, đạo đức làm nghề, tinh thần cống hiến được thể hiện rất rõ. Bản lĩnh, trình độ và đạo đức là 3 yếu tố quan trọng.
Phóng viên tác nghiệp tại Trung tâm Báo chí Đại hội XIII của Đảng. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Đảng, nhà nước và xã hội luôn quan tâm và tạo điều kiện cho báo chí phát triển. Tôi tin là tới đây sẽ có những cơ chế chính sách phù hợp hơn nữa đối với báo chí. Đời sống xã hội Việt Nam ngày càng cởi mở và dân chủ, hướng về cái mới, văn minh và tốt đẹp, tạo môi trường thuận lợi cho báo chí tác nghiệp.
Việt Nam hiện nay là một trong những nước quan tâm phát triển rất mạnh và có đột phá trong ứng dụng công nghệ truyền thông. Đó chính là công cuộc chuyển đổi số đang thực hiện trong toàn bộ hoạt động kinh tế xã hội của Việt Nam, trong đó có báo chí. Tôi tin rằng với công cuộc chuyển đổi số, báo chí Việt Nam có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Nhân dịp ngày 21/6, anh có điều gì tâm huyết muốn chia sẻ với các nhà báo?
Tôi rất tự hào khi nhìn thấy anh em báo chí luôn có mặt ở những nơi đầu sóng, ngọn gió, nơi khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, với tinh thần dấn thân và cống hiến rất đáng cảm phục, với tinh thần năng động sáng tạo rất đáng khích lệ, từ đó tạo ra sức mạnh một nền báo chí vừa giàu tính chiến đấu, vừa giàu tính nhân văn.
Tôi cũng rất chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà hiện nay những cơ quan báo chí và các nhà báo đang phải đối mặt và vượt qua.
Ngày báo chí cách mạng năm nay diễn ra trong bối cảnh cả nước đang dồn sức chống dịch Covid-19, đồng thời thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa bảo đảm phát triển kinh tế xã hội.
Với tinh thần người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng của Đảng, tôi xin chúc anh em báo giới, đồng nghiệp yêu quý trong cả nước dồi dào sức khỏe, tràn đầy năng lượng sáng tạo, bền gan vững chí, bình an trong tác nghiệp ở những điều kiện khó khăn và nguy hiểm để sáng tạo nên những tác phẩm báo chí có chất lượng cao, xứng đáng với sự tin cậy mà Đảng và nhân dân dành cho những người làm báo cách mạng Việt Nam.
Một trong những điều mà anh em báo giới mong đợi là Đại hội XI Hội nhà báo Việt Nam. Anh có thể cho biết một số thông tin về Đại hội sắp tới?
Cho đến nay hầu hết công việc chuẩn bị cho Đại hội XI của Hội nhà báo Việt Nam đã được hoàn tất, các văn kiện của Đại hội đã được các cấp Hội nhà báo từ trung ương đến địa phương tham gia đóng góp ý kiến rất chất lượng, trong đó đánh giá đúng mức các nỗ lực và thành tựu mà chúng ta đã đạt trong nhiệm kỳ vừa qua. Đồng thời, chỉ ra các bất cập khó khăn, thiếu sót, đề ra các phương hướng nhiệm vụ, biện pháp cho nhiệm kỳ tới. Công tác nhân sự đã tiến hành những bước cơ bản nhất để trình ra Đại hội những người xứng đáng tham gia vào Ban chấp hành, Ban thường vụ của Hội Nhà báo.
Nhẽ ra Đại hội đã được tiến hành, nhưng do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid 19 ở những thời điểm khác nhau, cho đến nay Đại hội vẫn chưa diễn ra. Dự kiến sau làn sóng đại dịch lần thứ tư mà chúng ta kiểm soát được thì Đại hội sẽ tiến hành ngay. Theo ước tính của Ban lãnh đạo Hội nhà báo thì Đại hội có thể tiến hành trong quý III năm 2021.
Năm nay có một sự kiện nữa là giải Báo chí quốc gia, thường được trao vào ngày 21/6 như một kỳ kỷ niệm chính thức của giới báo chí. Cũng do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Hội đồng chung khảo quyết định trao giải cho các tác phẩm, tác giả đoạt giải cùng vào dịp tổ chức Đại hội Hội nhà báo Việt Nam.
Một số định hướng của Đại hội lần này là gì, thưa anh?
Định hướng lớn nhất là tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Hội nhà báo Việt Nam từ trung ương đến địa phương theo tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị 43 của Ban Bí thư TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới.
"Chúng ta có một đội ngũ những người làm báo được rèn luyện và thử thách, xác định rõ lý tưởng và tâm thế làm nghề, đó là phục vụ lợi ích cộng đồng, đất nước và nhân dân. Đội ngũ này ngày càng được rèn luyện bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ ngày càng cao, đạo đức làm nghề, tinh thần cống hiến được thể hiện rất rõ. Bản lĩnh, trình độ và đạo đức là 3 yếu tố quan trọng". |
Chú trọng công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ người làm báo, kịp thời cập nhật kiến thức gắn với sự phát triển của Báo chí trong thời đại truyền thông kỹ thuật số.
Đặc biệt coi trọng đạo đức nghề nghiệp, thường xuyên tiến hành hoạt động bồi dưỡng về lý luận chính trị, đạo đức nghề nghiệp, tăng cường học tập lý luận Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nêu cao đạo đức nghề nghiệp theo 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp và Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo.
Kiên quyết bảo vệ quyền lợi, quyền hành nghề hợp pháp và các lợi ích chính đáng của hội viên Hội nhà báo, tăng cường kiểm tra giám sát việc thực hiện điều lệ Hội, quy định đạo đức nghề nghiệp để ngăn chặn và giảm thiểu các sai phạm về đạo đức nghề nghiệp.
Tăng cường hoạt động giao lưu về văn hóa thể thao để tạo môi trường tác nghiệp sinh hoạt lành mạnh giữa các cơ quan báo chí, các cấp Hội nhà báo, nêu cao tinh thần đoàn kết, đồng chí, đồng nghiệp trong hoạt động báo chí.
Tiếp tục thực hiện tốt Đề án hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao, tiếp tục thực hiện chất lượng giải báo chí quốc gia và các giải báo chí chuyên ngành khác, tôn vinh các nhà báo có tinh thần cống hiến, có tác phẩm báo chí xuất sắc.
Tiếp tục tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Hội nhà báo Việt Nam và các đối tác quốc tế, trong đó có các thành viên Liên đoàn Hội Nhà báo ASEAN, Hội Nhà báo Trung Quốc, Hàn Quốc, Cuba.. và nhiều đối tác khác.
Quan tâm tổ chức thực hiện có hiệu quả các hoạt động xã hội để khẳng định lan tỏa vai trò, vị trí của Hội Nhà báo trong hoạt động xã hội, tính nhân văn của báo chí.
Anh có thể nói thêm về dự kiến đại biểu và nhân sự khóa mới?
Tham dự Đại hội có khoảng 500 đại biểu đã được bầu qua đại hội các cấp. Khách mời trong nước có các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ban, bộ, ngành trung ương, thành phố Hà Nội, một số các địa phương, các tổ chức chính trị xã hội lớn.
Do dịch bệnh và theo thông lệ gần đây, chúng ta không mời đại biểu quốc tế.
Theo Đề án nhân sự sẽ trình Đại hội, Ban chấp hành có 55 thành viên, Ban thường vụ có 17 ủy viên, một Chủ tịch và 3 Phó Chủ tịch Hội Nhà báo.
Xin trân trọng cảm ơn!