Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng nhiều lãnh đạo các bộ ngành, các cơ quản lý, chủ quản báo chí, cơ quan báo chí dự Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021. (Nguồn: VGP) |
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo công tác báo chí năm 2020 và đánh giá khái quát giai đoạn 2016-2020; phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2021 của Ban Tuyên giáo Trung ương; báo cáo tham luận của các cơ quan quản lý, chỉ đạo, chủ quản báo chí, cơ quan báo chí.
Năm 2020, hoạt động báo chí có nhiều dấu ấn quan trọng. Trong bối cảnh mới, các cơ quan báo chí chủ động đổi mới phương thức, nội dung phong phú, toàn diện, có tính phản biện xã hội cao, nâng cao tính chuyên sâu của các tác phẩm, sản phẩm báo chí.
Đặc biệt là tuyến tin, bài thông tin tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; bảo vệ chủ quyền biển đảo; thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng...
Bên cạnh nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, báo chí ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin giải trí của công chúng. Nhiều cơ quan báo chí có sự đổi mới mạnh mẽ, tiếp cận công nghệ làm báo hiện đại, liên kết hợp tác chương trình hay và hấp dẫn, tạo nguồn thu và giảm gánh nặng cho ngân sách.
Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 được triển khai quyết liệt, cơ bản đảm bảo tiến độ. Trong năm 2020, cả nước đã giảm 71 cơ quan báo chí, còn 779 cơ quan báo chí. Do tác động của đại dịch và sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông xã hội, kinh tế báo chí bị ảnh hưởng lớn, giảm cả về doanh thu quảng cáo, tài trợ, hợp tác truyền thông.
Tính đến nay, cả nước có 779 cơ quan báo chí, trong đó có 142 báo, 612 tạp chí, 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập. Cả nước có 72 cơ quan có giấy phép hoạt động PTTH, với tổng số 87 kênh phát thanh và 193 kênh truyền hình. Nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí có trên 41.000 người. Hiện cả nước có 21.132 người được cấp thẻ nhà báo, tăng 725 thẻ so với năm 2019. |
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị. (Nguồn: VGP) |
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Mặc dù năm 2020 là năm gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có đại dịch Covid-19, nhưng đất nước ta đã nỗ lực đi lên, phát triển. Sự thành công ấy có phần đóng góp quan trọng của các cơ quan báo chí trong cả nước.
Phó Thủ tướng đề nghị báo chí tiếp tục áp dụng khoa học - công nghệ mới trong hoạt động để báo chí Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Chính phủ mong muốn nhận được sự góp ý nhiều hơn của báo chí, để góp phần xây dựng một Chính phủ hiệu lực, hiệu quả và phục vụ nhân dân tốt hơn.
Chia sẻ với những khó khăn của các cơ quan báo chí, Phó Thủ tướng cho rằng để các cơ quan báo chí tự chủ được về tài chính thì nhất thiết phải có cơ chế đặt bài, giao nhiệm vụ cho báo chí. Về quy hoạch báo chí, Phó Thủ tướng nhận định cơ bản đã thực hiện tốt, trong quá trình triển khai có những việc cần phải điều chỉnh, sau 2 năm sẽ đánh giá lại để kiến nghị, điều chỉnh cần thiết phù hợp với sự phát triển của báo chí.
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 ngày 31/12. (Nguồn: Tuyengiao.vn) |
Cũng tại Hội nghị, Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng yêu cầu các cơ quan quản lý báo chí, cơ quan báo chí tiếp tục nhận thức, quán triệt sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác báo chí với tư cách là thành tố quan trọng trong công tác tuyên giáo của Đảng, là diễn đàn của nhân dân.
Nhiệm vụ quan trọng nhất của các cơ quan báo chí trong năm 2021 là tập trung đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về Đại hội XIII của Đảng và đưa Nghị quyết của Đại hội vào cuộc sống. Các cơ quan báo chí, quản lý báo chí cần có quy trình quản lý phóng viên, làm tốt công tác xây dựng Đảng; xây dựng đội ngũ người làm báo chuyên nghiệp, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, biết đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên hàng đầu; tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác chỉ đạo, quản lý báo chí; xây dựng nền báo chí truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại và thực hiện tốt việc quy hoạch sắp xếp hệ thống báo chí truyền thông.
Năm 2020 là năm có nhiều dấu ấn quan trọng trong công tác chỉ đạo, quản lý và hoạt động báo chí. Công tác chỉ đạo báo chí, quản lý báo chí tiếp tục được thực hiện nhất quán theo phương châm chủ động, kịp thời, hiệu quả, thuyết phục, nhất là đối với các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm. Việc chấn chỉnh, xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí được tăng cường, nhất là liên quan đến thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật, không phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc, tình trạng “báo hóa” hoạt động như cơ quan báo chí.
Năm 2020, công tác thông tin tuyên truyền đã tập trung trọng tâm vào một số vấn đề lớn như: phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường an ninh, quốc phòng; chăm lo công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; đại hội đảng bộ các cấp, góp ý dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng; đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; tuyên truyền thông tin đối ngoại trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam; phòng, chống đại dịch Covid-19…
Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 cũng đã được triển khai quyết liệt, cơ bản bảo đảm tiến độ. Trong năm 2020, cả nước đã giảm 71 cơ quan báo chí so với năm 2019. Tính đến ngày 31/12/2020, cả nước có 779 cơ quan báo chí, trong đó có 142 báo, 612 tạp chí, 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập.
Các cơ quan báo chí chủ động đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, tính chuyên sâu của các chương trình, tin, bài, đặc biệt là các tuyến tin, bài thông tin tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; bảo vệ chủ quyền biển đảo và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội….
Nhìn chung, các cơ quan báo chí đã có đổi mới mạnh mẽ trong việc đầu tư, tiếp cận công nghệ làm báo hiện đại để nâng cao chất lượng thông tin. Các cơ quan báo chí thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, bám sát mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, sự đồng thuận của xã hội và lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ; thông tin kịp thời, trung thực, toàn diện tới đời sống chính trị, kinh tế, xã hội ở trong nước và quốc tế, là diễn đàn tin cậy của nhân dân.
Nhân dịp này, Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương tặng Bằng khen cho 30 tập thể có thành tích cao trong công tác báo chí năm 2020. Báo Thế giới và Việt Nam cùng 29 cơ quan báo chí khác vinh dự được nhận Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương, vì đã có thành tích xuất sắc trong thông tin, tuyên truyền, thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2020.
Báo Thế giới và Việt Nam cùng đại diện các cơ quan báo chí nhận Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương vì đã có thành tích xuất sắc trong thông tin, tuyên truyền, thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2020. (Nguồn: VOV) |