📞

Báo chí 'gặp khó' trong cuộc cạnh tranh khốc liệt từ các nền tảng truyền thông số

Lê Hồng 17:24 | 05/11/2024
Một số cơ quan báo chí gặp khó khăn trong việc thích nghi với mô hình hoạt động mới, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt từ truyền thông xã hội và các nền tảng truyền thông số khác...
Theo các chuyên gia, việc sơ kết, đánh giá công tác thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 là rất cần thiết . (Ảnh: Lê Hồng)

Ngày 5/11, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội - VUSTA) tổ chức Hội thảo "Sơ kết, đánh giá việc thực hiện Quyết định 362/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025".

Báo chí "chạy đua" với các nền tảng mạng xã hội

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch VUSTA cho hay, căn cứ theo Quyết định 362/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, Đảng Đoàn cùng lãnh đạo VUSTA sau 5 năm thực hiện quyết định đã nghiêm túc triển khai, đảm bảo tính khách quan, khoa học, hiệu quả và tuân theo tinh thần trong Quyết định 362/QĐ-TTg.

Trước khi thực hiện Quyết định số 362, VUSTA có 113 cơ quan báo, tạp chí trong hệ thống. Đến nay, VUSTA có 69 cơ quan báo chí (gồm 1 báo, 68 tạp chí). Điều này đã thể hiện ý thức chấp hành nghiêm túc Quyết định 362 của Đoàn Chủ tịch VUSTA.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, một số cơ quan báo chí vẫn gặp khó khăn trong quá trình sáp nhập và tái cơ cấu, dẫn đến sự bất ổn về nguồn nhân lực và tài chính. Một số đơn vị gặp khó khăn trong việc thích nghi với mô hình hoạt động mới, nhất là trong bối cảnh sự cạnh tranh khốc liệt từ truyền thông xã hội và các nền tảng truyền thông số khác.

Theo ông Phạm Ngọc Linh, việc sơ kết, đánh giá công tác thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 là rất cần thiết để làm cơ sở cho các cấp có thẩm quyền xây dựng dự thảo Quy hoạch báo chí, xuất bản đến năm 2030, tầm nhìn 2050 bảo đảm thực chất, khả thi, phù hợp với xu thế phát triển.

Trong khi đó, TS. Lê Công Lương, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Khoa học công nghệ và môi trường (VUSTA) khẳng định, tạp chí khoa học đóng vai trò quan trọng trong việc cập nhật kiến thức mới, chia sẻ thông tin và thúc đẩy sự phát triển của khoa học công nghệ (KHCN).

Đổi mới công tác quản lý các tạp chí khoa học là một phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nghiên cứu và thúc đẩy KHCN phát triển tại Việt Nam. Đây cũng là một trong những yếu tố then chốt nhằm đảm bảo tính minh bạch, uy tín và giá trị của các công trình nghiên cứu.

Tuy nhiên, TS. Lê Công Lương cũng đặt câu hỏi về việc "Ai quản lý các tạp chí khoa học?". Tại cuộc họp về sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 mới đây, có nhiều ý kiến cho rằng, cần giao cho Bộ Khoa học và Công và các cơ quan chuyên ngành quản lý các tạp chí khoa học, chứ không nên theo mô hình quản lý như hiện nay. Các tạp chí khoa học chỉ nên tập trung vào việc công bố các nghiên cứu, bài báo và khám phá mới trong một hoặc nhiều lĩnh vực khoa học.

Theo ông, không nên dừng hẳn việc thành lập các tạp chí khoa học. Đối với các tổ chức khoa học, dù trong hay ngoài nhà nước, nếu hoạt động tốt, có đủ điều kiện, nhất là nhân sự thì có tạp chí khoa học sẽ tốt hơn.

Đồng thời, chuyên gia này cho rằng, cần đổi mới cơ chế tài chính và mô hình hoạt động, tìm kiếm các nguồn tài trợ đa dạng; phát triển đội ngũ biên tập và phản biện chất lượng; tăng cường hợp tác với các tạp chí uy tín quốc tế để học hỏi kinh nghiệm và tiếp cận với mạng lưới các nhà khoa học quốc tế…

Phó Tổng thư ký VUSTA Lê Công Lương đề xuất, nếu những tổ chức khoa học đủ điều kiện thì nên xem xét cho ra đời các tạp chí khoa học phù hợp với chức năng và nhiệm vụ của tổ chức. Ngược lại, nếu những tạp chí vi phạm pháp luật, điều lệ, giấy phép hoạt động thì cần xử lý nghiêm, thậm chí thu hồi giấy phép.

Chuyển đổi số là yêu cầu nội tại, tất yếu

Tại Hội thảo, nhà báo Nguyễn Thế Khoa, Tổng Biên tập Tạp chí Văn hiến Việt Nam cho rằng, chuyển đổi số là một mục lớn trong Quy hoạch báo chí đến năm 2025. Đây cũng là yêu cầu nội tại của các cơ quan báo chí bởi độc giả, khán giả của mình chủ yếu xem báo trên môi trường số.

Ông Nguyễn Thế Khoa đánh giá, các mặt tích cực, đổi mới của quy hoạch báo chí đến năm 2025 có thể dễ dàng nhận thấy như lập lại trật tự trong quản lý nhà nước về báo chí; tạo các điều kiện để báo chí đất nước phát triển kịp xu thế phát triển của báo chí và truyền thông thế giới, phát huy tốt sức mạnh của đội ngũ báo chí phục vụ sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

Tuy nhiên, Tổng Biên tập Tạp chí Văn hiến Việt Nam cũng bày tỏ băn khoăn về việc hiện nay số hóa đã là quốc sách, chuyển đổi số là một mục lớn trong Quy hoạch báo chí đến năm 2025, chuyển đổi số cũng là yêu cầu nội tại của các cơ quan báo chí bởi độc giả, khán giả của mình chủ yếu xem báo trên môi trường số. Tuy vậy, không ít cơ quan báo in muốn chuyển đổi số nên quyết định ra bản điện tử của tờ báo, nhưng lại rất khó để được cấp phép.

Trong khi đó, PGS. TS. Phạm Bích San (Tạp chí Kinh tế nghe nhìn Việt Nam) cho rằng, thực tế hiện nay, nhiều cơ quan báo chí lớn muốn được quay trở lại chế độ được Nhà nước bao cấp và nhiều tổ chức báo chí đã lặng lẽ đóng cửa. Người xem không mặn mà với việc theo dõi thông tin qua báo chí nữa nên số lượng quảng cáo sụt giảm. Tình hình kinh tế của báo chí càng khó khăn hơn và đang "thất thủ" trước sự lan tràn của mạng xã hội.

Trước thực trạng đó, ông Phạm Bích San nhấn mạnh, những vấn đề của báo chí Việt Nam có thể được giải quyết ở hai cấp độ. Ở cấp độ trước mắt, đó là dừng những quy định cản trở sự tồn tại hợp lý của báo chí, như quy hoạch báo chí, quy định bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí… để tái lập tình trạng trước quy hoạch. Ở cấp độ lâu dài, cần có sự tiếp tục đổi mới thể chế kinh tế. Có như vậy, báo chí mới tồn tại được như một cấu thành của xã hội hiện đại.

Tại Hội thảo, các ý kiến cũng cho rằng, việc sắp xếp lại các cơ quan báo chí đã đem lại nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng báo chí và phát triển theo hướng chuyên nghiệp. Quy hoạch này đã giúp giảm thiểu sự phân tán, tăng cường hiệu quả quản lý và thúc đẩy sự phát triển của báo chí Việt Nam trong kỷ nguyên số, đồng thời bảo đảm vai trò của báo chí trong việc truyền tải thông tin chính xác, kịp thời, khách quan đến người dân.

Xu thế chung của việc đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan báo chí hiện nay tập trung vào: Ứng dụng công nghệ số; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; đổi mới nội dung và hình thức truyền tải; tăng cường đạo đức nghề nghiệp; xây dựng chiến lược tài chính bền vững...