📞

Báo chí quốc tế phân tích về việc Mỹ gỡ mác ‘thao túng tiền tệ’ đối với Việt Nam

Hoàng Nam 19:50 | 20/04/2021
Với việc Mỹ gỡ mác ‘thao túng tiền tệ’ đối với Việt Nam, Chủ tịch OMFIF Mark Sobel cho rằng chính quyền Tổng thống Biden tỏ ra khôn ngoan khi thực hiện một cách tiếp cận sắc thái hơn.

Sau khi Bộ Tài chính Mỹ gỡ mác “thao túng tiền tệ” cho 3 đối tác thương mại lớn của Mỹ là Việt Nam, Thụy Sỹ và Đài Loan (Trung Quốc), các diễn đàn tài chính và trang tin lớn của quốc tế tiếp tục có các bài bình luận, trong đó phân tích “động cơ” của Mỹ và dự báo “bước tiếp theo” đối với trường hợp Việt Nam.

Với việc Mỹ gỡ mác ‘thao túng tiền tệ’ đối với Việt Nam, Chủ tịch OMFIF Mark Sobel cho rằng chính quyền Tổng thống Biden tỏ ra khôn ngoan khi thực hiện một cách tiếp cận sắc thái hơn. (Nguồn: Reuters)

Quyết định hợp lý

Trang omfif.org của Diễn đàn tiền tệ và thể chế tài chính chính thức (OMFIF, trụ sở tại London, Anh) ngày 19/4 cho rằng trái với báo cáo dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, báo cáo lần này của Bộ Tài chính Mỹ ít gay gắt hơn, nhấn mạnh chủ nghĩa đa phương hơn chủ nghĩa song phương, đồng thời đánh giá cao hơn các sắc thái và ngoại giao của tài chính quốc tế.

Điểm khác biệt chính giữa báo cáo đầu tiên của Bộ Tài chính dưới thời Tổng thống Joe Biden và báo cáo cuối cùng dưới thời ông Trump là Bộ Tài chính Mỹ không xác định bất kỳ đối tác thương mại nào thao túng tiền tệ. Lần này, Bộ Tài chính Mỹ nhấn mạnh tiêu chí “thao túng” dựa trên Đạo luật cạnh tranh và thương mại Omnibus năm 1988.

Theo quy chế, hành vi thao túng phải "nhằm mục đích ngăn cản việc điều chỉnh cán cân thanh toán hiệu quả hoặc đạt được lợi thế cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế".

Việc gỡ mác thao túng tiền tệ là hợp lý, song Bộ Tài chính Mỹ không giải thích rõ cơ sở lý luận của báo cáo, dù trong nội dung có chỉ ra rằng các tác động của đại dịch đã bóp méo vị thế đối ngoại của các quốc gia. Bộ Tài chính Mỹ cũng không giải thích quan điểm của họ về các chỉ định thao túng tiền tệ.

Báo cáo cũng không thẳng thắn nhìn nhận cách các chính sách của Mỹ tác động đến sự mất cân bằng toàn cầu. Tuy nhiên, biện pháp kích thích tài khóa mạnh mẽ của Washington đang thúc đẩy hoạt động của Mỹ so với các nước khác, làm tăng thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ và thặng dư của các nước, đồng thời nâng lãi suất của Mỹ và làm giảm giá tiền tệ của các nước khác.

Hòa giải ngoại giao

Nhận định về tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ, tờ New York Times cho rằng báo cáo đầu tiên của chính quyền ông Biden về chính sách tiền tệ có giọng điệu hòa giải hơn so với chính quyền tiền nhiệm khi không xác định đối tác thương mại nào thao túng tiền tệ.

Quyết định rút chỉ định thao túng tiền tệ đối với các đối tác thương mại là nỗ lực mới nhất của chính quyền ông Biden nhằm giảm bớt căng thẳng với các đồng minh của Mỹ sau 4 năm cựu Tổng thống Trump áp dụng cách tiếp cận đối đầu với ngoại giao kinh tế quốc tế.

Báo cáo tài chính lần này giúp nước Mỹ thoát khỏi "mặc định của Trump" về tình trạng mất cân bằng thương mại song phương và cung cấp "cái nhìn tổng thể hơn về các mối quan hệ thương mại".

Các quan chức Bộ Tài chính Mỹ ghi nhận những điều kiện kinh tế bất thường do đại dịch gây ra trong năm 2020, đồng thời khẳng định Bộ Tài chính không nhằm mục đích gửi đi thông điệp gây hoang mang rằng có hành vi thao túng, song bộ này lại tránh gán mác thao túng tiền tệ.

Eswar Prasad, cựu Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Trung Quốc, cho biết: “Khi đánh giá hành vi tiền tệ của các đối tác thương mại, báo cáo này sử dụng giọng điệu phân tích và có tính đo lường hơn so với cách tiếp cận của chính quyền tiền nhiệm là sử dụng báo cáo như một công cụ chính trị”.

Chủ tịch OMFIF Mark Sobel cho rằng chính quyền Tổng thống Biden tỏ ra khôn ngoan khi thực hiện một cách tiếp cận sắc thái hơn.

Ông lưu ý rằng dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã ở mức thấp khi bị gắn mác thao túng tiền tệ vào năm 2020. Chính phủ có thể giảm giá trị VND bằng cách bán ra trên thị trường ngoại hối và dự trữ USD.

Ông Sobel nhấn mạnh: “Tôi nghĩ đội ngũ mới trong Bộ Tài chính sẵn sàng nhận ra sự khác biệt tương đối giữa chính sách của Mỹ và các nước khác là một yếu tố quan trọng. Cách tiếp cận của chính quyền ông Trump mang tính hiếu chiến hơn nhiều".

Theo Văn phòng đại diện thương mại Mỹ (USTR), trong năm 2019, Đài Loan là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Mỹ, Việt Nam đứng thứ 13 và Thụy Sỹ đứng thứ 16.

Điều gì tiếp theo?

Trang strtrade.com ngày 20/4 dự báo, việc Bộ Tài chính Mỹ xóa tên Việt Nam khỏi danh sách thao túng tiền tệ có thể giảm thiểu khả năng Mỹ áp đặt thuế quan, hạn ngạch mới hoặc các hạn chế khác đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam trong khuôn khổ cuộc điều tra Mục 301 về hành vi, chính sách và hoạt động của Việt Nam liên quan đến định giá tiền tệ.

Trong khi đó, theo omfif.org, báo cáo nửa năm đầu tiên do tân Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen công bố dường như tạo thời gian “xả hơi” cho Việt Nam, Thụy Sỹ và Đài Loan. Trong báo cáo, bà Yellen nhấn mạnh các hoạt động tiền tệ không công bằng vẫn là một trong những vấn đề Bộ Tài chính sẽ xúc tiến giải quyết, đồng thời để ngỏ khả năng quay lại việc gắn mác thao túng tiền tệ trong tương lai.

Tờ New York Times có chung nhận định về khả năng “để ngỏ” này với phân tích: “Có thể Bộ Tài chính muốn tạo cơ hội cho ngoại giao. Đội ngũ của Tổng thống Trump xác định Trung Quốc, Việt Nam và Thụy Sỹ thao túng tiền tệ, song động thái này có rất ít hoặc không có tác động rõ ràng.

Bộ Tài chính Mỹ muốn tăng cường tương tác với Thụy Sỹ, Việt Nam và Đài Loan, có lẽ để hiểu rõ hơn về chính sách và thông lệ tiền tệ của các đối tác này”.

Việt Nam đã nỗ lực rất lớn

Theo Reuters, Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 17/4 hoan nghênh quyết định của Bộ tài chính Mỹ. Cùng ngày, lãnh đạo Việt Nam cho biết kết quả này có được nhờ Hà Nội đã “nỗ lực lớn” về ngoại giao trong việc thuyết phục Mỹ “đánh giá phù hợp” cũng như cam kết hài hòa cán cân thương mại với Mỹ.

Việt Nam và Mỹ đã nhiều lần đàm phán dưới thời chính quyền ông Trump. Cuộc điều tra của Cơ quan đại diện thương mại Mỹ (USTR) được tiếp tục dưới thời Tổng thống Joe Biden và hồi đầu tháng 4/2021, Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai có họp trực tuyến với Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh.

Reuters lưu ý, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam được cho là đã nỗ lực làm “hài hòa hoá” cán cân thương mại với Mỹ bằng cách nhập khẩu nhiều hơn các mặt hàng của Mỹ trong những năm gần đây.