Báo Giao thông Đức (DVZ) đăng bài viết của tác giả Claudius Semmann với tiêu đề 'Việt Nam không biết tới khủng hoảng'. (Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN) |
Bài báo nêu rõ, Việt Nam được đánh giá là quốc gia rất thành công trong công tác ứng phó đại dịch Covid-19 và đã trở thành một địa điểm sản xuất ưa thích của các nhà đầu tư.
Tính đến cuối năm 2020, đất nước với gần 100 triệu dân chỉ ghi nhận 1.465 trường hợp mắc Covid-19 và 35 ca tử vong.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong năm 2020, nền kinh tế Việt Nam đạt tăng trưởng 2,9% - một trong những kết quả cao nhất trên thế giới và dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng 6,5% trong năm nay.
Trong khi đó, báo cáo về Chỉ số Logistics các thị trường mới nổi thích ứng nhanh cho biết, năm 2020, nền kinh tế Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất trong 30 năm qua, tuy nhiên, các hoạt động trong nước đã hồi phục sớm, xu hướng xuất khẩu cũng tăng mạnh, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao.
Theo các nhà nghiên cứu thị trường thuộc Công ty Transport Intelligence (TI), Việt Nam được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU) và Anh, cũng như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vốn giúp hàng hóa Việt Nam tiếp cận tốt hơn với thị trường Canada và Mexico.
Cả trước và trong khi xảy ra đại dịch Covid-19, Việt Nam đã thu hút được các khoản đầu tư từ các doanh nghiệp muốn chuyển địa điểm sản xuất khỏi các nước chịu tác động nghiêm trọng của dịch bệnh, khiến dây chuyền sản xuất bị đình trệ.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã nâng cao chuỗi giá trị từ dệt may sang vi mạch, điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử khác. Apple cùng các nhà cung cấp linh kiện Foxconn và Pegatron cũng như Panasonic nằm trong số những công ty đã bắt đầu sản xuất tại Việt Nam, mở rộng sản xuất hoặc công bố kế hoạch sản xuất tại Việt Nam trong năm 2021.
Theo số liệu của TI, khoảng 40% lượng hàng hóa của Việt Nam được xuất khẩu sang Mỹ và EU. Vấn đề lo ngại là liệu Việt Nam có cung cấp đủ công nhân lành nghề cho các công ty mới hay không, bên cạnh một số vấn đề có thể phát sinh trong hệ thống cơ sở hạ tầng, đường sá và bến cảng.
Bài báo dẫn phân tích của công ty bảo hiểm tín dụng quốc tế Atradius cho biết, Việt Nam cũng là một trong những thị trường có triển vọng tốt đối với các nhà xuất khẩu Đức trong năm nay.
Chuyên gia Thomas Langen của Atradius nhận định, nhờ chi phí lương thấp và các điều kiện thuận lợi cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhiều công ty đang chuyển các công đoạn sản xuất đơn giản sang Việt Nam.
Theo bài báo, các công ty trong lĩnh vực vận tải và hậu cần cũng như dệt may sẽ được hưởng lợi từ nhu cầu toàn cầu ngày càng tăng, trong khi các lĩnh vực như nông nghiệp, xây dựng, cơ sở hạ tầng, bán lẻ,... cũng được hưởng lợi từ việc mở rộng nhu cầu trong nước.