📞

Bảo hiểm xã hội mới: Lo nhiều hơn mừng

15:53 | 22/01/2016
Cách tính bảo hiểm xã hội (BHXH) mới không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp mà dường như cũng chưa thể khiến người lao động bớt âu lo…

Những ngành sử dụng số lượng lao động lớn như ngành dệt may sẽ chịu áp lực lớn từ Luật BHXH mới. (Ảnh: Quang Hòa/TGVN)

Chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi 2014 có khá nhiều thay đổi quan trọng. Cụ thể, từ 1/1/2016 đến hết năm 2017 BHXH được đóng dựa trên mức lương và phụ cấp ghi trong hợp đồng. Từ 1/1/2018 trở đi, người lao động đóng bảo hiểm dựa trên mức lương, phụ cấp và nhiều khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động. Người lao động đóng 8%, doanh nghiệp đóng 18%, chiếm 26% lương hàng tháng. Như vậy, với quy định mới này, số tiền đóng BHXH của cả doanh nghiệp cũng như người lao động sẽ tăng lên đáng kể.

Hưởng lợi mà vẫn lo

Bà Hồ Thị Kim Ngân, Trưởng phòng Pháp luật - Quan hệ Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, cách tính BHXH mới này sẽ mang lại lợi ích cho người lao động về lâu dài vì trên thực tế, nhằm giảm phần đóng BHXH, nhiều doanh nghiệp thường chia thu nhập của người lao động ra làm nhiều loại phụ cấp. Điều này dẫn đến tiền đóng BHXH còn thấp, chỉ chiếm 66% mức thu nhập thực lĩnh của người lao động. Hệ quả là lương hưu người lao động được hưởng rất thấp, không đảm bảo đời sống.

“Người lao động trích 8% lương hàng tháng đóng cho quỹ hưu trí và tử tuất, nhưng khi về già họ được hưởng tối đa 75% lương hưu nếu tích lũy đủ số năm đóng BHXH. Ngoài ra, người lao động cũng không phải đóng tiền vào quỹ ốm đau, tai nạn lao động, nghề nghiệp. Phần đó doanh nghiệp sẽ lo. Chẳng may bị tai nạn, ốm đau, bệnh nghề nghiệp thì họ vẫn được hưởng”, bà Ngân phân tích.

Tuy nhiên, dư luận thời gian gần đây lại có nhiều ý kiến trái chiều về cách tính BHXH mới. Trong khi những người có thu nhập cao ủng hộ thì nhiều người có thu nhập trung bình hoặc thấp hơn lại mang tâm trạng thấp thỏm, bất an.

Anh H. Minh, 26 tuổi, nhân viên truyền thông của một công ty tư nhân tại Hà Nội than phiền: “Hiện tại với mức lương bảy triệu đồng mỗi tháng, tôi không biết sẽ nhận được bao nhiêu tiền khi về hưu. Chỉ biết rằng thời điểm này, công ty tôi đang lên kế hoạch giảm bớt một loạt khoản phụ cấp như xăng xe, phí điện thoại di động, ăn trưa… do lo tăng chi phí đóng BHXH”.

Chị N. Trâm, công nhân của một công ty CP dệt may ở Long Biên (Hà Nội) cho biết, với quy định này chị cảm thấy vừa mừng vừa lo. Mừng vì mức bảo hiểm đóng cao thì sau này sẽ được trả nhiều hơn nhưng lo là trước mắt thu nhập của chị sẽ giảm, trong khi chi phí cho sinh hoạt gia đình ngày càng tăng cao. “Trước đây, tôi chỉ đóng bảo hiểm theo mức lương cơ bản ba triệu đồng. Giờ tính theo cách mới dựa trên cả lương và phụ cấp, mức đóng sẽ phải tăng lên hơn gấp đôi. Chưa kể, doanh nghiệp sẽ phải chi hơn hai lần mức tôi chi trả. Nếu không chi trả được, doanh nghiệp sẽ cắt giảm nhân công. Trước mắt, không chỉ lo thu nhập giảm sút mà công nhân chúng tôi còn lo sẽ bị mất việc”, chị Trâm lo lắng.

Doanh nghiệp kêu trời

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, dù Luật BHXH mới hỗ trợ người lao động về lâu dài nhưng chắc chắn sẽ gây gánh nặng cho doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp của những ngành sử dụng số lượng lao động lớn như ngành dệt may, da giày, chế biến…

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền – Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 – CTCP chia sẻ, doanh nghiệp này hiện đang có trên 11.000 lao động. Với mức đóng BHXH cao như vậy, công ty không thể đủ sức lo hết cho người lao động. Dự kiến, nếu tính theo BHXH mới thì đến năm 2018, May 10 sẽ gặp thua lỗ. 

Theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may (Vitas) Vũ Đức Giang, khi năm 2016 tăng lương tối thiểu ở mức 12,4%, toàn ngành dệt may Việt Nam cần tăng thêm 400 tỷ đồng để đóng phí công đoàn 2%. Còn tăng phí đóng BHXH do tăng mức lương tối thiểu của toàn ngành cần khoảng 6.000 tỷ đồng. “Đây thực sự là áp lực lớn”, ông Giang nhấn mạnh.

Giám đốc một công ty da giày tại Hải Phòng cho biết, hiện công ty ông đang có khoảng trên dưới 300 nhân viên. Để làm cơ sở đóng BHXH cho người lao động, doanh nghiệp sẽ phải xây dựng lại thang bảng lương, chi phí dự kiến tăng thêm 50%. Với quy định này, những doanh nghiệp tuân thủ bảo hiểm sẽ đuối sức, còn các đơn vị thiếu nghiêm túc sẽ chây ì hoặc tìm cách né tránh hoặc trốn bảo hiểm.

Là lãnh đạo một đơn vị chuyên tư vấn cho các doanh nghiệp về xây dựng thang, bảng lương, ông Lê Anh Cường – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Tư vấn Macconsult cho biết, thời gian vừa qua, không ít doanh nghiệp nhà nước nhờ ông tư vấn về cách xây dựng thang, bảng lương mới cho phù hợp. “Nhiều doanh nghiệp kêu với tôi rằng, việc tăng mức đóng BHXH quá nhanh khiến họ không kịp trở tay, nhất là những doanh nghiệp có số lượng lao động lớn”, ông Cường nói.

Nên giãn tiến độ đóng BHXH

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước khi tăng quyền lợi cho người lao động cũng cần phải nhìn nhận từ góc độ người chủ. Hiện nay, doanh nghiệp đang gặp phải áp lực cạnh tranh từ nhiều phía. Để giảm áp lực cho doanh nghiệp, việc áp dụng cách tính BHXH mới nên có lộ trình cụ thể chứ không nên áp dụng cùng một lúc với đồng loạt doanh nghiệp.

Đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp, ông Lê Anh Cường khuyến nghị, các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nên có ý kiến cụ thể gửi đến cơ quan quản lý nhà nước để các cơ quan này có cơ sở xem xét và đưa ra lộ trình thích hợp hơn.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải rà soát lại quy trình sản xuất, cắt giảm các khoản chi phí không cần thiết, nâng cao năng suất lao động. “Đây là lúc các doanh nghiệp cần ngồi lại xem mình còn yếu và thiếu ở đâu để khắc phục chứ không thể cứ trông chờ vào chính sách của Nhà nước thay đổi. Bản thân các doanh nghiệp phải thay đổi mình trước”, ông Cường chỉ rõ.