Thẩm quyền của cơ quan đại diện Việt Nam tại Malaysia
Theo quy định của Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao (1961), các cơ quan đại diện ngoại giao một nước trên lãnh thổ của nước sở tại có thẩm quyền “bảo vệ lợi ích quốc gia và của công dân mình trong giới hạn của luật pháp quốc tế” nói chung.[1]
Công ước Vienna về quan hệ lãnh sự (1963) quy định chức năng và thẩm quyền lãnh sự của cơ quan đại diện ngoại giao và cơ quan lãnh sự.
Trong các thẩm quyền đó, “phù hợp với thông lệ và thủ tục của quốc gia sở tại, (cơ quan lãnh sự) có thể đại diện hoặc thu xếp đại diện thích hợp cho công dân nước mình trước tòa án và các cơ quan chức năng của nước sở tại để yêu cầu áp dụng các biện pháp tạm thời phù hợp với pháp luật của quốc gia sở tại nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của công dân nước mình, trong trường hợp người đó không có người đại diện hoặc vì những lý do mà người đó không thể thu xếp được người đại diện đúng lúc.”[2]
Nghi phạm Đoàn Thị Hương xuất hiện ở Tòa án huyện Sepang, bang Selangor (Malaysia) ngày 1/3. (Nguồn: Getty) |
Như vậy, có thể thấy luật pháp quốc tế bảo đảm các cơ quan đại diện của một nước có quyền bảo vệ lợi ích của công dân nước mình, nhưng với điều kiện phải trong giới hạn cho phép của luật pháp quốc tế và phù hợp với thông lệ và pháp luật của quốc gia sở tại. Điều này có nghĩa, các cơ quan đại diện cần tiến hành bảo hộ công dân bằng các biện pháp và cách thức phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế như nguyên tắc bình đẳng chủ quyền và không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia sở tại. Bên cạnh đó, các biện pháp bảo hộ lại bị giới hạn trong khuôn khổ cho phép của pháp luật quốc gia sở tại, trong trường hợp công dân Đoàn Thị Hương là pháp luật của Malaysia.
Do bảo hộ công dân nằm trong quan hệ ngoại giao giữa các nước - lĩnh vực được điều chỉnh bởi rất nhiều tập quán và thực tiễn quốc tế bên cạnh hai Công ước nêu trên - do đó cũng cần phù hợp với các tập quán và thực tiễn này, nhằm đảm bảo sự tôn trọng đối với quốc gia sở tại và tránh ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước nói chung.
Theo Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài năm 2009, nhiệm vụ của cơ quan đại diện (cụ thể là Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia) được quy định tương tự như trong hai Công ước Viên nêu trên. Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia có nhiệm vụ “bảo hộ lãnh sự đối với… quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, pháp nhân Việt Nam… trên cơ sở tuân thủ pháp luật Việt Nam, pháp luật của quốc gia tiếp nhận và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và quốc gia tiếp nhận là thành viên, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế.”[3]
“Trong trường hợp công dân, pháp nhân Việt Nam không thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo pháp luật và thực tiễn của quốc gia tiếp nhận, cơ quan đại diện có thể tạm thời đại diện hoặc thu xếp người đại diện cho họ tại tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền của quốc gia tiếp nhận cho đến khi có người khác làm đại diện cho họ hoặc họ tự bảo vệ được quyền và lợi ích của mình.”[4]
Trong vụ việc liên quan đến Đoàn Thị Hương, phù hợp với thông lệ quốc tế, cơ quan đại diện Việt Nam tại Malaysia đã thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình liên quan đến bảo hộ công dân Đoàn Thị Hương. Cụ thể, ngay sau khi có thông tin liên quan đến việc Malaysia bắt giữ một nghi phạm mang hộ chiếu Việt Nam dưới tên Đoàn Thị Hương, Đại sứ quán Việt Nam đã làm việc với cơ quan chức năng sở tại làm rõ các thông tin liên quan, theo dõi chặt chẽ để xác minh thông tin. Tuy nhiên, đây là vụ án nghiêm trọng do vậy phía Malaysia chưa cho phép tiếp xúc lãnh sự đối với các nghi phạm ngay sau khi bị bắt giữ. [5] Sau đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã được phép tiếp xúc lãnh sự và hỏi thăm sức khỏe của Đoàn Thị Hương.
Tại phiên tòa ngày 1/3/2017, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã có mặt để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Đoàn Thị Hương tại phiên tòa. Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia cho biết cũng sẽ tiếp tục theo dõi vụ việc đảm bảo nước sở tại tiến hành thủ tục tố tụng một cách công bằng, khách quan, không phân biệt đối xử, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam, trong đó có việc hỗ trợ tìm luật sư phù hợp với quy định pháp luật của nước sở tại.
Cần xem xét kỹ và tiến hành cẩn trọng
Một trong những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế là nguyên tắc không can thiệp vào công việc thuộc thẩm quyền nội bộ của quốc gia. Do đó, các hoạt động bảo hộ phải được xem xét kỹ và tiến hành cẩn trọng nhằm tránh vượt quá mức hợp lý, gây cản trở hay tác động đến việc thực thi các công việc của cơ quan chức năng của nước sở tại.
Bảo hộ công dân cần được tiến hành nhằm mục đích bảo đảm công dân Việt Nam được đối xử đúng với quy định của pháp luật sở tại và luật pháp quốc tế, trong đó có luật nhân quyền quốc tế. Cơ quan đại diện cần có liên hệ và trao đổi hoặc lên tiếng khi phát hiện công dân của mình có dấu hiệu bị đối xử trái pháp luật của nước sở tại hoặc bị vi phạm các quyền con người cơ bản (như bị tra tấn, nhục hình, phân biệt chủng tộc trong quá trình điều tra, xét xử).
An ninh được thắt chặt bên ngoài phiên tòa xét xử Đoàn Thị Hương hôm 1/3. (Nguồn: Getty) |
Về nguyên tắc, vụ việc xảy ra trên lãnh thổ nước nào (đặc biệt là vụ hình sự) sẽ do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia đó điều tra, xét xử và các cơ quan đại diện ngoại giao phải tôn trọng thẩm quyền đó của quốc gia sở tại. Luật pháp quốc tế và thực tiễn quốc tế củng cố nguyên tắc cơ bản rằng các quốc gia luôn xác lập thẩm quyền tuyệt đối đối với các vụ án hình sự xảy ra trên lãnh thổ nước mình. Việc can thiệp quá mức vào tiến trình tố tụng hình sự, vốn được coi là thẩm quyền chuyên biệt, chỉ của riêng quốc gia đó, có thể được xem là can thiệp vào công việc nội bộ.
Trong một số trường hợp, nếu các quốc gia liên quan ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp có nội dung ngừng điều tra, ngừng xét xử, chuyển giao chứng cứ và trao trả công dân của mình về nước để xét xử thì cơ quan đại diện có thể yêu cầu quốc gia sở tại thực hiện các nội dung trên. Tuy nhiên, các hiệp định như thế không phổ biến và thường trao quyền quyết định cho quốc gia sở tại.
Giữa Việt Nam và Malaysia có Hiệp định tương trợ tư pháp trong hình sự ASEAN (2004), nhưng không có quy định nào cho phép Việt Nam tham gia vào tiến trình tố tụng hình sự tại Malaysia. [6] Hiệp định này được ký kết năm 2004 yêu cầu các quốc gia ASEAN, trong đó có Malaysia, dành cho nhau những biện pháp tương trợ tư pháp rộng rãi nhất có thể trong việc điều tra, truy tố và các thủ tục tiếp theo của vụ án hình sự (Điều 1). Tuy nhiên, Hiệp định này cũng chỉ rõ Hiệp định không áp dụng đối với việc “chuyển giao người giam giữ để thi hành hình phạt” hay “chuyển giao vụ án hình sự” (Điều 2). Do Hiệp định không liên quan đến việc hỗ trợ dẫn độ tội phạm hoặc chuyển giao vụ án hình sự, do đó, không có cơ sở cho việc đưa Đoàn Thị Hương về nước xét xử theo nguyên tắc thẩm quyền theo quốc tịch. Ngoài ra, Điều 3 khoản 1 điểm a của Hiệp định này nêu rõ, quốc gia được yêu cầu có thể từ chối việc tương trợ nếu xét thấy “yêu cầu tương trợ liên quan đến việc điều tra, truy tố hoặc trừng phạt một người về một tội mà tội đó, hoặc xét tình tiết phạm tội, là tội phạm mang tính chất chính trị”.
Về mặt thông lệ quốc tế, trong bối cảnh toàn cầu hóa nhanh hiện nay, luồng dân cư di chuyển xuyên biên giới rất lớn, vấn đề bảo hộ công dân cũng trở nên phổ biến và đã hình thành các thông lệ mà tất cả các quốc gia đều chấp nhận như chuẩn mực chung trong hoạt động bảo hộ. Theo đó, hoạt động bảo hộ thường ở dạng tiếp xúc lãnh sự, gặp mặt lãnh sự hoặc đại diện lãnh sự là chủ yếu. Mục đích của hoạt động này là nhằm nắm bắt thông tin, xem xét hoàn cảnh của công dân và cách thức công dân được chính quyền sở tại đối xử cũng như có những hỗ trợ thực chất hơn cho công dân. Rất hiếm trường hợp cơ quan đại diện hoặc quốc gia cử người đại diện pháp luật cho công dân của mình trước cơ quan chức năng nước sở tại.
Do đặc thù Indonesia có hơn 2 triệu lao động nhập cư tại Malaaysi nên nước này thiết lập một bộ phận pháp lý trong Đại sứ quán Indonesia ở Malaysia và thuê luật sư thường trực người Malaysia để xử lý các vấn đề lao động, dân sự và cả tương trợ tư pháp của hàng triệu công dân Indonesia ở Malaysia. Trong vụ việc này, tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Indonesia Siti Aisyah là các luật sư Malaysia từ công ty luật Gooi&Azzura và luật sư người Malaysia làm việc cho bộ phận pháp lý nói trên của Đại sứ quán Indonesia tại Malaysia chứ không phải các luật sư Indonesia. [7]
Ở mức độ cao hơn, về mặt nguyên tắc, nếu một nước cho rằng nước sở tại có các hành vi vi phạm các nghĩa vụ pháp lý quốc tế khiến cho công dân của mình bị đối xử sai trái và các nỗ lực liên hệ, trao đổi lãnh sự không có kết quả, nước đó có thể viện dẫn bảo hộ ngoại giao để khởi kiện nước sở tại ra cơ quan tài phán quốc tế. Tuy nhiên, diễn biến sự việc cho đến nay không cho thấy dấu hiệu về việc công dân Đoàn Thị Hương bị đối xử sai trái. Hơn nữa, trên thực tế rất ít quốc gia chấp nhận thẩm quyền của cơ quan tài phán quốc tế để xét xử một vụ kiện bảo hộ ngoại giao và một vụ kiện như vậy có thể ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ hai nước.
Vụ án trong đó Đoàn Thị Hương là một nghi phạm có tính chất đặc biệt nghiêm trọng và phức tạp, liên quan đến công dân nhiều quốc gia. Do đó, việc bảo hộ công dân cần được tiến hành chu đáo, cẩn trọng, phù hợp với luật pháp Malaysia, luật pháp quốc tế nhằm bảo đảm công dân Đoàn Thị Hương không bị oan sai hay đối xử phi nhân đạo, đồng thời đảm bảo quan hệ giữa các nước không bị những tác động tiêu cực.
[1] Điều 3(1)(b).
[2] Điều 5(i).
[3] Điều 8(1).
[4] Điều 8(3).
[5] Phát ngôn Bộ Ngoại giao tại cuộc họp báo ngày 20/2/2017 xem tại http://www.mofa.gov.vn/vi/tt_baochi/pbnfn/ns170220191422
[6] Điều 1, xem tại https://cil.nus.edu.sg/rp/pdf/2004%20Treaty%20on%20Mutual%20Legal%20Assistance%20in%20Criminal%20Matters-pdf.pdf
[7] Xem tại http://news.asiaone.com/news/asia/indonesia-supporting-kim-jong-nam-murder-suspect-siti-aisyah-until-proven-guilty