📞

Bảo hộ công dân là nhiệm vụ rất quan trọng trong công tác đối ngoại

Hải Yến 14:01 | 22/10/2021
Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đóng vai trò then chốt trong việc thực hiện hoạt động bảo hộ công dân.
Lao động Việt Nam làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay quốc tế Incheon, Hàn Quốc. (Nguồn: TTXVN)

Cùng với quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, số người di cư ra nước ngoài ngày càng tăng. Tuy nhiên, kể từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện vào đầu năm 2020, số công dân Việt Nam thuộc 4 nhóm đối tượng di cư ra nước ngoài đã giảm mạnh.

Thực trạng di cư qua những con số

Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Công an, số công dân Việt Nam di cư ra nước ngoài năm 2007 đạt 1,9 triệu người, trong khi số liệu của năm 2017 và năm 2019 lần lượt là 9,2 triệu người và 12,7 triệu người.

Về di cư lao động, kể từ khi Việt Nam thực hiện chủ trương đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài, số lượng lao động di cư ngày càng tăng.

Tính đến trước thời điểm xảy ra dịch Covid-19, theo thống kê có 650.000 lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, chủ yếu trong 30 lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, bao gồm: sản xuất, xây dựng, điều dưỡng-chăm sóc sức khoẻ, nông nghiệp, may mặc, dệt may.

Trong số đó, lao động nữ chiếm 30%, mỗi năm lượng tiền gửi của lao động chiếm khoảng 2-2,5 tỷ USD.

Các thị trường đông lao động Việt Nam có thể kể đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, và rải rác ở một số nước châu Phi, Trung Đông và châu Âu.

Năm 2019, dẫn đầu là thị trường Nhật Bản với hơn 82.000 lao động Việt Nam, tiếp theo là Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã sụt giảm. Năm 2020 chỉ còn hơn 78.000 lao động và 7 tháng đầu năm 2021 là hơn 41.000 người.

Về di cư du học, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hơn 130.000 du học sinh đang học tập tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Ước tính chi phí của du học sinh Việt Nam đi du học nước ngoài vào khoảng 3 tỷ USD/năm, và 90% trong số đó là du học sinh đi học tự túc, 10% còn lại là du học sinh theo diện ngân sách nhà nước hoặc theo các chương trình hợp tác giữa Việt Nam và các nước.

Trong số đó, có khoảng 60-70% du học sinh Việt Nam tự túc chọn ở lại hoặc tiếp tục học tập các chương trình cao hơn, trong khi một số du học sinh theo diện nhà nước cử đi cũng quyết định không quay trở lại Việt Nam sau khi kết thúc chương trình học.

Các quốc gia được chọn làm điểm đến lý tưởng của du học sinh Việt Nam bao gồm Australia, Mỹ, Canada, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Về di cư kết hôn có yếu tố nước ngoài, hằng năm có hàng chục nghìn trường hợp công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, phần lớn các trường hợp kết hôn là phụ nữ, chiếm đến 92%.

Theo thống kê, công dân Việt Nam chủ yếu kết hôn với công dân các nước và vùng lãnh thổ như Đài Loan (Trung Quốc) (trên 100.000 người), Hàn Quốc (trên 50.000 người), Mỹ (khoảng 40.000 người).

Phần lớn công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài vì mục đích kinh tế, tuy nhiên tỷ lệ ly hôn cao do phần lớn kết hôn thông qua môi giới.

Về di cư cho nhận con nuôi Việt Nam qua nước ngoài, trên thực tế, việc hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài được thực hiện trên cơ sở Công ước La Hay năm 1993, các điều ước quốc tế và thoả thuận quốc tế Việt Nam đã ký với các nước.

Từ năm 2012 đến năm 2016, có hơn 2.312 trẻ em Việt Nam được nhận nuôi thông qua các thoả thuận nhận con nuôi song phương, trong đó, số trẻ em gái được nhận nuôi chiếm 53%.

Theo số liệu của Bộ Tư pháp, năm 2018 có 430 trẻ em Việt Nam được nhận làm con nuôi của người nước ngoài, còn con số thống kê của năm 2019 và năm 2020 lần lượt là 359 và 246 người.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, số lượng trẻ em Việt Nam được nhận thời gian gần đây đã giảm mạnh.

Phần lớn trẻ em được nhận làm con nuôi tại các nước châu Âu và châu Mỹ như Italy, Pháp, Tây Ban Nha, Canada, Ireland, Thuỵ Điển, Đức, Đan Mạch...

Bên cạnh 4 loại hình di cư hợp pháp nói trên, vẫn còn tồn tại hình thức di cư bất hợp pháp vì mục đích kinh tế là chủ đạo.

Nhiều công dân Việt Nam đã thông qua các hình thức di cư trái phép để tìm kiếm cơ hội làm việc ở nước ngoài. Những năm gần đây đã ghi nhận xu hướng di cư trái phép gia tăng, phần lớn xảy ra tại các nước châu Âu.

Ngoài ra, hoạt động mua bán người vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.

Giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2016 đã có 8,336 người là nạn nhân của nạn mua bán người. Năm 2019 có 309 nạn nhân, năm 2020 có 121 nạn nhân, phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Tuy nhiên, hiện nay các đối tượng của nạn mua bán người đã mở rộng sang cả nam giới, học sinh-sinh viên, thậm chí là cả mua bán cơ thể người, mua bán bào thai.

Công dân Việt Nam ở Brazil mắc kẹt do đại dịch Covid-19 chuẩn bị lên máy bay về nước. (Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Brazil)

Nỗ lực bảo hộ công dân

Trước tình hình di cư của công dân Việt Nam ra nước ngoài ngày càng gia tăng và phức tạp, việc bảo hộ kịp thời quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam được coi là nhiệm vụ rất quan trọng trong công tác đối ngoại.

Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao là đơn vị chuyên trách thực hiện chức năng bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam ở nước ngoài.

Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, công tác bảo hộ công dân đã gặp rất nhiều thách thức và khó khăn. Kể từ đầu năm 2020 đến nay, Bộ Ngoại giao đã chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, đưa về nước hơn 150.000 công dân.

Nhìn chung, công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài trên thực tế đã hình thành một cơ chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, trong đó Bộ Ngoại giao giữ vai trò trung tâm.

Bên cạnh đó, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, bao gồm Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán, Lãnh sự danh dự Việt Nam ở nước ngoài, đều đóng vai trò then chốt trong việc thực hiện hoạt động bảo hộ công dân.

Thông qua kết nối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Tổng đài bảo hộ công dân, đường dây nóng bảo hộ công dân của các Cơ quan đại diện đã hoạt động 24/7, đặc biệt, nhiều Lãnh sự danh dự đã hỗ trợ hiệu quả công tác bảo hộ công dân, nhất là trong thời kỳ đại dịch Covid-19.

Để tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc cho công tác bảo hộ công dân, Việt Nam đã tăng cường ký kết các hiệp định hợp tác với các nước cũng tham gia các cam kết đa phương, mà mới đây là Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự, Việt Nam đã thông qua năm 2018 và có Kế hoạch triển khai Thỏa thuận này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 20/3/2020.

Từ tổng quan về tình hình di cư của công dân Việt Nam ra nước ngoài cũng như thực tiễn công tác bảo hộ công dân, có thể nhận thấy, trên thực tế có rất nhiều các khó khăn thách thức, trong đó nổi lên là nguy cơ mua bán người, đưa người Việt Nam di cư trái phép ra nước ngoài ngay cả khi tình hình Covid-19 phức tạp.Để khắc phục những khó khăn này, Việt Nam cần tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc cho công tác bảo hộ công dân, tăng cường ký kết các hiệp định hợp tác với các nước trong các lĩnh vực có liên quan như tiếp nhận trở lại công dân, hợp tác lãnh sự, tham gia cam kết đa phương, qua đó kịp thời bảo hộ quyền quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam, cũng như chắp cánh cho đối ngoại Việt Nam hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.

(theo Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao)