Trong thời gian gần đây, dư luận quan tâm nhiều đến các vụ thương vong của người Việt Nam ở nước ngoài.
Xử lý sát với thực tế
Theo thống kê thì số lượng công dân Việt Nam ra nước ngoài ngày càng tăng, riêng năm 2016 có khoảng 7,5 triệu lượt. Hiện có khoảng 500.000 lao động, 230.000 cô dâu và trên 100.000 sinh viên Việt Nam ở nước ngoài. Trong khi đó, tình hình thế giới tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường như nội chiến, xung đột, đảo chính, khủng bố ở nhiều nơi… luôn đe dọa tính mạng, tài sản của công dân Việt Nam.
Khi xảy ra những vụ tai nạn, thương vong, tranh chấp… của công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phải luôn theo sát tình hình, chỉ đạo cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với các cơ quan chức năng của nước sở tại tìm hiểu tình hình và triển khai ngay các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết.
Những vụ việc chấn động
Những sự vụ như liên quan đến công dân Đoàn Thị Hương ở Malaysia hay mới đây là vụ sát hại bé gái 9 tuổi ở Nhật Bản đang được dư luận đặc biệt quan tâm.
Hai vụ việc đều cho thấy tính chất ngày càng phức tạp của công tác bảo hộ công dân trong giai đoạn hiện nay.
Về trường hợp thứ nhất, ngay sau khi có thông tin liên quan đến việc Malaysia bắt giữ một nghi phạm mang hộ chiếu Việt Nam dưới tên Đoàn Thị Hương, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng sở tại làm rõ các thông tin liên quan. Ngày 25/2, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã tiến hành thăm lãnh sự nghi phạm và xác định Đoàn Thị Hương là công dân Việt Nam.
Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam đề nghị phía Malaysia xử lý vụ việc theo đúng quy định của pháp luật Malaysia, pháp luật và thông lệ quốc tế; đồng thời tìm hiểu các thủ tục để hỗ trợ về mặt pháp lý, tôn trọng quyền lợi chính đáng của công dân. Ngày 29/3, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia và Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Luật sư Hisyam Teh Toh Teik và Luật sư Naran Singh được thu xếp làm luật sư bào chữa cho công dân Đoàn Thị Hương.
Trường hợp thứ hai là vụ thi thể cháu Lê Thị Nhật Linh (sinh năm 2007), công dân Việt Nam định cư tại Nhật Bản, được phát hiện bên cạnh kênh thoát nước thuộc thành phố Abiko, tỉnh Chiba, hôm 26/3.
Cùng ngày, theo chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã cử cán bộ trực tiếp đến hiện trường nắm tình hình, thăm hỏi, động viên gia đình nạn nhân và phối hợp hoàn tất các thủ tục cần thiết để lo hậu sự cho cháu Linh.
Đại sứ quán cũng đã khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng sở tại, yêu cầu phía Nhật Bản xác định nguyên nhân tử vong, điều tra, truy bắt hung thủ và xét xử nghiêm minh theo đúng các quy định pháp luật.
Công tác bảo hộ công dân của Việt Nam còn nhiều khó khăn và thách thức. |
Nhiều thách thức mới
Công tác bảo hộ công dân luôn được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Lãnh đạo Bộ Ngoại giao hết sức quan tâm. Bộ Ngoại giao coi đây là một trong những công tác trọng tâm của Bộ nói chung và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nói riêng.
Bộ Ngoại giao đã lập bộ phận thường trực xử lý công tác bảo hộ công dân (Phòng Bảo hộ công dân và Pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài, Cục Lãnh sự). Tại các cơ quan đại diện cũng đều có cán bộ trực công tác bảo hộ công dân và đường dây nóng để công dân liên hệ khi cần thiết.
Thời gian qua, Bộ Ngoại giao cũng đã nhận được sự phối hợp rất chặt chẽ, kịp thời của các Bộ, ngành và các địa phương liên quan trong công tác bảo hộ công dân. Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Quỹ Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài đã được thành lập từ năm 2007, tạo cơ chế hữu hiệu để các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có kinh phí cần thiết thực hiện công tác này.
Tuy nhiên, công tác bảo hộ công dân của ta còn nhiều khó khăn và thách thức, trong đó có vấn đề về nhân lực và kinh phí cho công tác bảo hộ công dân. Trên thế giới có hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ, nhưng hiện nay chúng ta chỉ có 98 CQĐD ở nước ngoài. Địa bàn rộng lớn, nhưng nhiều CQDD chỉ có 5-7 cán bộ, phải thực hiện nhiều chức năng khác (chính trị, đối ngoại, kinh tế, thương mại, báo chí, tuyên truyền…). Đặc biệt có những vụ việc xảy ra ở nước kiêm nhiệm hoặc các địa phương xa xôi, cách trụ sở CQĐD hàng ngàn km, đi lại rất khó khăn.
Ngoài ra, sự bùng nổ của Internet và các mạng xã hội khiến các thông tin không được kiểm chứng về các vụ việc liên quan đến công dân ta ở nước ngoài lan tràn trên mạng xã hội, gây khó khăn cho việc thực hiện công tác bảo hộ công dân của Bộ Ngoại giao và các CQĐD Việt Nam ở nước ngoài.
Khuyến cáo công dân ra nước ngoài
Hiện nhu cầu đi lại và giao lưu của người dân rất lớn. Qua theo dõi của Cục Lãnh sự, nhiều công dân Việt Nam ra nước ngoài vi phạm pháp luật nước sở tại do chưa được trang bị đầy đủ thông tin cần thiết về pháp luật, phong tục, tập quán của nước đến và các thông tin chính xác và chi tiết về điều kiện việc làm. Do vậy, theo ông Vũ, Cục Lãnh sự rất mong muốn các công dân Việt Nam trước khi ra nước ngoài tìm hiểu kỹ thông tin về nước sở tại, đặc biệt là những điều cần chú ý về quy định pháp luật, phong tục, tập quán của nước đến. Những người đi làm việc tại nước ngoài nên tìm hiểu kỹ, chi tiết về điều kiện hợp đồng, điều kiện sinh hoạt ở nước sở tại.
Trong các tình huống khủng hoảng hoặc khi gặp các khó khăn, sự cố ở nước ngoài, đề nghị liên hệ với Tổng đài Bảo hộ Công dân (+84. 981.848484) hoặc với các đường dây nóng của các CQĐDVN ở nước ngoài để có thể nhận được sự tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ cần thiết.