Trả lời phỏng vấn TG&VN, ông Lý Quốc Tuấn, Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Lãnh sự cho biết, công tác bảo hộ công dân đang được triển khai thường xuyên, liên tục, vượt qua những khó khăn về thời gian, khoảng cách, nguồn lực…
Những con số “biết nói”
Ông Tuấn bày tỏ, năm 2015 để lại nhiều dấu ấn đặc biệt đối với công tác bảo hộ công dân, đặc biệt trong bối cảnh tình hình thế giới không yên ả. Khủng bố ở Pháp, Thái Lan, động đất ở Nepal… gây nguy hiểm, đe dọa sự an toàn của người dân Việt Nam. Trên Biển Đông, tình hình vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp với các hoạt động bồi đắp, xây dựng phi pháp, có thể dùng vào mục đích quân sự tại các đá nửa chìm, nửa nổi của Việt Nam, đe dọa sinh mạng và ảnh hưởng tới tình hình sản xuất của ngư dân. Một số nước trong khu vực Đông Nam Á tiếp tục thực hiện chính sách phạt ngư dân, tàu cá các nước vi phạm đánh bắt cá trái phép rất nặng.
Tình hình đó đòi hỏi công tác bảo hộ công dân phải thực hiện thường xuyên, liên tục. Số vụ việc bảo hộ tăng gấp rưỡi so với năm 2014. Ông Tuấn đã đưa ra những con số ấn tượng về số lượng công dân đã được bảo hộ: 2655 công dân ở nước ngoài, nhất là tại một số địa bàn Trung Quốc, Saudi Arabia, Malaysia…
Về công tác bảo hộ ngư dân, năm qua Cục đã tiến hành bảo hộ 129 vụ đối với 200 tàu và 1.481 ngư dân. “Năm nay, Bộ Ngoại giao và Cục Lãnh sự không chỉ tiếp tục bảo hộ, can thiệp với các nước liên quan mà còn đấu tranh với phía Trung Quốc trước những động thái mới như đâm tàu cá của ngư dân ta ở Trường Sa, phối hợp đấu tranh việc ngư dân bị bắn chết trên biển, kiên trì làm việc với cơ quan chức năng nước ngoài để đưa ngư dân bị bắt giữ rất xa Việt Nam, từ Micronesia, Palau… về nước”, ông Tuấn nhấn mạnh. Quỹ Bảo hộ công dân đã giúp đỡ 690 ngư dân được tha, mãn hạn tù về nước.
Ngoài ra, năm qua, Cục Lãnh sự đã tích cực tham gia giúp đỡ các công dân chịu ảnh hưởng của động đất ở Nepal, tham gia giúp đỡ ngư dân trú tránh bão.
Lớp tập huấn kiến thức đối ngoại và bảo hộ công dân. |
Chỗ dựa tin cậy
Đã gần một năm Tổng đài bảo hộ công dân đi vào hoạt động, ông Tuấn tỏ ra vui mừng vì hiệu quả thiết thực của hình thức liên lạc này, xem đây là “phương tiện hỗ trợ rất tốt cho công dân Việt Nam ở nước ngoài, tạo ra một kênh làm việc trực tiếp giữa Cục Lãnh sự với những người dân gặp khó khăn hay thân nhân của họ để có biện pháp cần thiết giúp đỡ”. Tổng đài hoạt động 24/7, là sự hợp tác hết sức thiết thực của Bộ Ngoại giao với Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel.
Qua hơn mười tháng hoạt động, Tổng đài tiếp nhận và phối hợp cùng Cục Lãnh sự xử lý 6.700 cuộc gọi của công dân Việt Nam ở trong và ngoài nước, liên quan đến các tình huống, hoàn cảnh rất đa dạng, đêm cũng như ngày của công dân Việt Nam ở khắp thế giới. Cuộc gọi có thể xuất phát từ Nepal vào thời điểm động đất tháng 4/2015, là thông báo về vụ việc buôn bán người, hay của một người lao động giúp việc ở Saudi Arabia đang có những khúc mắc với chủ nhà…
Sơ kết 5 năm thực hiện công tác bảo hộ công dân Tham gia bảo hộ 621 vụ/1008 tàu/7784 ngư dân Bảo hộ công dân trong khủng hoảng: 13.168 người Giúp đỡ, hỗ trợ công dân gặp khó khăn: 53.790 người trên khắp thế giới Hỗ trợ tư vấn các tình huống bất trắc ở nước ngoài: Mất giấy tờ tùy thân, hộ chiếu Bị bắt, bị giam giữ, bị tù ở nước ngoài Trở thành nạn nhân của tội phạm buôn bán người Bị xâm hại, bị bóc lột sức lao động Mắc kẹt ở khu vực khủng hoảng, chiến sự Các rủi ro, tai nạn khác… Tổng đài Bảo hộ công dân: (0084) 981848484 |
Ông Tuấn cho biết: “Tổng đài ngày càng trở thành chỗ dựa cho người dân khi lâm cảnh khó khăn. Thông qua tổng đài, nhiều cuộc gọi đã trở thành đầu mối giúp cơ quan chức năng ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật của bọn tội phạm buôn bán người sang Trung Quốc hay cung cấp thông tin về các trường hợp lao động gặp khó khăn ở Malaysia, Saudi Arabia, Algeria, Nga… để Cơ quan đại diện của ta ở nước ngoài phối hợp giúp đỡ”.
Xung quanh câu chuyện về Tổng đài Bảo hộ công dân (số 0084-981848484), ông Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự cho biết Cục đã phối hợp với Viettel đưa ra nhiều hình thức tuyên truyền đến người dân để biết về kênh liên lạc hữu ích này. Số của Tổng đài bảo hộ công dân được in sẵn trên tem dán nhỏ, gọn, người dân có thể lấy tự do tại trụ sở cơ quan cấp hộ chiếu của Bộ Ngoại giao, Bộ Công an hoặc tại các địa điểm xuất cảnh cửa khẩu hàng không và đường bộ quốc tế. Số điện thoại này cũng xuất hiện liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng mỗi khi có sự việc hoặc dễ nhìn thấy trên các biển quảng áo, tờ rơi, áp phích tại các cửa khẩu xuất cảnh quốc tế.
Ông Tuấn bật mí: “Số điện thoại trên rất dễ nhớ vì sử dụng con số mã vùng của Việt Nam. Ngoài ra, tem in số tổng đài có thể dán vào bìa hộ chiếu, luôn mang bên mình”. Ông cũng khuyến cáo, hành trang cho mỗi chuyến đi nước ngoài của người dân nên có số Tổng đài này.
Thách thức không nhỏ
Theo ông Tuấn, có được những kết quả đáng khích lệ trong công tác bảo hộ công dân trong thời gian vừa qua là nhờ có những thuận lợi cơ bản như: sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo các cấp, của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh và Lãnh đạo Bộ Ngoại giao; sự phối hợp của các đơn vị trong Bộ Ngoại giao cũng như các Bộ, ngành, địa phương liên quan.
Tuy vậy, thực tiễn công tác bảo hộ công dân gặp không ít khó khăn, thách thức. Khó khăn trước hết là Việt Nam chưa có một cơ chế liên, đa ngành thành quy định để có thể huy động nhanh chóng nguồn lực của các cơ quan chức năng liên quan khác, ngoài Bộ Ngoại giao, trong triển khai công tác bảo hộ công dân.
Điểm tiếp theo là một số địa bàn xa xôi không có Cơ quan đại diện Việt Nam cũng như các nước chưa đặt đại diện ở những quốc gia trung gian để có thể nhanh chóng liên hệ và phối hợp với các lực lượng chức năng của các nước liên quan hoặc của nước có sự việc xảy ra.
Bên cạnh đó, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 4,5 triệu người, nằm tại 109 quốc gia, vùng lãnh thổ trên khắp năm châu lục, với các hoàn cảnh, tình huống khác nhau và múi giờ khác với Việt Nam, đòi hỏi công tác bảo hộ công dân phải khắc phục những khó khăn về chênh lệch thời gian, khoảng cách, luôn luôn sẵn sàng triển khai bất cứ lúc nào, không kể lễ, Tết, ngày, đêm.