Trong nhiều năm trở lại đây, giới hâm mộ "nghệ thuật thứ 7" đã quá quen với chiến lược "sức mạnh trong tay kẻ thắng" của Hollywood khi tập trung sản xuất ít phim với vốn đầu tư cao hơn.
Các nhà sản xuất phim tại kinh đô điện ảnh thế giới thường "ém" quân, chỉ tung những "bom tấn" hay và được kỳ vọng nhiều vào mùa Hè, khi khán giả có nhiều thời gian rảnh hơn để tới rạp xem phim. Với chiến lược này, Hollywood đã tự ràng buộc số phận của mình vào tay của "một số bom tấn" và hoàn toàn có nguy cơ "đổ bể" giống như mùa Hè năm nay.
Tấm hình quảng cáo cho bộ phim Wonder Woman tại một rạp chiếu phim. (Nguồn: The Canadian Press) |
Trên thực tế, mức doanh thu năm nay là mức thấp nhất kể từ năm 2005 khi Mr. & Mrs. Smith trình làng. Hàng loạt các bom tấn được kỳ vọng của làng điện ảnh vướng "dớp" trượt chỉ tiêu như các sản phẩm gồm The Emoji Movie (82,8 triệu USD), King Arthur: Legend of the Sword (39,1 triệu USD), Valerian and the City of a Thousand Planets (40,3 triệu USD) và Baywatch, (58 triệu USD), The Dark Tower (48 triệu USD).
Ngay cả một số siêu phẩm được gắn mác "cỗ máy in tiền" như Pirates of the Caribbean 5 hay The Mummy của Universal với sự đảm bảo của Tom Cruise; và Transformers 5 của Paramount cũng không thoát vận đen khi mang về số tiền thấp hơn dự tính của giới chủ. Một số phim tuy đạt doanh thu lớn trên toàn thế giới như Despicable Me 3 ( 1 tỷ USD) và The Fate and the Furious (1,2 tỷ USD), lại gây thất vọng khi doanh thu tại khu vực Bắc Mỹ chỉ đạt khoảng 1/5 so với doanh thu toàn cầu.
Nhiều chuyên gia bắt đầu mổ xẻ để đưa ra lời lý giải phù hợp sự sụt giảm thảm hại này.
Tờ Los Angeles Times cho rằng thực tế này cho thấy ngành công nghiệp điện ảnh đang phụ thuộc quá nhiều vào những vầng hào quang từ quá khứ của một số siêu phẩm, khiến khán giả không còn hứng thú trong khi ngày càng nhiều hình thức giải trí tại nhà nở rộ. Chuyên trang giải trí Variety.com cũng có chung quan điểm. Trong khi ComScore thì nhận định hiện trạng này phản ánh chính xác khán giả đang nói "Không" một cách mạnh mẽ với những siêu phẩm kém chất lượng.
Người trong giới thì đổ lỗi cho các chương trình truyền hình đang ngày càng nở rộ với chất lượng tốt hơn cả các thước phim điện ảnh, tạo sự cạnh tranh mạnh mẽ. Tạp chí Fortune cũng chung quan điểm và cho rằng truyền thông trực tuyến và những lựa chọn giải trí tại nhà dường như là lý do rõ ràng nhất cho sự "ế ẩm" của phim điện ảnh trong mùa Hè vừa qua.
Dù nguyên nhân là gì đi chăng nữa, doanh thu phòng vé sụt giảm đáng báo động trong mùa Hè qua nên được coi như một hồi chuông cảnh tỉnh cho các nhà sản xuất tại Hollywood. Đã đến lúc họ cần thay đổi tư duy hoạt động, lựa chọn những đề tài phong phú và phù hợp với thị hiếu khán giả thay vì quá phụ thuộc vào những "câu chuyện đã cũ".