📞

Bạo loạn chưa từng có ở Uzbekistan: Liên hợp quốc và EU yêu cầu điều tra độc lập

Việt Hà 06:50 | 06/07/2022
Cả Liên hợp quốc (LHQ) và Liên minh châu Âu (EU) mới đây đều kêu gọi Uzbekistan mở cuộc điều tra độc lập liên quan tới các vụ đụng độ biểu tình vừa xảy ra tại đây.
Biểu tình nổ ra từ hôm 1/7 tại Karakalpakstan nhằm phản đối những thay đổi trong Hiến pháp Uzbekistan ảnh hưởng tới địa vị của khu vực tự trị này khiến 18 người tử vong.

Trước đó, chính quyền Uzbekistan cho biết, vào ngày 1/7, biểu tình nổ ra tại Karakalpakstan nhằm phản đối những thay đổi trong Hiến pháp Uzbekistan ảnh hưởng tới địa vị của khu vực tự trị này.

Cuộc biểu tình nhanh chóng leo thang thành bạo loạn chống lại các lực lượng an ninh và vụ việc có thể coi là thách thức nghiêm trọng nhất, tính tới thời điểm này, của chính quyền Tổng thống Shavkat Mirziyoyev kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2016. Đã có 18 người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ.

Mức độ các cuộc bạo loạn lớn chưa từng có ở khu vực tự trị cũng như ở quốc gia Trung Á này, khiến Uzbekistan phải ban bố tình trạng khẩn cấp trong vòng một tháng tại khu vực phía Tây kể từ ngày 2/7.

Ngày 5/7, Cao ủy LHQ về nhân quyền Michelle Bachelet kêu gọi nhà chức trách Uzbekistan hết sức kiềm chế, tiến hành điều tra độc lập, minh bạch nhằm xử lý các hành động phạm tội, kể cả các hành vi vi phạm pháp luật mà các nhân viên an ninh của chính phủ gây ra.

Bày tỏ quan ngại về việc khoảng 500 người đã bị bắt giữ, trong đó một người đã bị khởi tố và đối mặt với án tù lên tới 20 năm, bà Bachelet cho rằng, người dân không nên bị đối xử hình sự hóa khi thực hiện quyền công dân của họ.

Cao ủy LHQ về nhân quyền kêu gọi chính phủ Uzbekistan ngừng việc chặn Internet và tuân thủ luật pháp quốc tế ngay cả trong lúc ban bố tình trạng khẩn cấp.

Trước đó, EU cũng kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra mở và độc lập về vụ việc, đồng thời chia sẻ về thương vong và thiệt hại về người trong cuộc bạo loạn.

EU ghi nhận các bước mà Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev đã thực hiện để đáp ứng nhanh chóng những lo ngại của công chúng về các đề xuất sửa đổi Hiến pháp.

Khối này kêu gọi tất cả các bên thể hiện sự kiềm chế trong các hành động của mình, nhằm tránh mọi leo thang hoặc bạo lực thêm nữa.

Bên cạnh đó, EU đề nghị các nhà chức trách đảm bảo các quyền con người, bao gồm các quyền cơ bản về tự do ngôn luận và tự do hội họp, phù hợp với các cam kết quốc tế của Uzbekistan.

EU có quan hệ đối tác mạnh mẽ và ngày càng phát triển với Uzbekistan. Liên minh này vẫn cam kết hỗ trợ các nỗ lực cải cách của Uzbekistan và kêu gọi Uzbekistan tiếp tục quá trình này với sự tham vấn của người dân và các bên liên quan, dựa trên các chuẩn mực quốc tế và các thông lệ tốt nhất.

Trong khi đó, tại cuộc điện đàm ngày 5/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói với người đồng cấp Uzbekistan rằng, Moscow ủng hộ các nỗ lực của Tashkent nhằm ổn định tình hình ở khu vực tự trị Karakalpakstan.

Thông cáo của Điện Kremlin cho biết, lãnh đạo hai nước cũng khẳng định cam kết tăng cường quan hệ đối tác chiến lược và liên minh Nga-Uzbekistan.

(theo UN, APA)