📞

Nên đi Morocco bán chè

08:38 | 27/10/2008
Morocco đang giữ vững ngôi vị nhà nhập khẩu chè số 1 thế giới, lượng tiêu thụ trung bình đạt trên 30.000 tấn/năm. Với tỷ lệ tăng trưởng nhập khẩu 4,5%/năm, dự kiến đến 2010, Morocco sẽ nhập khẩu khoảng 57.100 tấn chè xanh.

Whisky béc-be

 

Trà xanh thâm nhập vào đời sống của người Morocco từ giữa thế kỷ 18, nhanh chóng trở thành thứ đồ uống không thể thiếu trong các tầng lớp xã hội. Trong các dịp quan trọng, trà pha cùng lá bạc hà còn là đồ uống có tính nghi lễ thể hiện sự mến khách. Ngoài việc giúp tiêu hóa tốt, người ta còn gán cho nó nhiều thuộc tính khác như làm giảm lo âu, chăm sóc giấc ngủ, kích thích giác quan, làm dịu những nỗi đau của tuổi già.

 

Trà bạc hà được gọi thân thuộc là whisky béc-be trở thành đồ uống truyền thống của không chỉ Morocco, mà phổ biến trong các nước Ảrập.

 

Chè cũng… tự do

 

Từ năm 1856 khi giá chè thế giới sụt giảm và luật nhập khẩu chè của Morocco mềm dẻo hơn, cũng là lúc chè thâm nhập mạnh vào thị trường nước này. Các cảng của Marocco rất gần eo biển Gibraltar, cũng là điểm đến của các tàu buôn chè xanh. Các chi nhánh Tanger và Mogador ở thành phố Essaouira đã nhanh chóng trở thành những trung tâm buôn bán chè lớn phục vụ các quốc gia Ảrập.

 

Được tự do hóa từ năm 1993, thị trường chè Morocco đã trở nên hết sức cạnh tranh với việc xuất hiện ngày càng nhiều đối thủ và sự đa dạng các nhãn mác. Tính đến nay đã có hơn 250 nhãn hiệu có mặt trên thị trường, với khoảng 50 doanh nghiệp hoạt động. Việc mua bán chè được thực hiện thông qua đàm phán trực tiếp với các công ty này, nhập khẩu thực hiện dưới dạng FOB.

 

Việc tự do hóa lĩnh vực chè còn tạo ra các cuộc chiến tranh thương mại, cũng như những chiến dịch truyền thông xung quanh các nhãn hiệu lớn như Sultan, Mérana. Hiện tại hai công ty Mido Food và Somathes (vốn là hai công ty thuộc sở hữu nhà nước) chi phối gần như toàn bộ thị trường chè Morocco. Với chính sách tư hữu hóa ngành chè, Somathes (với 7 hãng phân phối lớn, nắm giữ 35% thị trường chè nước này, tăng trưởng 8%/năm) đang được chính phủ giao bán với giá 49 triệu USD. Hiện nay có rất nhiều công ty, cả trong và ngoài nước, muốn mua lại với mức giá có thể tăng gấp đôi.

 

Chè xanh của Trung Quốc đến thị trường Morocco từ rất sớm, khiến khẩu vị người Morocco quá quen với vị chè của Trung Quốc, nên không dễ để có thể đa dạng hóa nhà cung cấp. Chè Trung Quốc giữ vị trí thống lĩnh thị trường Morocco bằng 98% thị phần chè xanh nhập khẩu. Những nước cung cấp khác là Ấn Độ, Sri Lanka và Thổ Nhĩ Kỳ, gần như chỉ bán chè đen, còn lượng chè xanh vào được Morocco chỉ là chút ít loại chè đặc biệt.

 

Trong 8 tháng đầu năm 2008, chè xanh Việt Nam cũng đã thâm nhập vào thị trường Morocco, nhưng số lượng không nhiều: 3.380 kg cả chè đen và xanh với tổng giá trị là 26.237 USD. Khó khăn lớn nhất mà chè Việt Nam gặp phải chính là khó khăn chung của các nhà xuất khẩu chè đến Morocco, vì người dân Morocco đã quen với gu chè Trung Quốc, các đầu mối phân phối qua Hoa kiều rộng và giá cũng mềm hơn. Tuy nhiên, theo một chuyên gia nhập khẩu chè Morocco, giống chè Việt Nam không khác mấy so với Trung Quốc, nhưng cách chế biến, xao tẩm cho phù hợp với thị hiếu người Morocco thì doanh nghiệp Việt Nam chưa quen. Nhưng Morocco đúng là một điểm đến lý tưởng cho chè Việt Nam.

 

Minh Anh