Độ tuổi bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy?
Pháp luật nước ta cũng quy định cụ thể, đội mũ bảo hiểm là một trong những yêu cầu bắt buộc khi điều khiển xe gắn máy. (khoản 2 Điều 30 Luật giao thông đường bộ 2008).
Về độ tuổi bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm không được quy định trực tiếp trong luật, tuy nhiên, theo điểm o khoản 3 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã được sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi chở người không đội mũ bảo hiểm trên 6 tuổi. Chúng ta có thể hiểu giới hạn độ tuổi đội mũ bảo hiểm ở trẻ em là 6 tuổi trở lên.
Theo nội dung Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển xe tham gia giao thông mà chở trẻ em từ 6 tuổi trở lên nhưng không đội mũ bảo hiểm sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.
Dù không bắt buộc đội mũ bảo hiểm với nhóm trẻ em dưới 06 tuổi nhưng để đảm bảo an toàn cho trẻ, nhà nước khuyến khích người điều khiển xe gắn máy trang bị cho trẻ một chiếc mũ bảo hiểm để đảm bảo an toàn cho tình huống xấu có thể xảy đến.
Quy định về người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy
Theo Điều 30 Luật Giao thông đường bộ 2008, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi tham gia giao thông phải đáp ứng các yêu cầu sau:
(1) Chỉ được chở tối đa một người, ngoài trừ các trường hợp sau:
- Chở người bệnh đi cấp cứu;
- Áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật;
- Trẻ em dưới 14 tuổi.
(2) Phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách.
(3) Người điều khiển xe không được thực hiện các hành vi sau:
- Đi xe dàn hàng ngang;
- Đi xe vào phần đường dành cho người đi bộ và phương tiện khác;
- Sử dụng ô, điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính;
- Sử dụng xe để kéo, đẩy xe khác, vật khác, mang, vác và chở vật cồng kềnh;
- Buông cả hai tay hoặc đi xe bằng một bánh đối với xe hai bánh, bằng hai bánh đối với xe ba bánh;
- Hành vi khác gây mất trật tự, an toàn giao thông.
(4) Những hành vi mà người ngồi trên xe không được phép thực hiện:
- Mang, vác vật cồng kềnh;
- Sử dụng ô;
- Bám, kéo hoặc đẩy các phương tiện khác;
- Đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái;
- Hành vi khác gây mất trật tự, an toàn giao thông.
Mức phạt vi phạm cao nhất đối với người điều khiển xe gắn máy
Theo Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, mức phạt cao nhất từ 06 triệu đồng đến 08 triệu đồng được áp dụng cho các hành vi sau đây:
- Buông cả hai tay khi đang điều khiển xe; dùng chân điều khiển xe; ngồi về một bên điều khiển xe; nằm trên yên xe điều khiển xe; thay người điều khiển khi xe đang chạy; quay người về phía sau để điều khiển xe hoặc bịt mắt điều khiển xe;
- Điều khiển xe lạng lách hoặc đánh võng trên đường bộ trong, ngoài đô thị;
- Điều khiển xe chạy bằng một bánh đối với xe hai bánh, chạy bằng hai bánh đối với xe ba bánh;
- Điều khiển xe thành nhóm từ 02 xe trở lên chạy quá tốc độ quy định;
- Gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn;
- Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở;
- Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ;
- Điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy;
- Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy của người thi hành công vụ.
Lưu ý: Số tiền xử phạt có thể lên tới 14 triệu đồng nếu vi phạm đối vi phạm quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm d khoản 8 Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP mà gây tai nạn giao thông hoặc không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ.