📞

Bão số 4 đang ở thời điểm mạnh nhất, lưu ý mưa dông gây lũ quét, sạt lở đất...

20:56 | 27/09/2022
Đến thời điểm này, bão số 4 đang trong tình trạng mạnh nhất và không thể xảy ra khả năng bão mạnh lên cấp 16 (cấp siêu bão).
Bão số 4 gây sóng biển đánh dữ dội qua cửa biển Thuận An, xã Hải Dương, TP. Huế. (Ảnh: Võ Thạnh)

Trên đây là nhận định về diễn biến bão số 4 của trưởng phòng dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng. Khoảng cách hiện tại từ tâm bão đến đất liền là khoảng 200 km về phía Đông.

Ông Nguyễn Văn Hưởng nhấn mạnh, sau 22h ngày 27/9 là khoảng thời gian tác động của bão đến đất liền rõ ràng nhất. Cụ thể, khu vực đất liền và khu vực biển Trung Bộ có gió mạnh từ vùng tâm bão vào sẽ kéo dài đến sáng 28/9.

Khoảng thời gian tâm bão di chuyển vào đất liền (vùng mắt bão) là thời gian lặng gió, nên người dân phải hết sức lưu ý, không chủ quan và không đi ra ngoài vì chỉ khoảng 5-10 phút sau đó, gió sau bão di chuyển vào sẽ mạnh hơn, gây nguy hiểm rất lớn.

Người dân chỉ có thể an toàn ra ngoài khi theo dõi các bản tin về bão đã ra khỏi khu vực hoặc suy yếu.

Ông Nguyễn Văn Hưởng cũng cảnh báo: Ngoài gió mạnh, chính quyền và người dân hết sức chú ý đến các hiện tượng mưa dông gây lũ quét, sạt lở đất, trọng tâm là tại các khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Kom Tum và Gia Lai.

Bão số 4 không chỉ tác động đến khu vực Trung Bộ mà còn tác động đến khu vực các tỉnh Gia Lai, Kom Tum (nơi ít khi có tác động của bão mạnh) gây gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 9-10. Đây là cấp gió hiếm gặp ở 2 tỉnh này nên người dân hết sức đề phòng.

Lý giải về sự tác động của bão đến các tỉnh Gia Lai, Kom Tum, ông Nguyễn Văn Hưởng phân tích, đường đi của bão số 4 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, trọng tâm là tác động vào các tỉnh, thành phố như Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi; Gia Lai, Kom Tum là nơi tiếp giáp với các tỉnh trên nên cũng sẽ bị tác động.

(theo TTXN)