📞

Bảo tàng phụ nữ: Nơi tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam

15:27 | 07/03/2013
Đến thăm Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội) những ngày này, khách tham quan không khỏi ngỡ ngàng và thích thú trước một diện mạo mới với thiết kế độc đáo, không gian cởi mở và thân thiện.

Sau 4 năm nâng cấp và cải tạo, những nỗ lực sáng tạo và đổi mới không ngừng của lãnh đạo cũng như các cán bộ, nhân viên của bảo tàng đã được đền đáp khi năm 2012, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam được website du lịch uy tín của thế giới TripAdvisor bình chọn là điểm du lịch hấp dẫn nhất tại Hà Nội năm 2012…

Với diện tích trưng bày gần 2000m2 và hệ thống kho lưu giữ hơn 25.000 tài liệu, hiện vật phản ánh những đóng góp của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử và cuộc sống đương đại, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam là trung tâm truyền thông kiến thức về lịch sử, văn hóa của phụ nữ Việt Nam cho công chúng. Đây cũng là nơi giao lưu văn hoá giữa phụ nữ Việt Nam và phụ nữ thế giới vì mục tiêu bình đẳng, hoà bình và phát triển.

Gói gọn trong 3 chủ đề lớn: Phụ nữ trong gia đình; Phụ nữ trong lịch sử; Thời trang nữ: Truyền thống và hiện đại, được trình bày trong không gian độc đáo và thân thiện, hệ thống trưng bày thường xuyên của bảo tàng với hơn 1.000 hiện vật đã dẫn dắt du khách vào hành trình khám phá đầy thú vị về những vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam.

Từ vẻ đẹp những phụ nữ làm nên lịch sử

Theo bà Nguyễn Thị Bích Vân - Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, sau khi cải tạo và mở cửa trở lại, Bảo tàng đã nhận được sự đánh giá cao của rất nhiều khách tham quan trong và ngoài nước, đặc biệt là chủ đề người phụ nữ trong tiến trình lịch sử.

Từ hình ảnh những người phụ nữ Việt Nam từ trước thế kỷ 20 cho đến hình ảnh người phụ nữ trong những cuộc chiến giành độc lập, hình ảnh người phụ nữ của thời hiện đại..., những gương mặt phụ nữ tiêu biểu trong lịch sử dân tộc đã lần lượt được khắc họa thông qua những câu chuyện, những hiện vật, thước phim tư liệu… Tất cả đều sáng ngời nhân cách và phẩm chất tốt đẹp.

Góc trưng bày về hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thời điểm năm 1975 khi đất nước thống nhất nổi bật với hình ảnh của bà Nguyễn Thị Bình, nữ Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Việt Nam, Trưởng đoàn đàm phán của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam (sau là Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam) tại Hội nghị Paris. Bà từng được cánh báo giới nước ngoài thời điểm đó tôn vinh là "nữ hoàng đỏ", là biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam kiên cường, nhưng thông minh và sắc bén. Ngoài tố chất của một nhà ngoại giao kỳ tài, bà còn là người phụ nữ có tầm ảnh hưởng lớn đối với phong trào phụ nữ Việt Nam và quốc tế.

Trong lĩnh vực ngoại giao, tại gian trưng bày hình ảnh, phim tư liệu về những người phụ nữ trong thời hiện đại, Bảo tàng cũng lựa chọn bà Tôn Nữ Thị Ninh, người từng giữ cương vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Liên minh Châu Âu và các nước Bỉ, Hà Lan và Luxembourg là một trong 8 gương mặt phụ nữ tiêu biểu đương đại.

Bà Bích Vân cho biết: "Khi sắp xếp các gian trưng bày, Bảo tàng đã quyết định lựa chọn hình ảnh bà Bình và bà Ninh vì hai bà đều là những nhà ngoại giao xuất sắc, được nhiều người yêu mến và có nhiều đóng góp to lớn cho xã hội và các phong trào phụ nữ".

... đến những vẻ đẹp đời thường

Ngoài hệ thống trưng bày thường xuyên, Bảo tàng còn phối hợp với các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ và quốc tế… tổ chức các trưng bày chuyên đề phản ánh cuộc sống đương đại, thể hiện tiếng nói của cộng đồng, đặc biệt là những nhóm phụ nữ khác nhau trong xã hội.

Rất nhiều chủ đề phản biện đã được Bảo tàng lựa chọn như thân phận, số phận của những phụ nữ có cảnh đời éo le, thiệt thòi, những phụ nữ gánh hàng rong, những phụ nữ sống tại các khu ổ chuột… Tiêu biểu như Triển lãm Gánh hàng rong, Triển lãm Những người phụ nữ đơn thân ở Tân Minh - Sóc Sơn, Triển lãm Đêm sáng về những phụ nữ di cư lên Hà Nội sinh sống, Triển lãm về những người phụ nữ nhiễm HIV, bị bạo lực gia đình… Những triển lãm này thu hút được nhiều sự quan tâm và chú ý của dư luận và gây được tiếng vang lớn.

"Giống như những phóng viên, để thực hiện được những triển lãm như vậy, những cán bộ, nhân viên bảo tàng chúng tôi đã phải lặn lội tìm gặp, tiếp cận, trực tiếp thâm nhập sâu vào đời sống của những người phụ nữ, đi cùng họ, sống cùng họ, lắng nghe những câu chuyện của họ. Có như thế mới lột tả được chân thực hình ảnh của những người phụ nữ trong đời thường, qua đó thấy được những vẻ đẹp của họ, dù trong những hoàn cảnh khó khăn và éo le nhất", chị Tú Anh, một cán bộ tại Bảo tàng chia sẻ.

Bên cạnh mảng đề tài về người phụ nữ, Bảo tàng cũng không ngừng tăng cường hợp tác, giao lưu với các bảo tàng trên thế giới, phối hợp với các Đại sứ quán, các tổ chức quốc tế… để tổ chức những cuộc triển lãm trưng bày các hiện vật, hình ảnh tiêu biểu về văn hóa, con người các nước trên thế giới.

Kim Giang