Bài báo nhấn mạnh trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam là đối tác chiến lược duy nhất của của Thái Lan và quan hệ song phương đã có những bước phát triển nhảy vọt trong các thập niên qua.
Trong bài viết, tác giả đã điểm qua lịch sử quan hệ nhiều thăng trầm của hai nước láng giềng từ thời xa xưa cho tới hiện đại. Đây là minh chứng cho sự gắn kết chặt chẽ giữa hai dân tộc, hai quốc gia trong suốt công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Không chỉ là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng có thời gian hoạt động và xây dựng phong trào cách mạng, Thái Lan cũng có một cộng đồng kiều bào yêu nước, luôn hướng về Tổ quốc.
Đánh giá về phương diện hợp tác kinh tế, ông Chongkittavorn cho rằng quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia đã được củng cố và phát triển sau khi Việt Nam gia nhập ASEAN vào năm 1995. Hai bên đã tăng tốc đẩy mạnh hợp tác trên mọi lĩnh vực, tận dụng các ưu thế của mỗi nước.
Việc thực hiện chính sách mở cửa nền kinh tế, tích cực chủ động hội nhập kinh tế quốc tế với 17 thỏa thuận tự do thương mại (FTA) và trở thành trong 4 quốc gia ASEAN tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã khiến Việt Nam trở thành một điểm sáng về phát triển trong khu vực. Chính sự tích cực hội nhập của Việt Nam đã thúc đẩy Thái Lan tích cực hơn trong hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước. Hiện Thái Lan là đối tác thương mại hàng đầu và đang đạt thặng dư thương mại với Việt Nam và dự kiến kim ngạch thương mại hai chiều sẽ đạt 20 tỷ USD vào năm 2020.
Bài viết của tác giả Kavi Chongkittavorn trên nhật báo Bangkok Post. (ảnh chụp màn hình) |
Về phương diện hợp tác hàng hải, quan hệ kinh tế biển giữa Thái Lan và Việt Nam có nhiều dư địa. Hai nước đều có bờ biển dài và chia sẻ vùng nước của Vịnh Thái Lan với nhiều tài nguyên. Việt Nam và Thái Lan cũng đang xem xét việc hợp tác chống cướp biển và buôn người trên biển. Cùng với Campuchia, Thái Lan và Việt Nam có thể xây dựng khuôn khổ hợp tác để phát triển kinh tế biển.
Tác giả cũng lạc quan cho rằng, ở cấp độ khu vực, Việt Nam và Thái Lan là "hai xylanh của một động cơ", giúp nâng tầm kinh tế khu vực và kiến tạo ổn định, bình đẳng xã hội cho toàn bộ Tiểu vùng sông Mekong. Cả hai đều có hành lang kinh tế kết nối các quốc gia láng giềng như Myanmar, Lào, Campuchia. Tuy nhiên, điều này cũng đòi hỏi Việt Nam và Thái Lan cũng cần phải phát triển tương thích những kế hoạch kinh tế tổng thể nhằm đạt được hiệu quả cao nhất.
Hơn nữa, Việt Nam và Thái Lan đã trở thành các quốc gia có ảnh hưởng chiến lược trong khu vực và những mối liên hệ lịch sử với các cường quốc và một mối quan hệ Thái - Việt ổn định sẽ góp phần kiến tạo hòa bình và sự phồn vinh của Đông Nam Á cũng như toàn bộ khu vực.
Kết thúc bài viết, nhà báo Kavi Chongkittavorn nhấn mạnh, quan hệ song phương Việt – Thái hiện đã tiến lên một bình diện mới, với các nội hàm chiến lược và kinh tế sâu sắc hơn. Ông nhận định chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là cơ hội để hai nước làm cho hai hệ song phương thêm khăng khít.