Nằm trong khuôn khổ đề án "Sưu tầm, bảo tồn và phát huy nghệ thuật múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội", tối ngày 14/12, UBND Hà Nội, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội và Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội đã tổ chức chương trình biểu diễn "Bảo tồn và phát huy nghệ thuật múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội năm 2024".
Màn trống hội chào mừng "Âm vang Tây Hồ". (Ảnh: Phương Lan) |
Tới dự chương trình có NSND Trần Quốc Chiêm - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội; PGS.TS Trần Thị An - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Hà Nội; Nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Thủy - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội; NSND Nguyễn Ngọc Anh - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội.
Phát biểu tại sự kiện, NSND Nguyễn Ngọc Anh đã nêu bật những thách thức trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội trong bối cảnh đô thị hóa và giao lưu văn hóa mạnh mẽ.
Ông nhấn mạnh: "Quá trình đô thị hóa và giao lưu văn hóa giữa các vùng miền, đặc biệt là giữa các nhóm cư dân trong quá trình mở rộng địa giới Thủ đô Hà Nội, đã đặt ra những thách thức mới cho công tác sưu tầm, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa.
Bên cạnh đó, những tác động tiêu cực từ nền kinh tế thị trường, như hiện tượng thương mại hóa lễ hội và sân khấu hóa các loại hình văn hóa phi vật thể, đã làm mất đi môi trường diễn xướng truyền thống. Không ít các điệu múa bị mất đi giá trị lịch sử và văn hóa vốn có của nó.
Đây là một thực trạng đáng báo động khi không gian văn hóa, nơi sinh thành và nuôi dưỡng các giá trị văn hóa truyền thống, bị thu hẹp và pha loãng, nếu không được quan tâm đúng mức".
Với những nỗ lực không ngừng trong công tác bảo tồn và phát huy nét đẹp của múa cổ truyền Thăng Long, Ban Tổ chức chương trình đã mang đến những tiết mục đặc sắc và vô cùng ấn tượng.
Màn trống hội chào mừng Âm vang Tây Hồ do ba thế hệ gia đình NSƯT Quốc Toản cùng đoàn trống Hội Đình Quảng Bá, Tây Hồ, Hà Nội đã biểu diễn mở màn cho chương trình. Các điệu múa cổ như múa Bài Bông, múa Trống Bồng, Giải oan cắt kết, diễn sướng Hội Gióng, múa Rắn Lột, múa Rồng và múa Chạy Cờ… đều khiến khán giả trầm trồ và thích thú.
Chương trình "Bảo tồn và phát huy nghệ thuật múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội năm 2024" không chỉ là một sự kiện văn hóa, mà còn là một minh chứng cho nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc giữ gìn và phát triển di sản nghệ thuật quý báu của dân tộc.
Ban tô chức tặng hoa đại diện các đơn vị tham gia biểu diễn tại chương trình. (Ảnh: Phương Lan) |
Những tiết mục múa cổ không chỉ tái hiện lại lịch sử, mà còn mang đến những giá trị văn hóa tinh thần sâu sắc cho thế hệ trẻ hôm nay.
Qua chương trình, người dân Thăng Long - Hà Nội và du khách thập phương lại một lần nữa được thưởng thức và cảm nhận vẻ đẹp đặc trưng của nghệ thuật múa cổ truyền, góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống trong dòng chảy hiện đại.