📞

Bao trùm, đa phương – hướng đi nhất quán của ASEAN

10:31 | 15/11/2018
Trong nội khối, ASEAN đang hướng tới tính bao trùm, vì người dân hiệp hội. Trong đối ngoại, ASEAN vẫn kiên trì chủ nghĩa đa phương, tạo ra sức hấp dẫn cho chính mình.

Đó là những nội dung trong cuộc trao đổi với TG&VN của GS. TS. Phạm Quang Minh, chuyên gia ASEAN, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia trong bối cảnh khu vực và quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các nhà lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN – Trung Quốc lần thứ 21. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)

Sáng kiến xây dựng mạng lưới thành phố thông minh ASEAN là một biện pháp để ASEAN phát triển cơ sở hạ tầng, thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0. Ông nhìn nhận sáng kiến này cũng như vai trò của sáng kiến trong việc thúc đẩy sự kết nối trong Cộng đồng ASEAN?

Đây là chủ đề phù hợp và phản ánh xu thế phát triển của thế giới nói chung và ASEAN nói riêng, nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các nước thành viên. Việt Nam đã có 3 thành phố tham gia vào sáng kiến này là Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh. Trong kỷ nguyên Internet kết nối vạn vật, không có cách nào khác là chúng ta phải sử dụng sức mạnh công nghệ. Mạng lưới thành phố thông minh sẽ giúp việc quản lý của các nhà lãnh đạo ASEAN trở nên dễ dàng hơn vì có thể kết nối, chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm một cách dễ dàng, đặc biệt là có sự tham gia của người dân. Đối với nền quản trị ngày nay, các nước đều đi theo hướng quản trị tốt, đòi hỏi 3 đặc tính quan trọng: sự minh bạch, tính giải trình và tính dự báo, giúp ngăn ngừa rủi ro và đảm bảo phát triển bền vững. Do vậy, những sáng kiến này là phù hợp, mang lại sức mạnh mới cho ASEAN.

GS. TS. Phạm Quang Minh, chuyên gia ASEAN. (Ảnh: TĐ)

Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã “lăn bánh” được 3 năm, xong thực tế chưa có nhiều chuyển biến trong hội nhập kinh tế ASEAN?

Hội nhập kinh tế trong ASEAN đang gặp phải một số thách thức, trước hết là sự phát triển không đồng đều giữa 10 thành viên cũng như là tính cạnh tranh của các nền kinh tế. Nếu hợp tác nội khối muốn phát triển, các nền kinh tế phải bổ sung cho nhau nhưng thực tế các nền kinh tế ASEAN tương đồng nhau, do đó lại trở nên cạnh tranh với nhau. Do cạnh tranh nên các nền kinh tế hướng ngoại nhiều và các bạn hàng lớn của ASEAN đều là bên ngoài khu vực chứ không phải các nước thành viên.

Thêm nữa, giữa hai xu hướng bảo hộ và tự do hóa thương mại hiện nay, nếu ASEAN ủng hộ xu hướng bảo hộ thì sẽ thất bại và mang lại nhiều bất cấp. Vì vậy, Hiệp hội cần đẩy mạnh tự do hóa thương mại. Trước mắt, ASEAN cần phải chèo lái và giữ được vai trò trung tâm của mình, tránh để rơi vào xung đột thương mại giữa hai nước lớn là Mỹ, Trung Quốc. Bên cạnh đó, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) cần phải được đẩy mạnh hơn nữa, tạo gắn kết nhiều hơn giữa các nền kinh tế.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN lần này vắng bóng Tổng thống Donald Trump, phải chăng, ASEAN đang “nhạt” dần trong ưu tiên của nước Mỹ, thưa ông?

Việc Tổng thống Donald Trump không tham dự hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN lần này cho thấy Tổng thống Mỹ chưa quan tâm nhiều về ASEAN dù có thể ông Trump đang bận rộn với những chương trình nghị sự khác quan trọng hơn. Chính sách của Mỹ với Đông Nam Á là vấn đề thường xuyên được đưa ra bàn cãi bởi nó luôn luôn có sự thay đổi, điều chỉnh.

Cựu Tổng thống Barack Obama nhấn mạnh chính sách Xoay trục nhưng Tổng thống Donald Trump triển khai chiến lược khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Chính sách này cho thấy sự quan tâm của nước Mỹ trải ra một khu vực rộng hơn là Ấn Độ Dương, nơi có những đồng mình của Mỹ như Nhật Bản, Australia. Với ASEAN, rõ ràng, sự quan tâm của Mỹ nếu đặt trong tương quan so sánh với Trung Quốc thì kém hơn nhiều. Nếu như Trung Quốc có chính sách “một vành đai, một con đường”, tác động mạnh tới trực tiếp tới các nước ASEAN thì Mỹ chưa có một chính sách cụ thể nào để cân bằng lại sự hiện diện của mình tại khu vực này. Do vậy, sự nghi ngờ về tính nhất quán của Mỹ với khu vực Đông Nam Á là khó tránh khỏi.

Khi cạnh tranh nước lớn vẫn diễn biến khá phức tạp, ông đánh giá như thế nào về vai trò của hội nghị cấp cao Đông Á (EAS)?

Hội nghị EAS ra đời năm 2005 là cơ chế mở của các nước ASEAN và hiện nay số lượng đã lên tới 18 thành viên, có sự hiện diện của các cường quốc lớn. Duy trì và phát triển Hội nghị EAS là điều mà ASEAN cần phải tiếp tục để kiên định chủ nghĩa đa phương, bao trùm, cố gắng tạo ra được sự hấp dẫn, không để xảy ra mâu thuẫn giữa các cường quốc. Song song với đó, ASEAN cũng cần duy trì tính thống nhất trong để lèo lái, dẫn dắt chương trình nghị sự của Hội nghị EAS. Hơn 50 năm đã qua đi, bài học đặt lợi ích khu vực lên trên lợi ích quốc gia vẫn còn nguyên giá trị với 10 thành viên ASEAN.