Diễn tập phản ứng không gian mạng giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Nhật Bản, quan sát viên Australia, tháng 12/2022. (Ảnh: TGCC) |
Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, hiện thực hóa đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy.
Hiện nay, thế giới đang bước vào kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với trọng tâm là công nghệ số. Chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, dữ liệu đã thành tài nguyên chiến lược của các quốc gia. Không gian mạng đóng vai trò hết sức quan trọng trong mọi mặt của đời sống xã hội và đã trở thành vùng “lãnh thổ đặc biệt” để các quốc gia khai thác, phục vụ phát triển kinh tế, đồng thời bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc. Đối với Việt Nam, bên cạnh những lợi ích mà không gian mạng mang lại, còn có nhiều nguy cơ được nhận diện.
Thứ nhất, trong thời bình: Đối phương tiến hành các hoạt động trên không gian mạng để khai thác thông tin, nắm bắt đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, bí mật quốc gia nhằm tạo lợi thế trong quan hệ hợp tác quốc tế; tác động vào đường lối, chính sách đối nội, đối ngoại và sẵn sàng gây sức ép khi cần thiết; thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; bí mật kiểm soát hệ thống mạng, tạo thế xâm hại chủ quyền, lợi ích quốc gia-dân tộc. Khi xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp liên quan đến chủ quyền, lợi ích quốc gia - dân tộc, đối phương lợi dụng thế trận đã thiết lập sẵn trên không gian mạng từ thời bình để tiến công vào các hệ thống thông tin quan trọng quốc gia, gây rối loạn xã hội, đẩy mạnh hoạt động kích động biểu tình, bạo loạn nhằm tạo cớ để can thiệp quân sự.
Thứ hai, khi xảy ra xung đột vũ trang hoặc chiến tranh xâm lược: Đối phương thông qua không gian mạng, tiến công vào các hệ thống thông tin của Đảng, Nhà nước, Quân đội và các hệ thống thông tin quan trọng quốc gia, làm tê liệt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy, điều hành; phá hủy tiềm lực quốc phòng, an ninh, gây hoang mang tinh thần của nhân dân và lực lượng vũ trang, tạo điều kiện cho các hoạt động quân sự, bạo loạn lật đổ, vũ trang khác hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu đề ra.
Về chủ quyền quốc gia trên không gian mạng
Những năm qua, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Bộ Chính trị đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, triển khai thực hiện một hệ thống các chiến lược như: chiến lược quốc phòng, chiến lược quân sự, chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, chiến lược an ninh mạng quốc gia. Các chiến lược của Đảng và các văn bản của Nhà nước đã đề cập, cụ thể hóa nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.
Khẳng định chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là tất cả các quyền của Nhà nước đối với không gian mạng theo quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế, là bộ phận quan trọng của chủ quyền quốc gia. Việc xác lập chủ quyền không gian mạng là xác lập quyền quản lý, kiểm soát đối với kết cấu hạ tầng không gian mạng và thông tin được tạo ra, lưu trữ, xử lý và truyền đưa trên đó.
Quan điểm của Đảng ta về đối tác, đối tượng trong chính sách đối ngoại
Trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, việc xác định rõ “đối tác” và “đối tượng” có sự kế thừa từ truyền thống lịch sử của ông cha ta cũng như tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh về “thêm bạn, bớt thù”, là sự tiếp nối chính sách đối ngoại nhất quán đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ mà Việt Nam tiến hành từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới đến nay.
Tại Đại hội Đảng lần thứ VII năm 1991, Đảng ta khẳng định “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới”, chính thức khẳng định phương châm “đa phương hóa, đa dạng hóa” quan hệ đối ngoại. Đại hội Đảng lần thứ IX năm 2001, tiếp tục phát triển thành “Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế”. Hội nghị Trung ương 8 Khóa IX của Đảng đã đưa ra khái niệm đối tác, đối tượng.
Theo đó, những ai có chủ trương tôn trọng độc lập chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác của chúng ta. Bất kể thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng đấu tranh. Đồng thời, với quan điểm biện chứng, Đảng ta cũng chỉ rõ trong đối tác có đối tượng và ngược lại, trong đối tượng lại có đối tác; trong mỗi đối tượng vẫn có thể có mặt cần tranh thủ, hợp tác; trong một số đối tác, có thể có mặt khác biệt, mâu thuẫn với lợi ích của ta cần phải đấu tranh.
Có thể thấy, lần lượt qua các kỳ Đại hội về sau, chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ được bổ sung, hoàn thiện, phù hợp với tình hình mới, góp phần vào công cuộc đổi mới, phát triển đất nước. Lý luận của Đảng về đối tác, đối tượng đã định hướng chiến lược không chỉ với nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc mà còn là cơ sở lý luận để thực hiện đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế, xã hội và các lĩnh vực khác trong đó có không gian mạng.
Cán bộ, nhân viên kỹ thuật Cục Công nghệ thông tin kiểm tra hệ thống cơ sở dữ liệu tại trung tâm ở Hà Nội. (Nguồn: Báo Quân đội nhân dân) |
Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng
Đảng, Nhà nước ta đã xác định mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp để bảo vệ vững chắc Tổ quốc trên đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời; đồng thời phòng, chống có hiệu quả với chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng. Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng đã cụ thể hóa nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đối với môi trường không gian mạng.
Chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là bộ phận quan trọng không thể tách rời của chủ quyền quốc gia, dân tộc. Bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là nhiệm vụ cấp bách, lâu dài của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, hiện thực hóa đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy.
Để hiện thực hóa đường lối đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa của Đảng trong lĩnh vực không gian mạng, cần chủ động, tích cực tham gia nghiên cứu, xây dựng các công ước, thỏa thuận quốc tế về không gian mạng và bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia trên không gian mạng phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Đẩy mạnh nghiên cứu, đàm phán và gia nhập các điều ước, thỏa thuận quốc tế về không gian mạng, an ninh mạng.
Đồng thời tăng cường hợp tác trao đổi, chia sẻ thông tin; xây dựng chính sách và tổ chức lực lượng; đào tạo, huấn luyện nguồn nhân lực; nghiên cứu, phát triển; chuyển giao khoa học - công nghệ và công nghệ thông tin, an ninh mạng. Tích cực tham gia các cuộc diễn tập quốc tế về bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, phòng chống chiến tranh không gian mạng.
Tranh thủ sự giúp đỡ của các nước, các tổ chức quốc tế, các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới. Thu hút đầu tư, tài trợ quốc tế trong việc xây dựng không gian mạng an toàn, lành mạnh, rộng khắp và bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia trên không gian mạng.
Trước tình hình thế giới phức tạp và có nhiều biến động khó lường như hiện nay, việc duy trì và mở rộng quan hệ quốc tế, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa đóng vai trò hết sức quan trọng trong bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, nằm trong tổng thể chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.