Nhỏ Bình thường Lớn

Bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân mua bán người: Những nỗ lực không ngừng

Những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp bảo vệ nạn nhân mua bán người và giảm thiểu hậu quả, đẩy lùi tội phạm mua bán người.
60 công dân Việt Nam được lực lượng chức năng Philippines giải cứu đã về nước
Ngày 4/5, các lực lượng chức năng Philippines giải cứu hơn 1.000 người, trong đó có công dân Việt Nam, bị ép buộc làm việc trong cơ sở do Tập đoàn Clark Sun Valley Hub làm chủ ở Pampanga, gần thủ đô Manila. Ngày 30/5, 60 công dân Việt Nam được lực lượng chức năng Philippines giải cứu đã về nước

Mua bán người được LHQ xếp hạng là một trong bốn loại tội phạm nguy hiểm nhất hiện nay, có nguồn thu bất chính cao chỉ đứng sau tội phạm ma tuý và buôn bán vũ khí.

Theo ước tính của tổ chức ILO Global Estimates, hằng năm, trên thế giới có 25 triệu nạn nhân bị mua bán, mang lại nguồn lợi phi pháp từ tội phạm này khoảng 150 tỷ USD và tiếp tục tăng qua các năm.

Tội phạm mua bán người xâm hại trực tiếp đến các quyền cơ bản nhất của con người về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm… Do vậy, bảo vệ quyền cho nạn nhân mua bán người là một trọng tâm trong công tác phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm này.

Thực trạng mua bán người ở Việt Nam

Những năm qua, tình hình tội phạm mua bán người ở Việt Nam diễn biến phức tạp; xuất hiện ở cả 63 tỉnh, thành phố, trong đó, mua bán người ra nước ngoài chiếm 85% (Trung Quốc 75%, Lào và Campuchia 11%, còn lại sang Thái Lan, Malaysia, Nga…); qua đường bộ, đường biển và đường không. Với vị trí địa lý thuận lợi, Việt Nam không chỉ là điểm đi (xuất phát) hay đích đến mà còn là địa bàn trung chuyển của tội phạm mua bán người sang nước thứ ba.

Từ năm 2010 đến năm 2021, ở Việt Nam có hơn 7.500 nạn nhân của tội phạm mua bán người. Theo khảo sát ngẫu nhiên với 2.596 trường hợp thì nữ giới chiếm 97% và nam giới là 3%; dưới 30 tuổi chiếm 86% (38% là người dưới 18 tuổi); 84% người thuộc diện nghèo, khó khăn; 6,86% là học sinh, sinh viên, 71,46% làm ruộng và 20,76% làm tự do; không biết chữ 37%, học hết tiểu học và THCS chiếm 56,82%; 98,87% diễn ra ở nước ngoài (riêng Trung Quốc 93,80 %); cưỡng bức lao động (3,87%), bóc lột tình dục (35,37%), ép buộc kết hôn (42,43%); nạn nhân tự trở về chiếm 40,39%, được giải cứu 31,34%; được các nước trao trả 28,27%. Như vậy, nạn nhân của tội phạm mua bán người đa phần là phụ nữ, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn và thường bị đưa sang nước ngoài để phục vụ cho các hoạt động bóc lột tình dục, kết hôn.

Theo thông tin của Cơ quan Cảnh sát điều tra, đối tượng phạm tội mua bán người chủ yếu là lưu manh chuyên nghiệp, thường có tiền án, tiền sự. Người nước ngoài cũng có thể là chủ thể của tội phạm này bằng việc thông qua công ty môi giới vào Việt Nam theo con đường hợp pháp.

Đáng chú ý, một bộ phận người phạm tội mua bán người trước đây là nạn nhân, sau khi về nước lại lừa bán những phụ nữ, trẻ em, thậm chí lừa gạt người thân trong gia đình.

Về thủ đoạn phạm tội, chúng tìm cách liên lạc, làm quen, kết bạn với nạn nhân qua điện thoại, mạng xã hội (Facebook, Zalo…), nhằm dụ dỗ, lừa phỉnh, hứa hẹn công việc lương cao, nhàn hạ, nhưng thực tế là bán nạn nhân vào các cơ sở đánh bạc trực tuyến, cơ sở kinh doanh tự do, massage, karaoke trá hình… Một thủ đoạn tinh vi khác là môi giới, nhận trẻ em mới sinh làm con nuôi, không làm thủ tục theo quy định của pháp luật để bán ra nước ngoài.

Một số đối tượng còn giả danh lực lượng chức năng để lừa gạt, cưỡng ép nạn nhân; lợi dụng quy định về hiến, ghép tạng để mua bán hưởng lợi bất chính. Bên cạnh đó, chính sách mở cửa, thông thoáng trong thủ tục xuất nhập cảnh, chính sách miễn thị thực cũng được các đối tượng phạm tội triệt để lợi dụng để đưa người ra nước ngoài dưới danh nghĩa du lịch, thăm thân, lao động… nhưng thu giữ giấy tờ, hộ chiếu để cưỡng bức lao động hoặc lạm dụng tình dục.

Bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân mua bán người: Những nỗ lực không ngừng
Ngày 9/8, Tổ chức Di cư quốc tế và Cục Phòng chống tệ nạn xã hội Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hoàn thành chuỗi Hội thảo Đánh giá giữa kỳ Kết quả thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 trong lĩnh vực bảo vệ nạn nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Những nỗ lực bảo vệ nạn nhân mua bán người

Những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp bảo vệ nạn nhân mua bán người và, giảm thiểu hậu quả, đẩy lùi tội phạm mua bán người.

Công tác hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân mua bán người đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 quy định cụ thể quyền của nạn nhân. Nghị định 09/2013/NĐ-CP và Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ… tạo hành lang pháp lý giúp cho việc bảo vệ nạn nhân ở mức độ tốt nhất, cụ thể là: hỗ trợ về nhu cầu thiết yếu, chi phí đi lại; hỗ trợ y tế; hỗ trợ tâm lý; trợ giúp pháp lý; hỗ trợ văn hoá, học nghề; trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn. Từ năm 2012 đến nay, Bộ Công an đã tiếp nhận, hỗ trợ 7.962 nạn nhân.

Đặc biệt, với những kết quả từ Chương trình 130/CP giai đoạn 2016-2020 về “Đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người” được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Giai đoạn 2011-2018, Việt Nam đã được LHQ xếp hạng vào nhóm 2 trong các nước có cố gắng vược bậc trong công tác phòng, chống mua bán người.

Mới đây, Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ đã điều chỉnh tăng mức hỗ trợ dành cho nạn nhân bị mua bán được chăm sóc, nuôi dưỡng tạm thời tại cộng đồng, tiếp tục thể hiện sự quan tâm đối với nạn nhân mua bán người.

Việt Nam luôn chú trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm mua bán người. Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành đã cụ thể hoá các hành vi của tội phạm mua bán người để phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho cơ quan tố tụng chứng minh tội phạm, phân hoá trách nhiệm hình sự.

Tính từ ngày 1/1/2011 đến tháng 2/2023, đã khởi tố 1.744 vụ án, 3.059 bị can về mua bán người (100% được kiểm sát theo quy định); Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý 1.661 vụ, 3.209 bị cáo; đã giải quyết, xét xử 1.634 vụ (đạt 98,4%), 3.137 bị cáo (đạt 97,8%). Theo số liệu của Bộ Công an, từ năm 2012 đến nay, đã tiếp nhận, hỗ trợ 7.962 nạn nhân bị mua bán.

Luật Phòng chống mua bán người cũng được đưa vào chương trình sửa đổi để tương thích với các văn bản pháp luật khác, điều ước quốc tế. Ngoài ra, việc ban hành các nghị định, thông tư, tham gia công ước, ký kết niệp định, biên bản ghi nhớ… cũng được đẩy mạnh, tạo hành lang pháp lý cho việc bóc gỡ, xử lý đường dây mua bán người.

Công tác truyền thông, đấu tranh trấn áp tội phạm mua bán người được đẩy mạnh; tiếp nhận hồi hương, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, hợp tác quốc tế được triển khai đồng bộ, quyết liệt. Đã huy động được sức mạnh cộng đồng, nguồn lực xã hội hoá, tạo nên sức mạnh tổng hợp.

Hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người đặc biệt phát huy hiệu quả, trong đó các Hiệp định hợp tác song phương và đa phương về phòng chống mua bán người được đẩy mạnh như: Hội nghị liên Bộ trưởng các nước Tiểu vùng Mekong mở rộng về phòng, chống mua bán người (COMMIT); phối hợp với lực lượng chức năng các nước giáp biên thiết lập đường dây nóng trao đổi thông tin, phối hợp điều tra, truy bắt đối tượng phạm tội và giải cứu, tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Lễ công bố hướng dẫn dành cho cán bộ CQĐD Việt Nam ở nước ngoài về hỗ trợ công dân Việt Nam bị bạo lực trên cơ sở giới và bị mua bán. (Ảnh: Quang Hoà)

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, ông Giorgio Aliberti, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, bà Ingrid Christensen, Giám đốc quốc gia Văn phòng ILO tại Việt Nam tại lễ công bố Hướng dẫn dành cho cán bộ Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về hỗ trợ công dân Việt Nam bị bạo lực trên cơ sở giới và bị mua bán, ngày 12/12/2022. (Ảnh: Quang Hoà)

Một số khó khăn, nguyên nhân và giải pháp

Mặc dù công tác phòng, chống tội phạm mua bán người và hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, trở ngại.

Thứ nhất, điều kiện kinh tế ở một số khu vực còn khó khăn, thiếu việc làm; còn một bộ phận người dân thiếu hiểu biết, lười lao động nhưng vẫn muốn có lương cao, tâm lí thích lấy chồng ngoại, thích đi nước ngoài nên dễ bị dụ dỗ và trở thành nạn nhân.

Thứ hai, Việt Nam có đường biên giới dài trên 4.000 km với nhiều đường mòn, lối mở và đường biển trải dài, là địa bàn lý tưởng cho nạn mua bán người hoạt động, gây khó khăn cho công tác quản lý địa bàn, tuần tra, kiểm soát. Bên cạnh đó, công tác quản lý người nước ngoài, nhân khẩu, hộ khẩu, biên giới, cửa khẩu, xuất nhập cảnh, hôn nhân… còn lỏng lẻo. Nhiều địa phương không có giải pháp cụ thể để đối phó với nạn mua bán người, còn phụ thuộc vào sự chỉ đạo của cấp trên.

Thứ ba, cực lượng chức năng (Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển…) còn mỏng; nhiều khi chỉ mới thực hiện chức năng tham mưu, công tác điều phối, đôn đốc, kiểm tra, tổ chức thực hiện, hướng dẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Một số địa phương người dân chưa quan tâm đến công tác phòng chống mua bán người.

Thứ tư, một số quy định của luật pháp Việt Nam còn chưa đồng nhất với pháp luật quốc tế. Theo Nghị định thư Palermo, chỉ cần một trong các hành vi vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người nhằm mục đích bóc lột sẽ cấu thành tội mua bán người.

Còn theo pháp luật Việt Nam thì phải chứng minh được mục đích của các hành vi trên là “để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác”, “để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác” (Điều 150 BLHS hiện hành) thì mới cấu thành tội phạm.

Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ nạn nhân trên thực tế còn nhiều hạn chế nguồn lực về cả vật chất lẫn nhân lực, vật lực cho các cơ sở vận hành; trình tự thủ tục để hỗ trợ nạn nhân còn phức tạp, chưa khả thi ở nhiều địa phương; lực lượng Công an còn gặp nhiều khó khăn do trong quy định còn thiếu tiêu chí xác định nạn nhân mua bán người…

Đứng trước những bất cập, hạn chế trên, thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, cần hoàn thiện pháp luật về phòng, chống mua bán người. Làm rõ các hành vi phạm tội trong BLHS, đặc biệt một số hành vi phạm tội đối với nạn nhân từ 16 đến 18 tuổi. Xem xét quy định tội phạm mua bán người trên cơ sở tham khảo Nghị định thư Palermo.

Theo đó, không cần thiết phải chứng minh mục đích “để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác”, “để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác” như quy định của BLHS để tránh bỏ lọt tội phạm.

Để hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến tội phạm mua bán người, Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao cần thiết ban hành Nghị quyết và hướng dẫn về truy cứu trách nhiệm các hành vi mua bán người theo BLHS. Cần tiến hành tổng kết 5 năm thực hiện Luật phòng chống mua bán người, 10 năm thực hiện Luật đưa người người Việt Nam lao động ở nước ngoài… để có những giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn.

Ngày 7/7/2021, Văn phòng Chính phủ ra Thông báo số 4493/VPCP-NC, giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất việc xây dựng Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 (sửa đổi). Theo đó, Bộ Công an đã công bố dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) với nguyên tắc lấy nạn nhân bị mua bán làm trung tâm để lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên cả nước.

Toàn văn dự thảo

Hai là, hoàn thiện các quy định, hỗ trợ cho các nạn nhân của mua bán người. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật có liên quan như Luật Phòng chống mua bán người, Luật Trợ giúp pháp lý 2017… bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ.

Ba là, gắn nhiệm vụ phòng chống mua bán người với phát triển kinh tế, giới thiệu việc làm, xoá đỏi, giảm nghèo… để giảm thiểu điều kiện lợi dụng dụ dỗ nạn nhân; Kiện toàn các tổ chức phòng, chống mua bán người, huy động sự tham gia của người dân vào phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác phòng, chống mua bán người…

Bốn là, làm tốt công tác quản lý, giám sát các doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động, không để lợi dụng thu phí bất hợp pháp, lợi dụng danh nghĩa lao động để đưa người ra nước ngoài; làm tốt công tác nắm thông tin, tình hình, quản lý lao động khi làm việc ở nước ngoài.

Năm là, thường xuyên đánh giá tổng thể về mua bán người để đề ra biện pháp phòng chống tội phạm mua bán người có hiệu quả hơn; bảo đảm quyền của nạn nhân phải gắn liền với hoạt động phòng chống mua bán người; pháp huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân, nòng cốt là lực lượng Công an trong ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm mua bán người.

Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người tại Việt Nam: Những nỗ lực không thể phủ nhận

Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người tại Việt Nam: Những nỗ lực không thể phủ nhận

Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là chính sách nhất quán của Việt Nam. Việt Nam luôn xem con người là trung tâm, ...

Bảo vệ dữ liệu cá nhân - Nỗ lực bảo vệ quyền con người trong chuyển đổi số ở Việt Nam

Bảo vệ dữ liệu cá nhân - Nỗ lực bảo vệ quyền con người trong chuyển đổi số ở Việt Nam

Việc ban hành Nghị định số 13/2023/NĐ-CP nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ quyền dữ liệu cá nhân, thể hiện nỗ lực bảo vệ ...

Chung tay nâng cao nhận thức về phòng, chống mua bán người

Chung tay nâng cao nhận thức về phòng, chống mua bán người

Sự kiện hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống mua bán người nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về đấu tranh phòng chống mua ...

Nạn mua bán người thách thức nỗ lực toàn cầu

Nạn mua bán người thách thức nỗ lực toàn cầu

Không phải đợi đến thảm họa chìm tàu ngoài khơi Hy Lạp trung tuần tháng 6 vừa qua hay những vụ giải cứu người Việt ...

Phòng, chống mua bán người ở Việt Nam: Những chuyển biến đáng ghi nhận

Phòng, chống mua bán người ở Việt Nam: Những chuyển biến đáng ghi nhận

Nỗ lực cũng như cam kết của Việt Nam trong phòng, chống mua bán người thời gian qua đã được quốc tế ghi nhận tại ...