Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Lê Hoài Trung khi là Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia dẫn đầu đoàn công tác thăm thực địa cửa khẩu Thanh Thủy, Hà Giang, tháng 3/2017. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Một phần trong chính sách đối ngoại
Chia sẻ nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập ngành Ngoại giao Việt Nam (tháng 8/1945-8/2020), Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Lê Hoài Trung, khi đó là Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia đã khẳng định, công tác biên giới lãnh thổ là một phần quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, góp phần thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Theo ông Lê Hoài Trung, khi nói đến vấn đề biên giới lãnh thổ tức là đề cập các vấn đề biên giới đất liền, trên biển, trên không.
Ông Lê Hoài Trung nhận định: "Xử lý vấn đề biên giới lãnh thổ tương đối phức tạp do liên quan đến các yếu tố lịch sử, quan hệ quốc tế, pháp lý, kỹ thuật, chịu ảnh hưởng lớn bởi tình hình quốc tế và có tác động sâu sắc đến tâm tư, tình cảm của các tầng lớp nhân dân, nhất là với nước ta, một quốc gia có đường biên giới trên đất liền dài hơn 5.000 km và có vùng biển chồng lấn với nhiều nước cũng như chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang bị tranh chấp và chiếm giữ, quản lý trái phép”.
Bằng nỗ lực trao đổi, đàm phán, ký kết các hiệp định về biên giới, theo ông Lê Hoài Trung, Việt Nam đã xác lập gần hoàn chỉnh đường biên giới quốc gia trên đất liền với các nước láng giềng, tạo điều kiện thúc đẩy các hoạt động trao đổi, hợp tác ở khu vực biên giới; nâng cao đời sống kinh tế - xã hội các tỉnh biên giới; thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị với các quốc gia láng giềng; phục vụ công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.
Đối với các vấn đề trên biển, căn cứ vào các quy định liên quan của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, Việt Nam đã từng bước tiến hành đàm phán phân định các vùng biển chồng lấn; kiên quyết, kiên trì đấu tranh, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích chính đáng, hợp pháp của đất nước ở Biển Đông.
Đồng thời, Việt Nam thúc đẩy các hoạt động hợp tác về biển với các quốc gia láng giềng và các đối tác trong và ngoài khu vực, góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, cũng là hòa bình, ổn định của đất nước, khu vực và quốc tế.
Ông Lê Hoài Trung cho rằng, bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế đưa đến nhiều thách thức mới cho công tác biên giới, lãnh thổ, nhất là việc xử lý vấn đề Biển Đông, bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục giải quyết các vấn đề biên giới, lãnh thổ còn tồn đọng với các quốc gia láng giềng cũng như thúc đẩy đường biên giới trên đất liền thực sự trở thành đường biên giới của hòa bình, hợp tác và phát triển.
“Làm tốt vấn đề này sẽ góp phần tích cực thúc đẩy và củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống với các quốc gia láng giềng, nâng cao vị thế của đất nước và tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định để phục vụ phát triển”, ông Lê Hoài Trung khẳng định.
5 phương châm trong xử lý vấn đề
Đối với việc xử lý các vấn đề liên quan tới biên giới, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, trong bài viết kỷ niệm 45 năm thành lập Ủy ban Biên giới quốc gia tháng 10/2020 đã nhấn mạnh một số phương châm.
Một là, do tầm quan trọng đặc biệt của công tác biên giới, lãnh thổ, lĩnh vực này luôn được sự chỉ đạo sát sao, chặt chẽ của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Trong nhiều trường hợp, các chủ trương, biện pháp cụ thể tưởng như “rất nhỏ” đều nhận được sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo cấp cao nhất. Bên cạnh đó, Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo liên ngành do Thủ tướng hoặc một Phó Thủ tướng đứng đầu.
Hai là, bảo vệ biên giới, lãnh thổ là sự nghiệp của toàn dân, của cả hệ thống chính trị ở Trung ương và các địa phương liên quan. Cũng như trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng, việc tạo dựng sức mạnh tổng hợp của mọi “binh chủng hợp thành” luôn đóng vai trò rất quan trọng.
Ba là, trong khuôn khổ chung đó, người dân có vị trí đặc biệt trong việc giữ gìn phên dậu của Tổ quốc. Vì vậy, công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức toàn dân về biên giới, lãnh thổ và biển đảo đã được chú trọng và phát huy tác dụng lớn.
Để bảo đảm vai trò của người dân, cần quan tâm đặc biệt tới việc cải thiện điều kiện sống của cư dân ở dọc tuyến biên giới và trên biển, đảo.
Bốn là, cũng như trong toàn bộ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sự nghiệp bảo vệ biên giới, lãnh thổ “phải trông vào thực lực” như Bác Hồ từng căn dặn.
Thực lực nói ở đây không chỉ là “sức mạnh cứng” thể hiện trong sức mạnh kinh tế và an ninh-quốc phòng mà còn ở “sức mạnh mềm”, thể hiện trong tính chính nghĩa của Việt Nam, ở ý chí kiên cường và tinh thần đoàn kết của toàn dân tộc, ở đường lối chính sách đúng đắn, ở sự đồng tình, ủng hộ của dư luận thế giới…
Năm là, sự nghiệp bảo vệ biên cương nằm trong tổng thể công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với nhiệm vụ trọng tâm là phát triển kinh tế-xã hội, vì vậy, nó cần được gắn bó chặt chẽ với yêu cầu gìn giữ hòa bình, ổn định để phát triển.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng: “Dù đã giành được nhiều thành tựu rất đáng ghi nhận trong công tác biên giới, lãnh thổ song trước mắt chúng ta còn nhiều nhiệm vụ hết sức nặng nề, phức tạp. Tin rằng, với những bài học đã thâu lượm được, nhất định chúng ta sẽ thu được những thành công mới, giữ vững biên cương, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”.