Bảo vệ quyền và các lợi ích của phụ nữ và trẻ em gái trên thế giới là vấn đề vô cùng bức thiết. (Nguồn: Gallup News) |
Tại căn phòng nhỏ ở thủ đô Kabul (Afghanistan), nữ sinh viên 22 tuổi Sofia Nazari đang vào mạng để tham gia khóa học tiếng Anh trực tuyến do một cơ quan phát triển giáo dục tổ chức, nhằm hỗ trợ phụ nữ nước này.
Mới học được vài phút thì màn hình máy tính của cô đã bị treo, do chất lượng Internet ở nơi cô sống quá kém.
Sofia là một trong số rất nhiều nữ sinh Afghanistan phải sử dụng Internet để học tập, vượt qua những hạn chế hà khắc của chính quyền Taliban.
Viện dẫn các vấn đề liên quan đến trang phục Hồi giáo, chính quyền Taliban đã đóng cửa tất cả các trường trung học dành cho nữ sinh, cấm họ vào các trường đại học, và không cho phép phụ nữ làm việc tại các tổ chức phi chính phủ.
Chịu đựng gian khổ
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) hôm 15/8 vừa qua cho biết: Ít nhất 1,4 triệu trẻ em gái ở Afghanistan không được đi học cấp hai, kể từ khi lực lượng Taliban trở lại nắm quyền ở nước này năm 2021.
Chính quyền Taliban cho phép các nữ sinh viên được học trực tuyến ở nhà, qua Internet. Nhưng học viên phải đối mặt với nhiều vấn đề như cắt điện, tốc độ Internet “chậm như rùa”, cùng chi phí máy tính và wifi cao ở một quốc gia có 97% người dân sống trong nghèo đói.
Ookla - tổ chức nghiên cứu tốc độ Internet toàn cầu, có trụ sở tại Seattle (Mỹ) - đã xếp hạng tốc độ Internet di động của Afghanistan ở mức chậm nhất trong số 137 quốc gia, còn Internet cố định của nước này chậm thứ hai trong số 180 quốc gia.
Những nữ sinh viên Afghanistan vẫn rất cố gắng học tập, Sofia cho biết phụ nữ Afghanistan đã quen chịu đựng gian khổ trong nhiều năm chiến tranh và họ sẽ kiên trì bất kể chuyện gì xảy ra.
“Chúng tôi vẫn ước mơ và chúng tôi sẽ không bao giờ từ bỏ”, Sofia khẳng định.
Trong một diễn biến khác, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các nước Liên minh châu Âu (EU) sẽ hỗ trợ sơ tán 1.000 phụ nữ và trẻ em cần chăm sóc y tế khẩn cấp từ Gaza tới châu Âu, trong bối cảnh Israel cam kết thực hiện đợt sơ tán này trong những tháng tới.
Hôm 21/10, Giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của WHO Hans Kluge cho biết có đến 1.000 phụ nữ và trẻ em cần chăm sóc y tế sẽ sớm được sơ tán từ Gaza đến châu Âu.
Ông Kluge cho biết Israel cam kết thực hiện đợt sơ tán 1.000 người tới khu vực EU trong những tháng tới. WHO và các nước EU liên quan sẽ hỗ trợ hoạt động này.
WHO tại châu Âu đã giúp sơ tán 600 người từ Gaza đến một số nước châu Âu kể từ khi xung đột giữa Israel và Hamas nổ ra tại vùng lãnh thổ của Palestine vào tháng 10/2023.
Theo thống kê của Cơ quan Y tế Gaza, sau một năm kể từ khi xung đột nổ ra tại vùng đất bị phong tỏa của người Palestine, cuộc chiến đã giết chết hơn 42.000 người, trong đó Liên Hợp Quốc báo cáo hầu hết những người thiệt mạng là phụ nữ và trẻ em.
Khoảng cách về giới
Ngày 15/10, cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) đã công bố báo cáo cho biết có khoảng 2 tỷ phụ nữ và trẻ em gái trên thế giới không được tiếp cận bất kỳ hình thức bảo vệ xã hội nào.
Báo cáo “Khảo sát thế giới về vai trò của phụ nữ trong phát triển năm 2024” cho thấy rằng khoảng cách giới tính ngày càng tăng trong bảo vệ xã hội khiến phụ nữ và trẻ em gái dễ rơi vào cảnh nghèo đói hơn.
Theo báo cáo, hơn 63% phụ nữ trên toàn thế giới sinh con mà không được hưởng chế độ thai sản.
Báo cáo chỉ ra khoảng cách giới ngày càng lớn trong bảo trợ xã hội, gồm một loạt các chính sách bao gồm trợ cấp tiền mặt, bảo vệ thất nghiệp, lương hưu và chăm sóc sức khỏe. Thực tế này khiến các phụ nữ và trẻ em gái dễ trở thành nạn nhân của tình trạng đói nghèo hơn so với nam giới.
Tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi 25-34 sống trong các hộ gia đình cực kỳ nghèo cao hơn 25% so với nam giới trong cùng nhóm tuổi. Các cuộc xung đột và biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng này.
Tuy nhiên, vẫn còn một số hy vọng. Giám đốc bộ phận Chính sách Chương trình và Liên chính phủ của UN Women, bà Sarah Hendriks khẳng định “tiềm năng của bảo vệ xã hội đối với bình đẳng giới, khả năng phục hồi và chuyển đổi là rất lớn”. Theo bà Hendriks, thế giới cần tập trung vào phẩm giá, quyền tự quyết và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái ở mọi giai đoạn của quá trình, từ xây dựng chính sách, đến thực hiện và hỗ trợ.
Cần nỗ lực chung của cộng đồng
Bên cạnh việc chỉ ra những bất bình đẳng về giới trong quá trình phát triển, báo cáo của UN Women đã nêu ra các ví dụ về tiến bộ ở một số quốc gia. Mông Cổ đã mở rộng chế độ nghỉ thai sản cho người lao động, đồng thời kéo dài chế độ nghỉ phép nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong trách nhiệm chăm sóc con cái. Ở Mexico và Tunisia, nhiều biện pháp đã được thực hiện nhằm nâng cao vai trò của người giúp việc trong hệ thống an sinh xã hội.
Từ những dẫn chứng nêu trên, báo cáo của UN Women kêu gọi chính phủ các nước trang bị cho phụ nữ và trẻ em gái những con đường thoát nghèo bền vững, bằng cách ưu tiên nhu cầu của phụ nữ và trẻ em gái trong các biện pháp bảo trợ xã hội và ứng phó với khủng hoảng.
Về phần mình, Việt Nam được Liên Hợp Quốc đánh giá là một trong những quốc gia thực hiện tốt nhất mục tiêu về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là tổ chức đại diện cho quyền lợi và lợi ích của phụ nữ, bảo vệ và thúc đẩy quyền bình đẳng giới và phát triển phụ nữ. Những năm gần đây, Hội đã chủ động thành lập các mạng lưới, Tổ tư vấn pháp luật và tâm lý, Tổ công tác tham mưu giải quyết các vụ việc, điểm nóng liên quan đến phụ nữ, trẻ em ở cả Trung ương và cấp tỉnh, thành phố...
Việc nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo vệ xã hội đối với bình đẳng giới, chấm dứt tình trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em gái cần sự chung tay của toàn nhân loại. Có như vậy, con người mới xây dựng được những nền tảng xã hội tiến bộ, văn minh, bình đẳng và an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái, tiến đến xóa dần bất bình đẳng giới trên tất cả lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội.