Bảo vệ rừng nhiệt đới Amazon - 'lá phổi xanh của Trái đất' để chống biến đổi khí hậu. (Nguồn: AFP) |
Trước những tác động không ngừng gia tăng do biến đổi khí hậu, ngày 9/7, các quốc gia thuộc lưu vực sông Amazon đã tham dự hội nghị cấp cao tại Colombia nhằm đề ra chiến lược cứu khu rừng nhiệt đới lớn nhất và đa dạng sinh học nhất thế giới.
Phát biểu tại hội nghị ở thành phố Leticia, Bộ trưởng Môi trường Colombia Susana Muhamad nêu rõ, căn cứ trên góc độ khoa học, để bảo tồn rừng Amazon, cần giữ vững 80% diện tích "lá phổi xanh" này của Trái đất và quản lý không để diện tích phá rừng vượt 20%. Tuy nhiên, tỷ lệ phá rừng Amazon hiện đã lên tới 17%.
Tại hội nghị có sự tham dự của đại diện các nước gồm Bolivia, Brazil, Colombia, Ecuador, Guyana, Peru, Suriname và Venezuela, Bộ trưởng Susana cảnh báo việc diện tích rừng Amazon mất đi đến mức không thể phục hồi được sẽ gây ra những hậu quả không thể đảo ngược đối với tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu.
Cũng trong khuôn khổ sự kiện này, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva và người đồng cấp Colombia Gustavo Petro đã thảo luận việc hợp tác khu vực nhằm ngăn chặn nạn phá rừng cũng như bảo vệ rừng Amazon.
Tổng thống Lula da Silva nhấn mạnh rằng chính phủ nước này cam kết "xóa sổ" nạn phá rừng trái phép vào năm 2030, đồng thời cho rằng đây là một cam kết mà các quốc gia trong lưu vực Amazon có thể cùng nhau đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới ở thành phố Belem của Brazil.
Rừng nhiệt đới Amazon được ví là "lá phổi xanh của Trái đất" do hấp thụ khí carbon dioxide (CO2) đang khiến Trái đất ấm lên và nhả khí oxy cần cho sự sống. Chính vì vậy, vai trò bảo vệ rừng Amazon của các quốc gia thuộc lưu vực Amazon có ý nghĩa sống còn đối với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Hội nghị tại Leticia diễn ra trước Hội nghị thượng đỉnh các quốc gia Amazon do Brazil đăng cai tại Belem vào tháng 8 năm nay. Hội nghị sắp tới là nỗ lực nhằm thúc đẩy các quốc gia thuộc Tổ chức Hiệp ước Hợp tác Amazon cùng hành động để bảo tồn rừng nhiệt đới này và thúc đẩy phát triển bền vững trong khu vực đang bị đe dọa do nạn khai thác gỗ, khai thác rừng bất hợp pháp, cũng như do hoạt động buôn lậu động vật và buôn ma túy.
Trong một diễn biến tích cực, chính phủ Brazil tuần qua thông báo dưới thời chính quyền của Tổng thống Lula da Silva, nạn phá rừng Amazon tại nước này trong 6 tháng đầu năm nay đã giảm 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái.