📞
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG:

Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - 'Mổ xẻ' những luận điệu của Trung Quốc (Kỳ cuối)

Hồng Phúc 14:00 | 11/06/2020
TGVN. Giáo sư Luật quốc tế Jonathan G. Odom thuộc Trung tâm George C. Marshall về an ninh châu Âu tại Garmisch-Partenkirchen (Đức) phân tích những lập luận ủng hộ việc bầu chọn một thẩm phán của Trung Quốc.

Khi cân nhắc quyết định có nên bỏ phiếu cho một ứng viên Trung Quốc hay không, các nước thành viên có thể phải đối mặt với những luận điệu mang tính đả phá. Dưới đây là một số luận điểm mà Chính phủ Trung Quốc hay lực lượng ủng hộ họ có thể đưa ra. Tất cả luận điểm đó đều không có giá trị.

Về lập luận cho rằng không bầu cho ứng cử viên của Trung Quốc là chối bỏ quyền của Trung Quốc theo Công ước: Việc đề cử một thẩm phán vào ITLOS có thể là quyền của mọi quốc gia thành viên, nhưng việc bầu chọn một thẩm phán tại tòa chắc chắn không phải là quyền của bất kỳ nước thành viên nào, kể cả Trung Quốc. Hãy xem xét số liệu thống kê sau: Có 168 quốc gia tham gia UNCLOS nhưng chỉ có 21 ghế thẩm phán tại tòa. Trên thực tế, trong suốt 25 năm qua kể từ khi được thành lập, có đến 80% số quốc gia thành viên chưa từng có đại diện của họ trong đội ngũ thẩm phán của tòa. Vì vậy, nếu nói quyền của Trung Quốc đang bị xâm phạm, thì điều đó cũng đúng với 147 quốc gia thành viên còn lại.

Về lập luận cho rằng việc không bỏ phiếu cho ứng viên Trung Quốc trong đợt bầu cử ITLOS lần này sẽ khiến Trung Quốc không còn cơ hội như vậy nữa: Thực ra, Trung Quốc đã có rất nhiều cơ hội. Trung Quốc đã có 3 đại diện trong đội ngũ thẩm phán của tòa, một trong số này vẫn đang tại nhiệm. Trên thực tế, Trung Quốc là một trong số ít các quốc gia thành viên hàng năm đều có đại diện trong đội ngũ thẩm phán suốt thời gian 25 năm tồn tại của tòa.

Về lập luận cho rằng việc bỏ phiếu cho các ứng viên khác không phải của Trung Quốc sẽ vi phạm quy định về tiêu chí bầu chọn thẩm phán của tòa quốc tế: Điều 2 Phụ lục VII của UNCLOS quy định rằng các quốc gia thành viên phải bầu chọn thẩm phán ITLOS trong số những người có uy tín nhất về sự công bằng, chính trực và năng lực đã được công nhận trong lĩnh vực luật biển. Tuy nhiên, tất cả 9 ứng viên còn lại xét về tiêu chuẩn đều hơn ứng cử viên của Trung Quốc. Vì vậy, cần tập trung vào những thành tích đáng chú ý của 9 ứng cử viên còn lại trong đợt bầu cử ITLOS lần này.

Hai trong số họ (thẩm phán Malta và Ukraine) hiện đang là thành viên của ITLOS và đều tìm cách tái đắc cử. Ba ứng viên (thẩm phán Chile, Uruguay và Italy) hiện đang là thành viên được chỉ định của Tòa Trọng tài Thường trực, và một trong số đó (thẩm phán Italy) từng có kinh nghiệm xử lý nhiều vụ kiện được trình lên ITLOS. Một ứng viên (thẩm phán Cameroon) đã phục vụ 12 năm trên cương vị thư ký của ICJ. Một ứng viên (thẩm phán Brazil) là học giả có nhiều công trình được công bố rộng rãi trong lĩnh vực luật biển và từng đảm nhiệm vị trí trợ lý riêng cho một thẩm phán ITLOS. Một ứng viên (thẩm phán Jamaica) đã phục vụ 12 năm trên cương vị đại diện thường trực và phó đại diện thường trực của chính phủ nước mình tại Cơ quan quản lý đáy biển quốc tế (Jamaica). Và ứng viên thứ chín (thẩm phán Zimbabwe) có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp lý, từng đảm nhiệm vị trí thẩm phán tại tòa tối cao của nước mình trong 8 năm qua.

Trong khi đó, tiểu sử công khai của ứng cử viên Trung Quốc cho thấy ông này không có bất kỳ kinh nghiệm nào trong vai trò thẩm phán hay trọng tài quốc tế; do vậy, ông này không có bất kỳ kinh nghiệm nào được ghi nhận trong việc xét xử tranh chấp giữa hai bên một cách công bằng và chính trực. Mặc dù ứng cử viên này có chút ít kinh nghiệm trong vai trò luật sư của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nhưng kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp lý này mới chỉ được tích lũy trong vòng 10 năm. Bên cạnh đó, cấp trên của ứng viên này trong cơ quan luật pháp đó cũng chính là người đã ngang nhiên nói rằng phán quyết mang tính ràng buộc về mặt pháp lý của tòa trọng tài UNCLOS “chỉ là một mảnh giấy lộn”.

Trong thập kỷ qua, ứng cử viên Trung Quốc từng đảm nhiệm cương vị Tổng lãnh sự tại Australia, Đại sứ tại Singapore và Đại sứ tại Hungary – những cương vị chính trị-ngoại giao ấn tượng, nhưng ITLOS không phải là một diễn đàn ngoại giao hay chính trị. Hơn nữa, không rõ ông này có công trình nghiên cứu nào đã được công bố hay thành tích nào đã được ghi nhận trong lĩnh vực luật biển hay không. Nói tóm lại, khi so sánh hồ sơ nghiệp vụ của ứng viên Trung Quốc với trình độ chuyên môn và kinh nghiệm của 9 ứng viên còn lại, có thể lập luận một cách chắc chắn rằng ít nhất 7/9 ứng viên còn lại có đủ tiêu chuẩn hơn ông này để đảm nhiệm cương vị thẩm phán tại ITLOS.

Về lập luận cho rằng việc không bỏ phiếu cho ứng cử viên Trung Quốc là loại bỏ “quan điểm châu Á” ra khỏi tòa án quốc tế này: Điều 2 Phụ lục VII của UNCLOS quy định rõ rằng các thành viên của ITLOS sẽ được lựa chọn trên cơ sở phân bố địa lý phù hợp. Theo Điều 3 của phụ lục này, mỗi nhóm địa lý theo quy định của Đại hội đồng Liên hợp quốc sẽ có ít nhất 3 đại diện trong đội ngũ thành viên của ITLOS. Theo quy định của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Trung Quốc là một trong số 55 thành viên của nhóm châu Á-Thái Bình Dương. Hiện tại, đội ngũ thành viên của ITLOS có 4 đại diện của nhóm châu Á-Thái Bình Dương gồm các thẩm phán Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan được bầu chọn trong các cuộc bỏ phiếu định kỳ 3 năm/lần trước đó.

Vì vậy, cho dù ứng cử viên của Trung Quốc không được chọn trong đợt bầu cử lần này, thì các nước thành viên châu Á-Thái Bình Dưỡng vẫn sẽ có ít nhất 3 đại diện trong đội ngũ thẩm phán của ITLOS.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Washington Post)

Về lập luận cho rằng việc bỏ phiếu phản đối ứng cử viên của Trung Quốc là cách thức không thể chấp nhận được của các nước khác nhằm bày tỏ sự phản đối của họ về những hành vi gần đây của nước này: Một số người có thể đặt câu hỏi liệu những hành vi gây tranh cãi trước đó của các nước khác có tác động đến việc các ứng viên của họ được bầu vào các tòa án quốc tế hay không. Câu trả lời ngắn gọn là: Không rõ.

Ví dụ, năm 1986, ICJ ra phán quyết bất lợi cho Mỹ trong vụ tranh chấp với Nicaragua và phán quyết này cũng bị Mỹ ngang nhiên bác bỏ. Tại thời điểm đó, một thành viên của ICJ là thẩm phán Mỹ và người này đã đưa ra quan điểm phản đối thẩm quyền xét xử và nội dung phán quyết. Mặc dù vậy, 15 tháng sau, đa số các nước thành viên của Liên hợp quốc vẫn bầu chọn vị thẩm phán đó vào ICJ.

Theo Quy định 92 về thủ tục của Đại hội đồng Liên hợp quốc, cuộc bầu cử năm 1987 được thực hiện dưới hình thức bỏ phiếu kín, vì vậy không thể biết được những yếu tố nào đã tác động đến quyết định bỏ phiếu của các nước thành viên đối với vị thẩm phán đó, trừ khi những quốc gia này công khai lá phiếu của mình.

Gần đây hơn, trong cuộc bầu cử thẩm phán ICJ năm 2017, một loạt cuộc bỏ phiếu bổ sung giữa ứng viên của Anh và ứng viên Ấn Độ đã được tổ chức. Cuối cùng ứng cử viên của Anh bị đánh bại, dẫn đến việc lần đầu tiên Anh không có thẩm phán đại diện trong lịch sử 71 năm của tòa án này.

Sau cuộc bầu cử, Chính phủ Anh thừa nhận rằng quy trình bỏ phiếu kín khiến họ không thể nào biết được những nước nào đã bỏ phiếu chống lại ứng cử viên của họ và tại sao những nước này lại làm vậy. Tuy nhiên, báo chí Anh đưa tin rằng một số nước thành viên có thể đã bỏ phiếu chống lại ứng viên của Anh vì ông này trước đây từng là cố vấn pháp lý cho Thủ tướng Anh Tony Blair trong giai đoạn chuẩn bị cho cuộc xâm lược Iraq năm 2003.

Tóm lại, có ba vấn đề cần xem xét. Thứ nhất, luật pháp quốc tế không ngăn cấm các quốc gia thành viên UNCLOS xem xét các hành vi đáng tranh cãi trước đó của Trung Quốc khi quyết định bỏ phiếu cho ứng cử viên ITLOS nào; thứ hai, nếu một nước thành viên UNCLOS chọn hình thức ngấm ngầm phản đối cách hành xử của Trung Quốc, thì quốc gia đó không có nghĩa vụ phải thông báo hoặc giải thích về lá phiếu của mình với Trung Quốc hoặc bất kỳ ai khác, vì việc bỏ phiếu bầu chọn các thẩm phán ITLOS mang tính bí mật; và thứ ba, nếu một quốc gia thành viên UNCLOS chọn hình thức công khai phản đối cách hành xử của Trung Quốc, thì luật pháp quốc tế không cấm quốc gia đó tiết lộ về việc họ đã bỏ phiếu cho ai và lý do làm vậy trong các cuộc bầu cử ITLOS.

Đáp lại lời kêu gọi của Trung Quốc về thực thi luật pháp quốc tế

Tháng 1/2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới Geneva (Thụy Sỹ), và có bài phát biểu quan trọng tại Văn phòng Liên hợp quốc về việc xây dựng một cộng đồng chung tương lai cho nhân loại mà ông gọi là “lời kêu gọi cho thời đại của chúng ta”.

Bài phát biểu của ông trước cử tọa quốc tế chạm đến nhiều khía cạnh của quan hệ quốc tế, bao gồm cả vai trò của luật pháp trong những mối quan hệ này. Ông tuyên bố rằng giá trị của luật pháp nằm ở việc thực thi. Do vậy, trách nhiệm của tất cả các quốc gia là nên cao tinh thần thượng tôn pháp luật, thực hiện các quyền của mình phù hợp với luật pháp và tự giác hoàn thành các nghĩa vụ của mình. Nếu không tính đến thực tế đầy mỉa mai rằng Tập Cận Bình đưa ra bài phát biểu này chỉ 6 tháng sau khi chính phủ của ông cố tình không tuân thủ một phán quyết mang tính ràng buộc thì có thể nói ý tưởng được chứa đựng trong bài phát biểu này là đáng khen ngợi và làm theo.

Các nước tham gia UNCLOS sẽ có một cơ hội hiếm hoi để đáp lại lời kêu gọi của Chủ tịch Tập Cận Bình về việc thực thi luật pháp quốc tế tại hội nghị thường niên năm nay. Điều đó có nghĩa là các quốc gia độc lập và có chủ quyền này có thể thực hiện một cách riêng rẽ quyền bỏ phiếu của mình theo quy định của UNCLOS để buộc một quốc gia thành viên khác phải chịu trách nhiệm vì đã không tự giác hoàn thành các nghĩa vụ của mình và tạo điều kiện cho tập hợp đông đảo các nước tham gia công ước nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật. Khi bỏ phiếu cho ứng viên ITLOS của một nước nào đó, các nước cần xem xét câu hỏi: Liệu chính phủ của hơn 160 nước tham gia công ước có can đảm tận dụng cơ hội đó và bỏ phiếu đúng theo lương tâm mình hay không?

Một số người có thể quay sang công kích cá nhân tác giả bài viết này, vì ông làm việc cho Chính phủ Mỹ và Mỹ thì không phải thành viên của UNCLOS. Cả hai điều này đều đúng, nhưng hàm ý về thái độ đạo đức giả là sai. Thứ nhất, Mỹ không phải là bên đạo đức giả. Bài bình luận này được viết hoàn toàn theo quan điểm cá nhân của tác giả, và ý tưởng về cách thức bỏ phiếu trong cuộc bầu cử ITLOS sắp tới hoàn toàn xuất phát từ tác giả và không có sự thảo luận với bất kỳ quan chức nào của Chính phủ Mỹ. Thứ hai, tác giả cũng không phải là người đạo đức giả. Với tư cách là một cá nhân, tác giả đã nhất quán và kiên định trong việc vận động Mỹ trở thành thành viên của UNCLOS. Với tư cách là một quan chức, tác giả cũng đã hỗ trợ soạn thảo thông cáo báo chí và tờ trình lên Thượng viện thay mặt cho các lãnh đạo cấp cao của quân đội Mỹ, vốn khuyến nghị rằng Mỹ nên tham gia công ước. Trên thực tế, một trong những lập luận ủng hộ Mỹ tham gia UNCLOS là việc hành động và không hành động đều gây ra hậu quả: Không tham gia công ước nghĩa là Mỹ không có quyền đề cử ứng viên thẩm phán vào ITLOS. Tương tự, việc hành động và không hành động cũng gây ra hậu quả cho Trung Quốc. Ví dụ, việc không tôn trọng phán quyết mang tính ràng buộc của một tòa án theo UNCLOS có nghĩa là họ sẽ mất cơ hội có đại diện trong một tòa án khác được UNCLOS công nhận.