Tờ báo Xuân đầu tiên
Qua việc khảo sát các tờ Phong Hóa, Ngày Nay, có tác giả cho rằng, ý tưởng làm báo xuân được xuất phát từ nhóm Tự Lực Văn Đoàn, lại có ý kiến một mực khẳng định Phụ Nữ Tân Văn mới là tờ báo làm số Xuân đầu tiên ở Việt Nam vào năm 1930... Sự thật thì báo Xuân xuất hiện từ khi nào?
Theo nghiên cứu của Sơn Nam, viết trên tờ Văn Nghệ TP.HCM số ra ngày 17/1/1986 thì “báo Lục Tỉnh Tân Văn số ra ngày 27 tháng chạp năm Đinh Tỵ tức ngày 30/1/1908” là số báo Xuân đầu tiên của báo chí Việt Nam.
Sơn Nam mô tả số đầu năm không có gì lạ về hình thức trình bày nhưng báo có đăng một bài dài Khuyên ăn Tết, khuyên bà con bớt ăn chơi, đả phá các hủ tục như đốt vàng bạc, đốt pháo, dựng nêu, treo bùa, noi gương người Âu vui chơi vừa phải trong đôi ba ngày đầu năm.
Tuy nhiên, với nhóm tác giả của cuốn sách Báo chí Việt Nam – những sự kiện đầu tiên và nhất do Nhà xuất bản Trẻ cho ra đời năm 2006, thì tờ báo Xuân đầu tiên là số Tết 1918 của Nam Phong tạp chí. Để đưa ra thông tin trên, các tác giả đã dựa trên dữ kiện đáng tin cậy do nhà nghiên cứu văn hóa Vương Hồng Sển viết trong cuốn Thú chơi sách. Theo Vương Hồng Sển, "Nam Phong có cả thảy hai trăm mười một cuốn, số Tết 1918 có cho ra một tập riêng, toàn thơ văn có giá trị và nếu không lầm, tập ấy là thủy tổ các số báo Xuân, báo tân niên, báo đặc biệt vậy”.
Cũng theo cuốn sách này, bài viết đầu tiên trên số báo Xuân ấy có nhan đề Số Tết của báo Nam Phong của chủ bút Phạm Quỳnh. Như vậy, có thể Phạm Quỳnh chính là người đầu tiên trong làng báo Việt có sáng kiến làm báo Xuân. Trên thực tế, Số Tết 1918 của Nam Phong cũng là số báo Xuân đầu tiên được tìm thấy còn nguyên vẹn.
Hành trình một thế kỷ
Nếu tính từ ấn phẩm xuân của Nam Phong tạp chí thì đến nay, lịch sử báo Xuân Việt Nam đã phát triển gần 100 năm. Cũng cần phải kể đến tờ báo Xuân ít trang với khổ báo 65cm x 40cm với hai màu đen, đỏ bán rất chạy của Đông Pháp thời báo ra vào cuối năm 1927. Nội dung tờ báo này có phụ trương phụ nữ, trẻ em và thể thao, đặc biệt là bài thơ Chơi Xuân của nhà thơ Nguyễn Khắc Hiếu với lời văn mộc mạc của thời 1930-1940:
Thơ với rượu cùng xuân, ta vẫn thế.
Ngoài trăm tuổi vắng ta trần thế,
Xuân nhớ ta chưa dễ biết đâu tìm!
Cùng nhau nay hãy uống thêm!
Báo Xuân của tờ Thần Chung ra đời năm 1929 cũng có đăng câu đối Tết:
Vang động tiếng chuông mai, mừng chúc anh em ba bữa tết
Ngỗng ngang tình nước cũ, trông mong vận hội lắm ngày Xuân.
Tuy nhiên, không chỉ có niềm vui, số báo Xuân của tờ Công Luận ra ngày 14/2/1931 lại ca thán cảnh khổ của dân Năm Kỳ qua bài viết Tết Năm Ngoái với Tết Năm Này của Nguyễn Văn Bá:
Cái Tết buồn làm sao!
Cái Tết năm Tận Vị nầy buồn làm sao...
Theo nhiều nhà nghiên cứu, mẫu báo Xuân trở thành truyền thống cho làng báo ngày nay chính là Phụ Nữ Tân Văn. Số Xuân đầu tiên của báo Phụ Nữ Tân Văn năm 1930 chưa tìm thấy nên không rõ về hình thức và nội dung. Tuy nhiên, trong số Xuân năm 1932, Phụ Nữ Tân Văn có khá nhiều bài vở phong phú như Phụ nữ Việt Nam bước qua mùa xuân năm 1932, Thần mùa xuân của Babylon (Phan Khôi), Tao khách với mùa xuân (Mme Phương Lan)… Cùng với Phụ Nữ Tân Văn, tờ Đông Tây của Hoàng Tích Chu ở Hà Nội cũng ra Tập văn mùa xuân năm 1932 dày 30 trang, in tại nhà in Tân Dân, giá 20 xu.
Tiếp theo là sự ra đời hàng loạt tờ báo Xuân gây tiếng vang như Điện Tín, Sài Gòn, Phong Hóa, Ngày Nay (1938-1939). Tờ Phong Hoá đã có những nhân vật hài hước như Lý Toét, Xã Xệ, Bang Bạnh. Đặc biệt, Tết Bính Tuất năm 1946, trong báo Phục Hưng có sáng kiến in danh thiếp cầu chúc bạn đọc. Những năm 1950 trở đi, báo Xuân bắt đầu có sự cạnh tranh bằng cách trang trí bìa hấp dẫn, nhiều màu sắc. Hầu hết báo Xuân đều có ảnh bìa là phụ nữ, nhất là thiếu nữ trẻ đẹp mặc áo dài hay áo bà ba.
Đặc sắc Lễ hội báo Xuân
Cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ làm báo in, báo Xuân ngày nay liên tục cải tiến về nội dung và hình thức mới. Có thể khẳng định, Hội báo Xuân là một kiểu lễ hội đặc biệt chỉ có ở Việt Nam. Nơi đây không chỉ diễn ra hoạt động nghiệp vụ của cơ quan báo chí trong cả nước mà còn là sự kiện văn hóa được đông đảo công chúng mong chờ, đón nhận vào những ngày đầu năm.
Có một điều đặc biệt là hầu hết tờ báo Xuân hiện nay đều hướng đến những giá trị văn hoá truyền thống của người Việt Nam. Đọc và ngẫm báo Xuân cũng là một cái thú và là dịp ôn lại những tục xưa, nếp cũ, tiếp thu kiến thức cần cho cuộc sống thường nhật. Có lẽ, những kí ức về nguồn ấy khiến con người dù ở bất kỳ nơi đâu cũng cảm giác ấm áp như sống giữa gia đình mình và thấy yêu quý quê hương, đất nước mình hơn.
HÀ ANH