Nga tuyên bố sẽ thanh toán tất cả các khoản nợ nước ngoài bằng ngoại tệ, bất chấp các lệnh trừng phạt, khẳng định Moscow là bên vay đáng tin cậy và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ. (Nguồn: Getty Images) |
Ông Siluanov nhấn mạnh, Nga sẽ thanh toán bằng đồng tiền mà nước này đã vay - bằng USD, dù tình hình phức tạp, do việc đóng băng tài khoản ngoại hối cũng như dự trữ vàng và ngoại tệ.
Theo ông, phương Tây đang nỗ lực để đảm bảo rằng, thế giới nghe thấy từ "vỡ nợ" trong mối quan hệ với Nga. Do đó, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) kỳ vọng sẽ hạ thấp hình ảnh của Nga như một bên đi vay đáng tin cậy, hạn chế hoạt động kinh doanh và gây tổn hại cho đất nước.
Vào cuối tháng 3, Nga đã thanh toán nợ công nước ngoài bằng ngoại tệ, bất chấp các lệnh trừng phạt và việc dự trữ bị đóng băng.
Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov nói rằng, không có cơ sở cho một vụ vỡ nợ thực sự ở Nga, nhưng về mặt lý thuyết, một tình huống như vậy có thể được tạo ra một cách giả tạo.
Cùng ngày, Cơ quan báo chí của chính phủ Nga cho hay, Quỹ dự phòng của chính phủ sẽ tăng lên 273,4 tỷ Ruble, nhằm hướng tới việc đảm bảo sự ổn định của nền kinh tế trước các lệnh trừng phạt từ bên ngoài.
Thông báo nêu rõ, nguồn chính của việc tăng Quỹ dự phòng là nguồn thu bổ sung từ dầu khí thu được trong quý I/2022. Quyền của chính phủ trong việc quyết định các quỹ này được quy định trong các sửa đổi luật về chức năng thực hiện ngân sách của hệ thống ngân sách Liên bang Nga năm 2022, được Tổng thống phê duyệt vào đầu tháng 3.
Những quyền hạn này cho phép chính phủ phản ứng nhanh chóng và linh hoạt trước các biến động của nền kinh tế.
Quỹ dự phòng được thành lập để hỗ trợ các khoản chi phí phát sinh và không được quy định trong luật ngân sách liên bang cho năm tài chính tương ứng.
Nguồn vốn từ quỹ này được phân bổ để giải quyết các vấn đề xã hội quan trọng, ví dụ như vào năm 2021, quỹ này đã được phân bổ cho cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 và các khoản thanh toán của Tổng thống cho những người về hưu và các gia đình có con từ 6-18 tuổi.
Trong khi đó, mới đây, liên quan cuộc xung đột Nga-Ukraine, Ngân hàng thế giới (WB) công bố dự báo mới cho biết, nền kinh tế Ukraine sẽ suy giảm 45,1% trong năm nay do chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga, vốn cũng sẽ khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga giảm 11,2%.
Theo báo cáo, toàn bộ khu vực đang gánh chịu hậu quả kinh tế của cuộc xung đột Nga-Ukraine, trong đó riêng Đông Âu dự kiến sẽ giảm 30,7% GDP, còn các nước mới nổi và đang phát triển ở châu Âu và Trung Á sẽ suy thoái 4,1%.