Dự trữ vàng kỷ lục
Trong năm 2018, Ngân hàng trung ương Nga đã mua số lượng vàng cao kỷ lục 92,2 tấn, vươn lên vị trí hàng đầu thế giới về khối lượng mua vào kim loại qúy này. Dự trữ vàng của Nga vượt mức 2000 tấn, trị giá khoảng 78 tỷ USD, chiếm khoảng 18% trong dự trữ quốc tế của đất nước này. Vậy tại sao Nga lại phải mua nhiều vàng đến như vậy?
Trước hết, đây là công cụ bảo vệ an toàn các khoản đầu tư và đa dạng hóa rủi ro. Trong trường hợp hệ thống đồng USD bị sụp đổ thì chắc chắn vàng sẽ không bị mất giá. Trong khi duy trì được chức năng phương tiện thanh toán trong thương mại quốc tế, loại tài sản này làm giảm sự phụ thuộc vào bất cứ đồng tiền nào.
Trong năm 2018, Ngân hàng trung ương Nga đã mua số lượng vàng cao kỷ lục 92,2 tấn, vươn lên vị trí hàng đầu thế giới về khối lượng mua vào kim loại qúy này. (Nguồn: Shutterstock) |
Điều đáng nói là Ngân hàng trung ương Nga chỉ mua vàng trên thị trường trong nước. Đó là một sự hỗ trợ khá tốt cho các công ty khai thác vàng của Nga, hiện sản xuất khoảng 300 triệu tấn/năm với 2/3 trong số đó được đưa vào kho dự trữ của Ngân hàng trung ương Nga.
Tính đến cuối tháng 12, giá vàng đã lên tới 1.270 USD/ounce. Dự báo nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, cũng như nguy cơ chiến tranh thương mại xảy ra đã làm cho nhu cầu đối với kim loại quý này tăng lên.
Đầu tư vào trái phiếu Mỹ thấp kỷ lục
Khi dự trữ vàng thỏi, Ngân hàng trung ương Nga cắt giảm đầu tư vào trái phiếu chính phủ của Mỹ. Thời điểm hồi tháng Sáu, tỷ trọng trái phiếu chính phủ của Mỹ trong dự trữ ngoại tệ của Nga đã không vượt quá 10%. Quay lại năm 2010, đầu tư của Nga vào trái phiếu chính phủ của Mỹ, bên cạnh đồng USD, được coi là công cụ tài chính đáng tin cậy và có tính thanh khoản nhất thế giới, lên tới hơn 176 tỷ USD.
Tại sao Ngân hàng trung ương Nga lại từ bỏ trái phiếu chính phủ Mỹ? Nguyên nhân chính là do áp lực trừng phạt gia tăng từ phía Washington. Ngân hàng trung ương Nga đã bán trái phiếu chính phủ của Mỹ từ tháng 4/2014, nhưng trong năm 2018 thực hiện trên quy mô lớn. Sau khi Mỹ tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga, Ngân hàng trung ương Nga đã giảm mạnh đầu tư vào trái phiếu chính phủ của Mỹ.
Việc từ bỏ trái phiếu chính phủ của Mỹ là hợp lý xét theo quan điểm kinh tế học, vì nó bảo vệ thị trường tài chính của Nga tránh những chấn động trong trường hợp các công ty trong nước bị trừng phạt.
Ngân sách thặng dư kỷ lục
Kết thúc năm 2018, ngân sách của Nga sẽ đạt thặng dư lần đầu tiên trong vòng 7 năm qua.
S&P đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế Nga 2017. (Nguồn: RT) |
Theo dự báo của Bộ Tài chính Nga, thặng dự ngân sách của nước này sẽ tương đương 2,5% GDP trong năm 2018, sau khi bị thâm hụt khoảng 1,4% GDP trong năm 2017. Ban đầu, ngân sách năm nay dự kiến thâm hụt ở mức 1.271,4 tỷ ruble (khoảng 184,6 tỷ USD, tương đương 1,3% GDP), nhưng giá dầu cao đã mang đến sự điều chỉnh quan trọng, khi nguồn thu bổ sung từ dầu khí bảo đảm cho ngân sách thặng dư. Bộ Tài chính Nga dự báo kết thúc năm 2018, thu nhập từ dầu mỏ và khí đốt sẽ đạt 2.700 tỷ ruble.
Nợ chính phủ thấp kỷ lục
Nga là một trong những quốc gia có tổng số nợ nước ngoài thấp nhất thế giới, chỉ 525 tỷ USD, trong khi con số này của nước Anh là 7.500 tỷ USD, của Pháp là 5.000 tỷ USD, của Đức là 4.800 tỷ USD, còn của Mỹ lên đến hơn 21.000 tỷ USD.
Theo các nhà phân tích ngân hàng UBS (Thụy Sỹ), Nga dẫn đầu về tiến độ cắt giảm nợ nước ngoài (bao gồm nợ nhà nước và nợ của tất cả các khu vực của nền kinh tế). Nếu tình hình kinh tế quốc tế bất ngờ xấu đi, nợ nước ngoài sẽ trở thành vấn đề lớn và càng ít nợ thì càng ít nguy cơ bị vỡ nợ khi xuất hiện những chấn động toàn cầu.
Các nhà kinh tế cho rằng nợ nước ngoài hiện nay của Nga ở mức tương đương 20,4% GDP là khá tích cực.
Lãi suất tín dụng thế chấp thấp kỷ lục
Năm 2018, người dân Nga vay tín dụng thế chấp với số lượng kỷ lục. Việc giảm lãi suất mạnh đã thúc đẩy tăng khối lượng tín dụng mua nhà ở. Trong các tháng 1-9/2018, lãi suất trung bình cho các khoản vay mua nhà ở mức 9,55%, thấp hơn 1,4 điểm phần trăm so với năm trước, nhưng trong tháng 10 là 9,41%.
Theo dự báo của Bộ Xây dựng, đến năm 2022, Nga sẽ có thể phát hành thế chấp ở mức 6%, qua đó góp phần cải thiện tình hình kinh tế.
Khai thác dầu kỷ lục
Năm 2018, Nga đạt được nhiều kỳ tích về khai thác dầu mỏ. Sản lượng tháng 10/2018 đã đạt 11,6 triệu thùng/ngày. Theo báo cáo của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), đây là con số cao nhất của Nga trong giai đoạn hậu Xô viết. Đóng góp lớn nhất vào thành tích này là Rosneft, chủ sở hữu công ty Yuganskneftegaz. Các công ty khác như LUKOIL, Surgutneftegaz, Gazprom Neft và Tatneft cũng gia tăng sản lượng.
OPEC dự đoán đến cuối năm nay, sản lượng khai thác dầu mỏ của Nga sẽ tăng lên 11,24 triệu thùng/ngày. Các công ty dầu mỏ của Nga sở hữu tiềm năng để tiếp tục tăng khối lượng sản xuất nhờ vào phát triển các mỏ mới.
Xuất khẩu khí đốt sang châu Âu đạt mức kỷ lục
Năm 2018, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Putin, nước Nga đã có một năm thành công với nhiều thành tựu kinh tế ấn tượng. (Nguồn: Thecsspoint) |
Kết thúc năm 2018, khối lượng khí đốt xuất khẩu qua châu Âu sẽ vượt ngưỡng 200 tỷ m3. Ngay trong các tháng 1-11/2018, Gazprom đã xuất khẩu 179,9 tỷ m3 khí đốt, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái, và tăng 10,2% so với năm trước đó. Các nước tăng khối lượng nhập khẩu khí đốt của Nga trước hết là Đức, Áo, Hà Lan, cũng như Pháp, Czech, Phần Lan, Romania, Hungary và Hy Lạp.Chỉ tính riêng trong 11 tháng qua, các nước này đã mua khí đốt của Nga nhiều hơn so với cả năm 2017.
Việc đưa đường ống “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” và “Dòng chảy phương Bắc -2” đi vào khai thác về mặt lý thuyết cho phép tăng 1,5 lần lượng khí đốt xuất khẩu của Nga sang châu Âu lên 290 tỷ m3. Hơn nữa, theo dự báo của Cơ quan Năng lượng quốc tế, thậm chí với khối lượng này cũng không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân "lục địa già".
Xuất khẩu lúa mì kỷ lục
Ngoài dầu khí, Nga còn xuất khẩu khối lượng ngũ cốc kỷ lục năm 2018. Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp Nga, trong vụ mùa vừa qua nước này đã xuất khẩu được 33-34 triệu tấn lúa mì. Còn theo số liệu của Bloomberg, kết thúc vụ mùa 2017-2018, Nga đã xuất khẩu được 36,6 triệu tấn lúa mì, tăng 30% so với năm ngoái. Hiện kỷ lục xuất khẩu lúa mì vẫn thuộc về Mỹ, quốc gia vào năm 1992-1993 đã cung cấp cho thị trường thế giới 36,8 triệu tấn lúa mì, nhưng kỷ lục này dường như khó có thể giữ vững.
Theo tờ The Wall Street Journal, do khối lượng ngũ cốc Nga xuất khẩu tăng nên các nông trại của Mỹ bị thiệt hại nặng nề. Ngũ cốc Nga lại rẻ hơn của Mỹ, đồng nghĩa với việc ngũ cốc của Mỹ có nguy cơ mất vị thế hiện có của họ trên thị trường thế giới.
Xếp thứ hai trong bảng xếp hạng của Bloomberg
Trong bảng xếp hạng các nền kinh tế đang phát triển của hãng Bloomberg, Nga đã được nâng từ vị trí thứ bảy lên vị trí thứ hai. Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng ghi nhận sự tăng trưởng của nền kinh tế Nga. Trong bảng xếp hạng Doing Business, Nga đã leo từ vị trí 35 lên vị trí 31 trong vòng một năm, mặc dù vào năm 2012 chỉ mới ở vị trí 120.
Cũng theo tính toán của WB, Nga đã tiến sát nhóm 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới tính theo GDP, vượt qua cả Hàn Quốc hiện đứng thứ 11. Trong vòng một năm, GDP của Nga đã tăng gần 300 tỷ USD lên 1.580 tỷ USD. Theo sắc lệnh tháng Năm của Tổng thống Vladimir Putin, Nga phải lọt vào nhóm năm nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2024.
Khách du lịch đến Nga tăng kỷ lục
Cũng trong năm 2018, thị trường du lịch Nga đã đón 90 triệu lượt khách nội địa và quốc tế, con số cao nhất trong vòng 10 năm qua.
Theo số liệu của Cơ quan du lịch Nga, kể từ năm 2008, lượng du khách trong nước và quốc tế đã tăng 70%. Riêng năm 2018, lượng khách nội địa lên tới 60 triệu lượt, chủ yếu đi du lịch tới vùng Krasnodar, Crimea, St. Petersburg và tỉnh Vladimir. Trong khi đó, chỉ tính riêng trong vòng một tháng diễn ra World Cup đã có tới 3,5 triệu khách quốc tế đến Nga.