Chuyên gia cho rằng, người mua sắm Mỹ đang đến để tận hưởng trải nghiệm với gia đình mà họ đã không thể làm trong một thời gian dài do lệnh phong tỏa. (Nguồn: New York Times) |
Bộ Thương mại Mỹ ngày 15/10 cho biết, doanh số bán lẻ của nước này trong tháng 9 vừa qua đã tăng 0,7% so với tháng trước đó, ghi nhận một “màn trình diễn” xuất sắc hơn mong đợi.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những lo ngại về việc liệu người mua sắm sẽ có đủ kiên nhẫn không nếu giá hàng hóa tiếp tục đi lên và tình trạng thiếu hàng khiến họ thất vọng ra sao khi kỳ nghỉ lễ quan trọng đang tới gần.
Chi tiêu tiêu dùng, chiếm khoảng 70% các hoạt động kinh tế của Mỹ và sự phục hồi kinh tế bền vững sau cuộc suy thoái do đại dịch Covid-19 gây ra sẽ đòi hỏi có sự tham gia tích cực của người tiêu dùng. Dù vậy, hiện vẫn không có bằng chứng nào cho thấy người Mỹ sẽ “thắt chặt hầu bao” và mức chi tiêu trong tháng trước tăng cao ở hầu hết mọi mặt hàng, từ quần áo, đồ thể thao, cửa hàng đồ chơi cho đến xe hơi.
Tiffany Markofsky, Giám đốc truyền thông của một chuỗi cửa hàng đồ chơi nhỏ có tên là Camp, cho biết: “Người mua sắm đang đến để tận hưởng trải nghiệm với gia đình mà họ đã không thể làm trong một thời gian dài do lệnh phong tỏa”.
Mức chi tiêu hộ gia đình tại Mỹ gia tăng một phần là kết quả trực tiếp của việc giá cả tăng vọt. Một gallon xăng hiện nay đắt hơn khoảng 1 USD so với thời điểm này năm ngoái, vì vậy trong nhiều trường hợp, không phải người Mỹ mua nhiều hơn, mà thực ra là họ phải trả nhiều tiền hơn.
Tuần này, Bộ Thương Mỹ đưa ra báo cáo rằng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nền kinh tế lớn nhất thế giới, tăng 0,4% trong tháng 9 và cao hơn so với mức dự báo 0,3% của thị trường trước đó.
Trong vòng 12 tháng tính đến hết tháng 9/2021, chỉ số CPI của Mỹ tăng 5,4% so với mức 5,3% của tháng 8, đánh dấu tốc độ tăng CPI nhanh nhất kể từ năm 2008.
Sal Guatieri, nhà kinh tế cấp cao kiêm Giám đốc tại BMO Capital Markets cho biết, người tiêu dùng Mỹ vẫn còn rất nhiều khả năng mua sắm cho dù một số mặt hàng khó tìm và đắt đỏ hơn.
Ông Guatieri đặc biệt ngạc nhiên trước việc người Mỹ vẫn tăng cường mua ô tô giữa lúc các đại lý thiếu nguồn cung và các nhà sản xuất đóng cửa nhà máy do thiếu chip. Doanh số bán hàng tại các đại lý ô tô đã tăng 0,6% trong tháng 9, sau khi lao dốc vào tháng trước đó.
Mặc dù hoạt động chi tiêu đang diễn ra rất sôi động tại Mỹ, nhưng biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 vẫn có ảnh hưởng đến việc người Mỹ sẽ tiêu tiền vào đâu. Khảo sát mới đây cho thấy người dân nước này dành nhiều tiền cho việc mua sắm, thay vì mua vé máy bay hoặc ăn tối.
Doanh số bán hàng trực tuyến tăng nhẹ do người dân cảm thấy thoải mái hơn khi mua sắm trực tiếp tại cửa hàng. Doanh số bán hàng tại các trạm xăng dầu tăng 1,8%.
Đáng chú ý, doanh số bán hàng tại các nhà hàng và quán bar hầu như không thay đổi so với tháng trước.
Tuy nhiên, báo cáo về doanh số bán lẻ hằng tháng lại cho thấy đã có bằng chứng về việc chi tiêu chậm lại trong một số lĩnh vực dịch vụ như lưu trú, vé máy bay và cắt tóc. Các hãng hàng không đã bắt đầu báo cáo doanh số bán vé giảm và cho rằng nguyên nhân đến từ sự lây lan của biến thể Delta.
Các nhà kinh tế dự báo, doanh số bán lẻ của Mỹ trong kỳ nghỉ lễ sẽ tăng ít nhất 7%, song đại dịch đã khiến cho việc dự đoán trở nên khó khăn hơn.
Doanh số bán ổn định ở các mặt hàng như quần áo, đồ công nghệ hoặc các mặt hàng thiết yếu khác, giờ không còn được đảm bảo do tình trạng thiếu nhân công và các vấn đề về chuỗi cung ứng toàn cầu.