Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong cuộc họp báo chung tại Brussels, ngày 9/3. (Nguồn: DHA) |
Ông Erdogan đã hội đàm với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, những người đã ủng hộ Hy Lạp, "lá chắn" của châu Âu để giảm làm làn sóng người di cư được Thổ Nhĩ Kỳ mở cửa tràn sang.
Trong cuộc họp báo chung sau cuộc họp, hai nhà lãnh đạo EU đã nghiêm khắc cảnh báo Tổng thống Erdogan phải tôn trọng các điều khoản của thỏa thuận trước đó để giữ người di cư ở ngoài biên giới châu Âu. Hai nhà lãnh đạo cùng nhấn mạnh rằng thỏa thuận năm 2016 giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ, theo đó Ankara đã đồng ý chặn người di cư và người tị nạn đến Hy Lạp để đổi lấy hàng tỷ Euro viện trợ của EU, vẫn còn hiệu lực.
Trả lời báo chí, bà von der Leyen cho biết rõ ràng EU và Thổ Nhĩ Kỳ đang có những bất đồng, nhưng hai bên đã nói chuyện thẳng thắn và cởi mở với nhau. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell sẽ làm việc với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu trong vài ngày tới để chắc chắn rằng hai bên đi tới cách tiếp cận chung về những việc cần làm cả ở Thổ Nhĩ Kỳ và EU để thực thi thỏa thuận.
Ông Erdogan thể hiện rõ thái độ căng thẳng sau cuộc họp với việc không tham dự họp báo mà ra thẳng sân bay để về nước. Tổng thống Erdogan đã thể hiện thái độ gay gắt với phía Hy Lạp, quốc gia vốn đã được Brussels trao 700 triệu Euro để bảo đảm biên giới và đối phó với những người di cư mới đến. Ông Erdogan đánh giá thật phi lý và không hợp lý khi một đồng minh và một quốc gia láng giềng như Thổ Nhĩ Kỳ phải chịu trách nhiệm trước tình trạng di cư bất thường.
Các nhà lãnh đạo châu Âu đang xem xét tiếp nhận 1.500 trẻ tị nạn để giảm bớt áp lực đối với các trại trên các hòn đảo Hy Lạp do phải đối mặt với làn sóng người di cư mới đến từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước đó cùng ngày, trong cuộc họp báo với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, ông Erdogan nói các đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ cần phải thể hiện tình đoàn kết với đất nước này mà không phân biệt đối xử và không đặt ra các điều kiện chính trị. Theo ông, điều rất quan trọng là sự hỗ trợ mà Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu phải được đáp ứng mà không có sự chậm trễ nào nữa.
Tổng thư ký NATO Stoltenberg nhấn mạnh vai trò tiền tuyến của Thổ Nhĩ Kỳ với tư cách là thành viên NATO và đánh giá không có đồng minh nào khác phải chịu đựng nhiều hơn từ các cuộc tấn công khủng bố và cũng không có đồng minh nào khác phải tiếp nhận nhiều người tị nạn hơn Thổ Nhĩ Kỳ. Ông nói rằng sự hỗ trợ của NATO sẽ được tiếp tục nhưng bày tỏ "lo lắng lớn hơn" về các diễn biến ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp và tuyên bố vấn đề di cư và dòng người tị nạn là một thách thức chung nên phải có các giải pháp chung.