Trong hơn 2 thập niên qua, ISS hoạt động với sự hợp tác Nga-Mỹ cùng Canada, Nhật Bản và 11 quốc gia châu Âu khác. (Nguồn: NBC News) |
Theo hãng tin Interfax, chuyến bay này là một phần của thỏa thuận giữa Cơ quan vũ trụ Liên bang Nga Roscosmos và Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) về các chuyến bay lên ISS.
Cụ thể, theo một thỏa thuận được ký kết vào năm ngoái trong khuôn khổ chương trình các chuyến bay chéo của ISS, 3 nhà du hành vũ trụ Nga sẽ bay trên tàu vũ trụ Crew Dragon của Mỹ và 3 nhà du hành vũ trụ Mỹ sẽ bay trên tàu Soyuz MS của Nga lên ISS trong giai đoạn 2022-2024.
Ông Sergei Krikale, người đứng đầu Chương trình đưa con người thám hiểm vũ trụ của Nga, nêu rõ, một trong các nhà du hành vũ trụ Mỹ đã ở lại (trên ISS) để thực hiện 2 sứ mệnh. Hai nước quyết định tăng cường thêm một chuyến bay nữa.
Đại diện Nga khẳng định, đây là công việc “có lợi cho cả đôi bên” và hai bên đang phối hợp để “tìm lựa chọn tốt nhất”.
Mỹ và Nga đang duy trì hợp tác trong không gian bất chấp việc quan hệ song phương đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập niên do xung đột tại Ukraine. Các phi hành gia của hai nước đang cùng làm việc tại ISS và cùng nhau trong các hành trình trở về Trái đất hay lên ISS.
ISS là một phòng thí nghiệm khoa học có kích cỡ tương đương một sân bóng đá và bay quanh quỹ đạo cách Trái đất 400 km. Trong hơn 2 thập niên qua, trạm vũ trụ này hoạt động với sự hợp tác Nga-Mỹ cùng Canada, Nhật Bản và 11 quốc gia châu Âu khác.