Theo dữ liệu Dòng vốn toàn cầu mới nhất của Công ty nghiên cứu BĐS Jones Lang Lasalle (JLL), tổng khối lượng giao dịch BĐS tại châu Á - Thái Bình Dương trong quý III/2016 lên đến 33,1 tỷ USD. Tổng lượng giao dịch trong 9 tháng đầu năm tại khu vực đạt tổng cộng 86,6 tỷ USD. So với năm ngoái, con số này gần như không bị giảm. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn hiện nay, đây được coi là một tín hiệu khả quan.
Thị trường BĐS Hongkong (Trung Quốc) sôi động trong quý 3 năm 2016. (Nguồn: Ejinsight) |
Đặc biệt, dòng vốn đầu tư đến từ chính các nước trong khu vực có xu hướng tăng nhẹ trong 9 tháng đầu năm 2016. Điều này là do các nhà đầu tư châu Á ngày càng quan tâm hơn tới những thị trường có vị trí gần.
Cũng có những nhận định tương tự, công ty CB Richard Ellis (CBRE) Việt Nam cho biết, trong 18 tháng qua, BĐS châu Á đã nhận được nguồn vốn lớn từ các tổ chức, đặc biệt là từ khu vực Trung Đông và Bắc Mỹ. Trong đó, nửa đầu năm 2016, nguồn vốn đầu tư đến từ các tổ chức quốc tế (ngoài khu vực châu Á) chiếm 57% trên tổng tỷ trọng đầu tư trong lĩnh vực BĐS thương mại, và tăng đến 9% so với năm 2012.
Thị trường Trung Quốc tiếp tục thu hút nhà đầu tư
Thị trường BĐS Trung Quốc hoạt động rất tích cực tại châu Á - Thái Bình Dương với lượng giao dịch trong quý III lên đến 9,8 tỷ USD, tăng 45% so với cùng kì năm ngoái. Phần lớn các giao dịch này đến từ các doanh nghiệp trong nước.
Nhà đầu tư nội địa đang hoạt động sôi nổi tại những thành phố cấp 1 (thành phố trực thuộc trung ương) và tích cực trong việc định giá tài sản vốn. Mặc dù mức cạnh tranh từ bán lẻ trực tuyến khá cao, các nhà đầu tư vẫn không ngần ngại đầu tư vào những dự án bán lẻ đầy triển vọng. Đáng chú ý là giao dịch trị giá hơn 500 triệu USD của Tập đoàn Chongbang nhằm mua lại 80% cổ phần của dự án Jinqiao Life Hub tại Thượng Hải.
Thị trường BĐS Hongkong quý III cũng ghi nhận được mức độ tăng trưởng đáng kể so với quý trước, cao hơn 56% so với quý II. Nghiên cứu cho thấy, các doanh nghiệp tại Trung Quốc đại lục thống trị lượng giao dịch BĐS tại Hồng Kông.
Theo JLL, nhu cầu thuê BĐS văn phòng của người Trung Quốc vẫn đang tăng nên nhà đầu tư vẫn tiếp tục ưa chuộng phân khúc sản phẩm này. Giá thuê vì vậy cũng tăng theo.
Một quý sôi động tại Singapore và Hàn Quốc
Số liệu thống kê cũng cho thấy, lượng giao dịch BĐS tại Singapore trong quý III đã tăng 61% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ vào hàng loạt các giao dịch ở phân khúc BĐS thương mại.
Ông Gred Hyland, Trưởng bộ phận Thị trường vốn Singapore tại JLL cho biết, nhà đầu tư đang đặt niềm tin vào triển vọng thị trường văn phòng trong trung hạn, nhờ vào việc gia tăng tỷ lệ hấp thụ nguồn cung mới. “Trong khi đó, niềm tin của nhà đầu tư vào phân khúc nhà ở cũng đang cải thiện. Bằng chứng là khi thị trường chạm đáy vẫn hình thành những dự án thuộc phân khúc hạng sang”, ông Gred Hyland nhận định.
Tại Hàn Quốc, lượng giao dịch BĐS trong 9 tháng đầu năm cao hơn 49% so với cùng kỳ năm ngoái. (Nguồn: Bloomberg) |
Tại Hàn Quốc, lượng giao dịch BĐS trong 9 tháng đầu năm cao hơn 49% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều doanh nghiệp BĐS Hàn Quốc đang cố gắng cải thiện tình hình tài chính bằng việc bán và cho thuê lại những tòa nhà thô. Đồng thời, thị trường sôi động cũng một phần do các quỹ đầu tư tài chính có sức thanh khoản tốt đang tìm kiếm hiệu suất đầu tư ở BĐS.
Nhà đầu tư BĐS đặt niềm tin vào thị trường Nhật Bản và Australia
Theo nghiên cứu của JLL, tại Nhật Bản, lượng giao dịch quý III đạt 8,7 tỷ USD, chiếm 26% tổng lượng giao dịch ở châu Á - Thái Bình Dương. Kết quả này có được là nhờ vào việc giá đồng Yên tăng mạnh, ghi nhận tăng 19% trong năm qua.
Thống kê cho thấy, lượng giao dịch trong 9 tháng đầu năm giảm 18% so với năm ngoái tính theo đồng Yên nhưng chỉ giảm 9% dựa trên tỉ giá đồng USD. Các chuyên gia nghiên cứu BĐS cho rằng, vì chưa thấy rõ ràng cơ hội kiếm lời từ việc giao dịch nên các ông chủ BĐS tiếp tục thực hiện tái cấp vốn các tài sản của họ thay vì đem bán.
Tương tự, lượng giao dịch BĐS tại Australia trong 9 tháng đầu năm thấp hơn 9% so với cùng kỳ năm ngoái vì nhiều chủ nhà nắm giữ cổ phiếu bị giới hạn cơ hội tái đầu tư. Tuy nhiên, theo JLL, xu hướng tăng giá thuê văn phòng đã thu hút nhiều người nhà đầu tư quan tâm và đặt niềm tin vào phân khúc BĐS văn phòng. Bên cạnh đó, các dự án BĐS thương mại tiếp tục được đánh giá cao, bằng chứng là có nhiều tài sản nhận được hồ sơ dự thầu có mức giá cao chưa từng thấy tại Sydney và Melbourne.
Tại châu Á - Thái Bình Dương, BĐS tiếp tục là kênh đầu tư hấp dẫn, so với các kênh đầu tư khác, trong bối cảnh tình hình kinh tế đầy biến động. (Nguồn: CNBC) |
JLL dự báo, thị trường BĐS ở các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ ổn định và BĐS tiếp tục là kênh đầu tư hấp dẫn so với các kênh đầu tư khác, trong bối cảnh tình hình kinh tế đầy biến động.
Nhu cầu đầu tư BĐS trong khu vực vẫn tiếp tục tăng lên, tuy nhiên, việc tìm kiếm lợi nhuận ổn định tiếp tục là một thách thức. “Dưới góc độ kinh doanh, chúng tôi kỳ vọng lượng giao dịch giữ mức ổn định trong 12 tháng tới nhưng những bất ổn trong chứng khoán vẫn đang diễn ra”, ông Stuart Crow, Trưởng bộ phận Thị trường vốn châu Á - Thái Bình Dương tại JLL nói. Chuyên gia này cũng nhận định, các nhà đầu tư BĐS sẽ tiếp tục gia tăng tìm kiếm giá trị tại các thị trường nước ngoài, ở những thành phố mới hoặc thành phố cấp hai cũng như các phân khúc mới.
Còn theo bộ phận nghiên cứu, công ty CBRE châu Á - Thái Bình Dương, với tiềm năng phát triển mạnh mẽ và lâu dài, châu Á sẽ vẫn tiếp tục là khu vực trọng điểm đối với các nhà đầu tư quốc tế.