📞

Bất động sản du lịch đang "hút" đầu tư

21:21 | 18/04/2008
Dự kiến 10 năm tới, Việt Nam sẽ thu hút khoảng 7-8 triệu du khách mỗi năm. Tuy nhiên, thủ tục hành chính và hệ thống hạ tầng yếu kém vẫn là rào cản với các nhà đầu tư bất động sản du lịch.
Tỉnh Ninh Thuận giới thiệu tiềm năng, cơ hội đầu tư du lịch

Phải đánh thức vẻ đẹp Việt Nam

Tại Hội nghị và Triển lãm đầu tư Bất động sản Du lịch Việt Nam (VnTPO-2008) vừa diễn ra sáng 17/4  tại TP.HCM, ông Phạm Hữu Thắng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho biết, vốn đầu tư vào lĩnh vực xây dựng khách sạn, kinh doanh du lịch đạt 10,8 tỷ USD, chiếm hơn 10% tổng vốn FDI đăng ký, chưa kể trên 12,8 USD đầu tư vào lĩnh vực xây dựng văn phòng, căn hộ cao cấp và trên 4,4 tỷ USD đầu tư xây dựng các khu đô thị mới liên quan gián tiếp đến hoạt động và phát triển du lịch. Tuy vậy, ông cho rằng đây vẫn là một con số rất khiêm tốn so với tiềm năng du lịch Việt Nam.

Theo ông Thân Thanh Vũ, Giám đốc Điều hành công ty Phú Quốc Land, bất động sản du lịch là một thị trường đầy tiềm năng. Trong năm 2007, Việt Nam đã đón 4,2 triệu du khách quốc tế và 20 triệu du khách nội địa. Trong đó, khá nhiều khách đến để tìm kiếm cơ hội đầu tư vào bất động sản trong lĩnh vực du lịch.

Hiện nay, việc đầu tư các dự án  xây dựng khách sạn cao cấp, đầu tư các khu nghỉ dưỡng tại các Trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội, TP.HCM và các địa phương có nhiều tiềm năng du lịch như Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Huế... đang có xu hướng  tăng nhanh.

Tuy nhiên, bài toán khan hiếm phòng khách sạn từ 2 đến 5 sao, cơ sở lưu trú vẫn tồn tại như một thách thức cho ngành du lịch. Ngay cả ở các trung tâm kinh tế lớn cả nước, những khách sạn tầm cỡ quốc tế vẫn rất thiếu so với nhu cầu. Điều này cũng được ông Lã Quốc Khánh - Phó GĐ Sở Du lịch TP.HCM xác nhận trong hội thảo "Đào tạo nhân lực ngành du lịch theo nhu cầu xã hội" cách đây không lâu. Theo ông Khánh, vào mùa cao điểm, nhiều đơn vị lữ hành phải tiếc nuối huỷ các tour quốc tế vì không đặt được phòng hoặc vì giá phòng bị đẩy lên quá cao.

"Với tình hình đầu tư hiện nay, trong khoảng 2-3 năm tới, số lượng phòng sẽ tăng lên đáng kể, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của khách đầu tư trong nước và quốc tế" - ông Kenneth Atkinson - Giám đốc điều hành Grant Thoron nhận định.

Một số nhà đầu tư khác cũng cho rằng lượng khách quốc tế sẽ đến Việt Nam đông hơn và lưu lại lâu hơn nếu giá phòng không cao và luôn luôn "cháy" như hiện nay.

Về tiềm năng du lịch, các nhà đầu tư đánh giá rất cao vẻ dẹp Việt Nam. Trả lời cho câu hỏi tại sao lại là Việt Nam chứ không phải một quốc gia nào khác, ông Macr Townsend, Giám đốc điều hành CBRE Vietnam nhận định: du khách tìm đến Việt Nam vì muốn có những trải nghiệm mới mẻ. Họ muốn khám phá những cảnh quan thiên nhiên tuyệt diệu cùng với nền văn hoá, lịch sử mà chỉ riêng Việt Nam mới có...

Tuy nhiên, vẻ đẹp Việt Nam vẫn chưa được nhìn nhận và khai thác đúng với những gì đang có. "Xét về cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng, Việt Nam hiện nay vẫn chưa bằng Bali cách đây 28 năm. Đã đến lúc phải đánh thức vẻ đẹp ấy chứ không nên cứ để mãi "tiềm ẩn" như lâu nay nữa", ông nhấn mạnh.

Thị trường rộng lớn, song không nhiều nhà đầu tư Việt Nam có đủ "lực" để tham gia vào thị trường cao cấp này. Đó chính là cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Rào cản không nhỏ

"Sự duyên dáng của Việt Nam sẽ không bao giờ mất đi. Nhưng để du khách quay lại Việt Nam lần nữa, Việt Nam phải giải quyết rất nhiều vấn đề mà cho đến nay vẫn là rào cản với nhà đầu tư", ông Macr Townsend nhận định.

Đồng tình quan điểm này, một số nhà đầu tư cho rằng hiện trạng cơ sở hạ tầng của Việt Nam còn quá yếu kém, ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại của Việt Nam. Có nhà đầu tư cho biết ông rất quan tâm đến việc khai thác du lịch ở Phú Quốc nhưng hiện nay, việc di chuyển ra đảo còn quá yếu và mất rất nhiều thời gian. Muốn đi Phú Quốc, ông phải dậy từ 6 giờ sáng cho kịp chuyến bay. Nếu trễ chuyến, ông lại phải đợi đến 3 ngày sau mới có một chuyến khác của Vietnam Airlines.

Bên cạnh hạ tầng giao thông,  vấn đề thủ tục hành chính cũng được đặt ra hết sức nóng bỏng tại hội nghị. "Chúng tôi phải mất khoảng 3-6 tháng để chờ duyệt hồ sơ đăng ký đầu tư, rồi khoảng 3 năm để mua được đất, sau đó thì thêm vài năm nữa để chờ đợi quá trình giải toả mặt bằng, đền bù... để có được đất "sạch". Quá trình này quá mệt mỏi!" Một nhà đầu tư cho biết.

Một khó khăn khác được các nhà đầu tư đề cập là giá đất và bất động sản tại Việt Nam hiện nay quá "căng". Các nhà đầu tư tại hội thảo cũng nhận định, đầu tư bất động sản du lịch Việt Nam sẽ tăng mạnh nếu giá dất phải chăng hơn. Nhiều người cũng bày tỏ sự kỳ vọng vào đợt giảm nhiệt của thị trường bất động sản thời điểm này.

Ngoài ra, sự thiếu hụt trầm trọng về nhân sự du lịch trình độ cao cũng khiến các doanh nghiệp đầu tư du lịch gặp không ít khó khăn. Phần lớn các đơn vị kinh doanh du lịch cho biết họ đã phải thuê nhân sự cấp cao từ Malaysia, Singarpore...

Tất cả những tồn tại trên đẩy chi phí đầu tư lên cao. Và "nếu Chính phủ Việt Nam không sớm có giải pháp cho vấn đề này, chúng tôi e rằng làn sóng đầu tư sẽ chuyển sang các nước khác trong khu vực, một nhà đầu tư khuyến cáo.

Theo VNN