Bộ Xây dựng cho biết, năm 2022, hoạt động của các doanh nghiệp bất động sả gặp rất nhiều khó khăn do khó tiếp cận được nguồn vốn. (Nguồn: Dân trí) |
Thủ tướng đốc thúc lấy ý kiến nhân dân sửa đổi Luật Đất đai
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Công điện số 32 ngày 11/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.
Phó Thủ tướng cho biết, qua báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến nay, nhiều địa phương đã ban hành kế hoạch để tổ chức thực hiện việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Tuy nhiên, qua phản ánh, tiến độ triển khai lấy ý kiến nhân dân ở nhiều bộ, ngành, địa phương còn rất chậm.
Để bảo đảm thực hiện tốt các nghị quyết đề ra, phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của toàn thể các tầng lớp nhân dân trong việc xây dựng dự án Luật Đất đai sửa đổi, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, các người đứng đầu bộ ngành, địa phương khẩn trương lấy ý kiến nhân dân.
Trong đó, Bộ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ khẩn trương tổ chức lấy ý kiến đóng góp về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi của cán bộ, công chức, viên chức, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các đơn vị trực thuộc, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các doanh nghiệp trong phạm vi quản lý của Bộ, ngành mình; tổng hợp, xây dựng Báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường theo đúng thời hạn trong Nghị quyết số 170 của Chính phủ.
Đối với Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đối với các đối tượng trên địa bàn, chú trọng đến các tầng lớp nhân dân, chính sách về đất đai có tính đặc trưng của vùng, miền. Tổng hợp, xây dựng Báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường theo đúng thời hạn trong Nghị quyết số 170 của Chính phủ.
Các địa phương chưa triển khai kế hoạch lấy ý kiến nhân dân phải nghiêm túc kiểm điểm việc chậm ban hành Kế hoạch, chậm tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.
Đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thủ tướng yêu cầu Bộ này tổ chức các đoàn công tác để theo dõi, đôn đốc việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo luật trên. Bên cạnh đó là thường xuyên cập nhật, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tiến độ góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi trên trang website lấy ý kiến nhân dân; tiến độ tổ chức lấy ý kiến nhân dân của các Bộ, ngành và địa phương.
Bộ này cũng cần tập trung mọi nguồn lực để tổ chức việc lấy ý kiến nhân dân, giải trình tiếp thu ý kiến của nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bảo đảm chất lượng, thời gian trong Nghị quyết số 170 của Chính phủ.
Thủ tướng yêu cầu bộ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiêm túc triển khai thực hiện và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ nói trên.
Doanh nghiệp BĐS gặp khó khăn
Ngày 19/1, Bộ Xây dựng đã có Thông cáo 12/TC-BXD về việc công bố thông tin về nhà ở và thị trường BĐS quý IV/2022 và cả năm 2022.
Về tình hình phát hành trái phiếu, Thông cáo cho biết, trong thời gian qua, có một số tổ chức, cá nhân có sai phạm, bị xử lý liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp lĩnh vực BĐS đã ảnh hưởng rất lớn đến thị trường và tâm lý nhà đầu tư. Do vậy, các doanh nghiệp BĐS khó khăn hơn trong việc phát hành trái phiếu tạo nguồn vốn để triển khai thực hiện dự án cũng như cân đối dòng tiền trong hoạt động của doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính: Tính đến 28/10/2022, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 328,9 nghìn tỷ đồng, giảm 25,2% so với cùng kỳ năm 2021 và có xu hướng giảm dần qua các quý.
Trong đó, các doanh nghiệp BĐS chiếm 28,87% trong tổng khối lượng phát hành; đứng thứ 2 trong nhóm mua lại trái phiếu trước hạn và chiếm 35,8% (451.159 tỷ đồng) trong tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đang lưu ký tại thời điểm 30/9/2022.
Trong 2 tháng cuối năm 2022, trái phiếu đến hạn của các doanh nghiệp bất động sản chiếm 38,3% tổng giá trị trái phiếu đến hạn, trong đó, 99,6% trái phiếu đáo hạn của các doanh nghiệp bất động sản có tài sản bảo đảm.
Trong tháng 12, các doanh nghiệp đã phát hành 1.350 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, trong đó doanh nghiệp bất động sản phát hành 500 tỷ đồng.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, tính đến 25/12/2022, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khoảng 2 triệu tỷ đồng, trong đó của doanh nghiệp BĐS à 419 nghìn tỷ đồng (chiếm 33,6%).
Trong cuối năm 2022 và thời gian tiếp theo, một số doanh nghiệp còn phải chịu áp lực trả nợ trái phiếu trước hạn cho nhà đầu tư vì nhiều nguyên nhân, trong đó có thay đổi chính sách kiểm soát trái phiếu phát hành của doanh nghiệp.
Bộ Xây dựng đánh giá, việc đến hạn trả nợ là khó khăn, áp lực rất lớn cho nhiều doanh nghiệp kinh doanh BĐS trong thời gian tới.
Ngoài ra, theo Bộ Xây dựng, một số doanh nghiệp còn phải chịu áp lực trả nợ trái phiếu trước hạn cho nhà đầu tư vì nhiều nguyên nhân, trong đó có việc thay đổi chính sách kiểm soát trái phiếu phát hành của doanh nghiệp.
Sức hấp thụ yếu, toàn thị trường chịu ảnh hưởng
Theo số liệu của Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS), tháng 1/2023, tỷ lệ hấp thụ toàn thị trường ước đạt rất nhỏ, mức thấp kỷ lục, không đáng để thống kê.
Cùng đó, thống kê của VARS về quý IV/2022 cũng cho thấy, nguồn cung BĐS đang có xu hướng giảm rõ rệt. Nguồn cung ra thị trường đạt gần 7.000 sản phẩm, chỉ bằng 20% so với năm 2018.
Cơ cấu nguồn cung trên thị trường chủ yếu thuộc phân khúc trung, cao cấp với mức giá không phù hợp với đa số người dân có nhu cầu ở thực. Tỷ lệ hấp thụ trong quý cuối của năm 2022 cũng chỉ đạt khoảng 14%, giảm mạnh so với giai đoạn nửa đầu năm.
Nhiều doanh nghiệp BĐS phản ánh, họ gần như không tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng. Ông Phạm Thiếu Hoa - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinhomes cho rằng vướng mắc tiếp cận tín dụng của BĐS còn liên quan đến tài sản đảm bảo khi các ngân hàng yêu cầu tỷ lệ tài sản đảm bảo trên vốn vay cao hơn các khoản vay thông thường.
Ngoài ra, vướng mắc lớn nhất của các doanh nghiệp BĐS hiện nay là mục đích vay vốn. Các công ty BĐS khi góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào các doanh nghiệp khác, trên quan điểm thận trọng của các ngân hàng thương mại, sẽ không tài trợ cho vay để góp vốn mua bán mà quy vào hoạt động cho vay, góp vốn đầu tư cổ phiếu, cổ phần nhưng quy định này đang bị hạn chế.
Cụ thể, để hạn chế dòng vốn tín dụng chảy vào thị trường BĐS, từ 1/10/2022 các tổ chức tín dụng sẽ phải tuân theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là đưa tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn về 30%.
Việc tắc nghẽn dòng vốn tín dụng ảnh hưởng đến nhiều nhóm đối tượng. Trước tiên là người dân có nhu cầu mua BĐS. Các chuyên gia cho rằng, giấc mơ an cư ngày càng xa vời bởi chính sách tín dụng từ các ngân hàng ngày càng ngặt nghèo hơn, điều kiện giải ngân khó hơn ngay cả với cả dự án nhà ở giá phù hợp, nhà ở xã hội. Nếu không tiếp cận được các dòng tín dụng cho vay mua nhà thì đầu ra của thị trường sẽ càng đi xuống.
Bên cạnh đó, các đơn vị dịch vụ môi giới, hàng loạt doanh nghiệp phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động. Nhiều công ty còn hoạt động trong lĩnh vực này cũng phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, cắt giảm bộ máy nhân sự khiến hàng triệu lao động thất nghiệp.
Đánh giá của Tổng cục Thuế cũng cho thấy, số thu thuế, phí từ BĐS đang có dấu hiệu chững lại và sụt giảm qua các tháng gần đây. Không chỉ thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng BĐS giảm tốc, mà thu lệ phí trước bạ từ nhà đất cũng đang sụt giảm mạnh.
Theo ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS, thực tế hiện nay, thị trường BĐS gần như không tiếp cận được nguồn vốn để phát triển. Các dự án đang triển khai buộc phải dừng, giãn, hoãn vì không có vốn thanh toán cho nhà thầu, trả lương cho công nhân.
Tình trạng chậm thanh toán của chủ đầu tư cũng là nguyên nhân khiến hàng loạt doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nhà máy, công xưởng của hơn 30 ngành nghề liên quan phải ngưng hoạt động, hàng triệu lao động thất nghiệp, làm gia tăng bất ổn xã hội.
Thêm vào đó, người vay mua nhà, bao gồm cả dự án nhà ở giá phù hợp, nhà ở xã hội cũng bị hạn chế tiếp cận tín dụng khiến sức mua giảm sút, nên doanh nghiệp thiếu tiền mặt, âm dòng tiền, bị thiếu thanh khoản nghiêm trọng.
Ông Đính cho rằng, việc thực thi chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô trong giai đoạn lạm phát cao, kinh tế thế giới nhiều bất ổn là hoàn toàn cần thiết. Tuy nhiên, nếu việc kìm nén hoạt động sản xuất, phát triển quá lâu sẽ khiến “sức khoẻ” thị trường cũng như cộng đồng doanh nghiệp suy yếu, không thể vực dậy nổi. Cả doanh nghiệp và người lao động sẽ lâm vào cảnh khó khăn.
Giá đất nền Đà Nẵng quay đầu giảm mạnh
Tại Đà Nẵng, trong khi phân khúc căn hộ hạng sang xác lập mặt bằng giá mới lên đến 145 triệu đồng/m2 thì đất nền ghi nhận mức giá giảm sâu, có nơi ghi nhận giá rao bán giảm 500 - 800 triệu đồng/lô so với giá đỉnh thiết lập trước đó.
Đây là ghi nhận của DKRA vừa được công bố tại Báo cáo thị trường BĐS nhà ở Đà Nẵng và vùng phụ cận năm 2022.
Trong khi phân khúc căn hộ hạng sang tại Đà Nẵng xác lập mặt bằng giá mới lên đến 145 triệu đồng/m2 thì đất nền ghi nhận mức giá giảm sâu. |
Theo DKRA, phân khúc căn hộ ghi nhận 9 dự án mở bán, tương đương khoảng 658 căn trong năm 2022, giảm 28% so với năm 2021.
Lượng tiêu thụ đạt khoảng 370 căn, bằng 56% nguồn cung mới và giảm 37% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cung mở bán phân bổ chủ yếu tại Đà Nẵng, (tập trung tại quận Ngũ Hành Sơn và quận Liên Chiểu), Thừa Thiên Huế và Quảng Nam tiếp tục khan hiếm nguồn cung.
Phân khúc hạng A và hạng C là hai phân khúc chủ đạo dẫn dắt thị trường, lần lượt chiếm 32% và 51% nguồn cung mới. Riêng phân khúc căn hộ hạng sang xác lập mặt bằng giá mới lên đến 145 triệu đồng/m2, ghi nhận tại các dự án có vị trí dọc theo bờ sông Hàn thuộc trung tâm Đà Nẵng.
Mặt bằng giá bán sơ cấp không có nhiều biến động trong khi thị trường thứ cấp ghi nhận mức giảm 5% - 7% so với cuối năm 2021, phần lớn ở những giao dịch người bán cần bán gấp để phục vụ nhu cầu tài chính cá nhân. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường ở mức rất thấp.
Trong khi căn hộ “vọt giá” xác lập mặt bằng giá mới thì ở chiều ngược lại đất nền trên đà giảm giá, nhiều nơi “cắt lỗ” sâu. Phân khúc đất nền, đón nhận 22 dự án với nguồn cung khoảng 2.648 nền trong năm 2022, tăng 59% so với năm 2021. Lượng tiêu thụ đạt khoảng 1.499 nền, xấp xỉ 57% tổng nguồn cung mở bán mới, tăng khoảng 32% so với năm trước.
Các dự án tập trung chủ yếu ở quận Ngũ Hành Sơn và huyện Điện Bàn, chiếm khoảng 50% tổng nguồn cung mới toàn thị trường. Hầu hết nguồn cung và lượng tiêu thụ mới được ghi nhận trong 9 tháng đầu năm 2022.
Theo DKRA, sức cầu chung toàn thị trường không có sự bứt phá so với năm 2021 và có xu hướng giảm mạnh vào nửa cuối năm 2022 do những khó khăn chung của thị trường.
Đồng thời, thanh khoản trên thị trường thứ cấp cũng có sự sụt giảm. Trung bình mặt bằng giá thứ cấp giảm khoảng 4% - 10% so với năm 2021, cục bộ đối với những khách hàng gặp áp lực lãi vay ngân hàng mức giảm ghi nhận lên đến 21%.
Khảo sát thực tế cho thấy, tại khu vực Nam Hòa Xuân, nhiều lô đất đường 7,5m được rao bán trên dưới 3 tỷ đồng. Mức giá này được cho là đã giảm 500 - 800 triệu đồng/lô so với giá đỉnh thiết lập năm 2019.
Đưa ra dự báo về phân khúc đất nền năm 2023, theo DKRA nguồn cung mới và sức cầu giảm mạnh so với năm 2022 dao động khoảng 1.800 - 1.900 sản phẩm.
Sức cầu chung của thị trường tương đương năm trước, lượng tiêu thụ tập trung ở những dự án đầy đủ pháp lý, hạ tầng hoàn thiện. Thị trường thứ cấp duy trì thanh khoản ở mức trung bình, giá bán không có nhiều biến động so với năm 2022.
Ở phân khúc căn hộ, nguồn cung mới dự báo tương đương năm 2022, dao động khoảng 600 căn tại Đà Nẵng và khoảng 150 căn tại Huế. Quảng Nam tiếp tục khan hiếm nguồn cung mới.
Về giá bán, đơn vị này cho rằng, mặt bằng giá bán sơ cấp có thể sẽ tăng nhẹ trước áp lực các chi phí đầu vào, giá bán thứ cấp ít biến động, giao dịch chủ yếu tập trung ở những dự án đã bàn giao nhà, vị trí liền kề trung tâm.
Thanh khoản thị trường tiếp tục duy trì ở mức trung bình - thấp ở thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp và phụ thuộc rất nhiều vào tình hình chung của thị trường, lãi suất, room tín dụng BĐS trong năm 2023.