Thị trường bất động sản ghi nhận dấu hiệu tích cực trong quý III/2024. (Ảnh: Hải An) |
Hồi phục nhưng chưa thể bứt phá
Trong buổi tọa đàm 'Nhận diện thị trường Bất động sản cuối năm 2024, đầu năm 2025' được tổ chức ngày 10/10, ông Võ Hồng Thắng, Phó Tổng giám đốc Công ty DKRA Việt Nam, nhận định, thị trường BĐS ghi nhận dấu hiệu tích cực trong quý III năm nay. Theo đó, đã có 18.000 sản phẩm đã được đưa ra thị trường, sản lượng tiêu thụ cũng tăng đáng kể ở phân khúc nhà ở vừa túi tiền.
Đặc biệt, tại TPHCM, căn hộ có giá dưới 60 triệu đồng/m² và đất nền tại các tỉnh giáp ranh như Bình Dương với mức giá khoảng 30 triệu đồng/m² đang được quan tâm nhiều. Phân khúc căn hộ thứ cấp cũng ghi nhận sự sôi động, khi giá giao dịch tăng từ 5-9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, ông Thắng cho biết, thị trường đất nền đã cung cấp hơn 9.000 sản phẩm trong quý III, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023. Ông cũng dự báo, “Đất nền có pháp lý rõ ràng và đất thổ cư tại các khu đô thị có dân cư hiện hữu sẽ tiếp tục khan hiếm, với tỷ lệ tiêu thụ tăng hơn 30%”.
Tuy nhiên, những con số tích cực này không che giấu hết khó khăn. Phó TGĐ Công ty DKRA Việt Nam thừa nhận rằng, thị trường BĐS nghỉ dưỡng vẫn gặp nhiều trở ngại do các cam kết lợi nhuận trước đây bị đổ vỡ, cộng với ảnh hưởng từ dịch Covid-19 và tranh chấp pháp lý. "Phân khúc này cần thêm thời gian để khắc phục và ổn định trở lại", ông Thắng nói.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM nhấn mạnh rằng, thị trường BĐS TPHCM đã thoát khỏi vùng đáy khó khăn nhất, nhưng vẫn đối diện nhiều thử thách.
Tin liên quan |
Giá tiêu hôm nay 12/10/2024: Tiêu xuất khẩu gặp áp lực, lượng hàng trong dân gần như không còn, việc duy trì và sản xuất ngày càng bị cạnh tranh |
Trong 9 tháng đầu năm 2024, thị trường đã có mức tăng trưởng khoảng 6-7%, cho thấy sự phục hồi rõ rệt. Tuy nhiên, nguồn cung nhà ở vẫn còn rất hạn chế, với chỉ 9 dự án mới được chấp thuận trong 8 tháng đầu năm và hầu hết là các dự án nhỏ. Ông Châu cho biết thêm: "Quy mô các dự án rất nhỏ, lớn nhất chỉ đạt 5 ha".
Một vấn đề nổi cộm là giá nhà tăng mạnh, khiến nhiều người dân gặp khó khăn trong việc tiếp cận nhà ở. Theo ông Châu, "Giá nhà đã tăng từ 15-20% do quy luật cung cầu, trong khi nguồn cung khan hiếm". Ông cũng đề nghị cần có cơ chế hỗ trợ tốt hơn cho người lao động thông qua khảo sát và điều chỉnh quy định về nhà trọ trong Luật Nhà ở.
Đồng Nai thu hồi đất để xây trung tâm thương mại hơn 6.000 tỷ đồng
Ngày 9/10, UBND TP Biên Hòa (Đồng Nai) cho biết vừa ban hành quyết định thu hồi hơn 13.600m2 đất do phường Hiệp Hòa quản lý để triển khai xây dựng trung tâm thương mại.
UBND phường Hiệp Hòa được giao nhiệm vụ thông báo rộng rãi quyết định này đến người dân và các tổ chức liên quan; giữ nguyên hiện trạng khu đất cho đến khi cơ quan có thẩm quyền quyết định việc giao đất để thực hiện dự án.
Văn phòng đăng ký đất đai TP Biên Hòa có trách nhiệm cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính theo quy định.
Trước đó, tháng 9 vừa qua, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết đô thị tỷ lệ 1/500 trung tâm thương mại tại phường Hiệp Hòa, TP Biên Hòa.
Tổng mức đầu tư cho dự án này là khoảng 6.000 tỷ đồng. Dự án có diện tích gần 12ha, trong đó khoảng 10ha dành cho xây dựng trung tâm thương mại, phạm vi xây dựng 3 tuyến đường giao thông xung quanh hơn 1,5ha.
Trung tâm thương mại có quy mô tối đa 8 tầng, chiều cao không quá 40m với 1 tầng hầm, được thiết kế hiện đại, hài hòa với môi trường.
Đây cũng là trung tâm thương mại dịch vụ tổng hợp bao gồm: dịch vụ ăn uống, giải khát, khu vui chơi cho trẻ em và cho thuê các quầy, kệ bán hàng, không gian bán hàng đã được đầu tư hoàn thiện; thuê và cho thuê lại mặt bằng, nhà kho, hội trường và các hạng mục khác.
Bên cạnh đó, thực hiện quyền nhập khẩu, xuất khẩu, phân phối bán buôn và bán lẻ các hàng hóa theo quy định.
Ninh Bình: Tăng cường quản lý, kiểm soát tình hình biến động giá BĐS
UBND tỉnh Ninh Bình vừa có văn bản giao các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý, kiểm soát tình hình biến động giá BĐS.
Theo đó, UBND tỉnh Ninh Bình giao Sở Xây dựng chỉ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát hoạt động kinh doanh bất động sản của các doanh nghiệp, chủ đầu tư, sàn giao dịch bất động sản, môi giới bất động sản trên địa bàn tỉnh; kiểm soát việc mua đi, bán lại các bất động sản trao tay nhiều lần, đặc biệt tại các khu vực, dự án có hiện tượng tăng giá bất thường; thanh tra, kiểm tra, có biện pháp chấn chỉnh các hành vi thổi giá, làm giá, đầu cơ, xử lý theo quy định các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, pháp luật kinh doanh bất động sản và pháp luật liên quan (nếu có) theo thẩm quyền. Trường hợp vượt thẩm quyền, tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền phương án xử lý theo đúng quy định hiện hành.
Tổ chức kiểm tra, nắm bắt tình hình, làm rõ nguyên nhân gây ra biến động giá của từng loại hình bất động sản như nhà ở riêng lẻ, đất ở trên địa bàn trong giai đoạn vừa qua. Chủ động xử lý theo thẩm quyền hoặc tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền các biện pháp điều tiết đảm bảo thị trường phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững.
Thực hiện quản lý, kiểm soát việc tăng giá bất động sản nhằm đảm bảo phù hợp điều kiện thực tế của các khu vực trên địa bàn tránh ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản tại địa phương nhằm đảm bảo chỗ ở cho mọi công dân.
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý chặt chẽ việc xây dựng nhà ở của người dân trong các dự án kinh doanh quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật theo hình thức phân lô, bán nền theo quy định của pháp luật, tránh tình trạng người dân để đất trống, thực hiện hành vi đầu cơ, mua bán trao tay, “thổi giá” gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản.
Cùng với đó, tổ chức công bố công khai thông tin về thị trường bất động sản; công bố thông tin cho cho các cơ quan, tổ chức, người dân nắm rõ về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; đầu tư phát triển hạ tầng; các dự án bất động sản đã được phê duyệt; các chủ đầu tư dự án đủ điều kiện huy động vốn theo quy định nhằm bảo đảm minh bạch thông tin thị trường, ngăn chặn các hiện tượng gian lận, lừa dối, lừa đảo trong kinh doanh bất động sản; các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính tại địa phương.
Ngoài ra, UBND tỉnh Ninh Bình giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá quyền sử dụng đất theo thẩm quyền hoặc tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định nhằm ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường.
Giấy tờ chứng minh đối tượng được sở hữu nhà tại Việt Nam
Giấy tờ chứng minh đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam được quy định như thế nào?
Theo Khoản 1 và Khoản 2, Điều 3 Nghị định số 95/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở (có hiệu lực từ ngày 1/8/2024) quy định về giấy tờ chứng minh đối tượng và điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam như sau:
1. Giấy tờ chứng minh đối tượng là tổ chức được sở hữu nhà ở tại Việt Nam được quy định như sau:
a) Đối với tổ chức trong nước thì phải có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ chứng minh việc thành lập tổ chức do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật;
b) Đối với tổ chức nước ngoài thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam thì phải có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư;
c) Đối với tổ chức nước ngoài không thuộc đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều này thì phải có Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép hoạt động hoặc thành lập tại Việt Nam còn hiệu lực tại thời điểm ký kết giao dịch về nhà ở (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư).
2. Giấy tờ chứng minh đối tượng là cá nhân được sở hữu nhà ở tại Việt Nam được quy định như sau:
a) Đối với cá nhân là công dân Việt Nam thì phải có thẻ căn cước hoặc hộ chiếu hoặc các giấy tờ khác có giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam;
b) Đối với người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải có hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế theo pháp luật về xuất nhập cảnh và giấy tờ xác nhận là người gốc Việt Nam theo quy định của pháp luật về quốc tịch;
c) Đối với cá nhân nước ngoài thì phải có hộ chiếu nước ngoài và cam kết bằng văn bản về việc không thuộc diện được quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự.
Như vậy, từ ngày 1/8/2024, giấy tờ chứng minh đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm các giấy tờ theo quy định được trích dẫn ở trên.
| Phương Tây trừng phạt Moscow: Đừng mong đợi là ‘viên đạn thần kỳ’, Nga chứ không phải Iran, chỉ là một trò chơi với tổng âm Phương Tây cần phải thực tế về những gì các lệnh trừng phạt Nga có thể đạt được và không mong đợi rằng chúng là ... |
| Bất động sản mới nhất: Điểm danh 4 vùng đô thị, đề xuất xây dựng bảng giá đất đến từng thửa, lý do Thanh Oai lại dừng đấu giá đất Công bố quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050; huyện Thanh Oai, Hà Nội bất ngờ tạm ... |
| Ba nguyên nhân chính khiến giá bất động sản tăng cao đột biến Chiều nay (7/10), tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng trả lời về giải pháp ... |
| Bất động sản mới nhất: Chỉ 1% căn hộ Hà Nội giao dịch dưới 2 tỷ đồng, người dân chật vật tìm chốn an cư, 6 nhóm được thuê nhà công vụ Giá chung cư Hà Nội tiếp tục leo thang, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái, cả nước mới có khoảng 40.000 môi giới ... |
| Giá tiêu hôm nay 12/10/2024: Tiêu xuất khẩu gặp áp lực, lượng hàng trong dân gần như không còn, việc duy trì và sản xuất ngày càng bị cạnh tranh Giá tiêu hôm nay 12/10/2024 tại thị trường trong nước giảm ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 146.000 – 147.000 đồng/kg. |