📞

Bất động sản mới nhất: Có hiện tượng đầu cơ ‘thổi giá’, đấu giá đất Hà Nội hạ nhiệt, danh sách 8 dự án tại TPHCM được gỡ vướng pháp lý

H.A 08:03 | 05/11/2024
Thị trường quý III/2024 chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn xảy ra tình trạng biến động giá cục bộ tại một số phân khúc; đấu giá đất tại Hoài Đức (Hà Nội) hạ nhiệt, 8 dự án tại TPHCM được gỡ vướng pháp lý hoàn toàn… là những tin bất động sản (BĐS) mới nhất.
Qua phân tích cho thấy, có nhiều nguyên nhân tác động làm tăng giá bất động sản nhà ở, trong đó giá bán tăng một phần do biến động tăng đối với chi phí liên quan đến đất đai gần đây cũng như tác động khi áp dụng phương pháp tính và bảng giá đất mới. (Ảnh: Anh Phương)

Bộ Xây dựng: BĐS tăng giá có tính cục bộ ở một số phân khúc

Trong quý III/2024, giá BĐS tại một số địa phương vẫn có xu hướng tăng, đặc biệt tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) và các đô thị lớn. Hiện tượng tăng giá có tính cục bộ, xảy ra ở một số khu vực, một số loại hình, một số phân khúc BĐS dẫn đến tác động làm tăng giá chung.

Qua phân tích cho thấy, có nhiều nguyên nhân tác động làm tăng giá BĐS nhà ở, trong đó giá bán BĐS tăng một phần do biến động tăng đối với chi phí liên quan đến đất đai gần đây cũng như tác động khi áp dụng phương pháp tính và bảng giá đất mới.

Đặc biệt tại một số địa phương, khu vực có hiện tượng đấu giá quyền sử dụng đất với kết quả trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm. Việc quản lý, thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất tại một số khu vực, địa phương chưa tốt; có hiện tượng nhiều nhà đầu tư thành lập hội, nhóm tham gia đấu giá; trả giá đất cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, rồi có thể “bỏ cọc” sau khi trúng đấu giá đất nhằm mục đích thiết lập mặt bằng giá ảo tại khu vực để kiếm lời.

Bên cạnh đó, hiện tượng “tạo giá ảo”, “thổi giá” của giới đầu cơ và các cá nhân hành nghề môi giới BĐS; lợi dụng sự thiếu hiểu biết, đầu tư theo tâm lý đám đông của người dân để trục lợi.

Đây là các cá nhân hoạt động môi giới tự do, không có chứng chỉ môi giới BĐS, yếu về chuyên môn, hiểu biết pháp luật hạn chế, chưa có tính chuyên nghiệp, yếu kém về đạo đức kinh doanh dẫn đến tình trạng làm ăn chụp giật, thông đồng làm giá, thổi giá cao so với giá trị thực tế, thao túng thị trường, gây thiệt hại cho khách hàng và làm giảm tính minh bạch của thị trường BĐS.

Thiếu nguồn cung BĐS, nhà ở để đáp ứng nhu cầu đại bộ phận người dân, các đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình tại các khu vực đô thị, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM.

Trong đó, có một số nguyên nhân như: Doanh nghiệp kinh doanh BĐS gặp khó khăn, vướng mắc trong thủ tục pháp lý, đặc biệt là việc xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, giao đất.

Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn vốn vay tín dụng, nguồn vốn từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Nhiều dự án đã, đang triển khai xây dựng thời gian qua phải tạm dừng, giãn tiến độ, chậm tiến độ triển khai xây dựng.

Mặc dù các Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh BĐS 2023 được ban hành và có hiệu lực thi hành, các vướng mắc khó khăn về thể chế, quy định pháp luật (đất đai, nhà ở, kinh doanh BĐS, tín dụng...) đối với doanh nghiệp đã cơ bản được tháo gỡ, nguồn cung BĐS đã cho thấy có sự cải thiện. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế do cần có thời gian để các cơ chế, chính sách, pháp luật mới được ban hành được thực thi có kết quả, “đi vào cuộc sống”.

Ngoài ra, biến động của nền kinh tế trong thời gian qua liên quan đến thị trường chứng khoán, trái phiếu, vàng... đã tác động đến tâm lý của người dân, nhà đầu tư, dẫn đến xu hướng chuyển dịch dòng tiền của người dân, nhà đầu tư sang đầu tư nhà, đất để làm nơi “trú ẩn” an toàn cho nguồn tiền tích lũy, nguồn vốn đầu tư.

Bộ Xây dựng nhận định, thị trường BĐS trong quý III/2024 có những chuyển biến tích cực, các khó khăn, vướng mắc đối với doanh nghiệp, dự án BĐS tiếp tục được chỉ đạo quyết liệt để tháo gỡ, theo đó thị trường BĐS cơ bản ổn định, nguồn cung đã có phần cải thiện.

Tuy nhiên, vẫn xảy ra tình trạng biến động giá cục bộ tại một số phân khúc và một số khu vực, bên cạnh đó vẫn còn tâm lý sợ sai, trách nhiệm nên đùn đẩy, né tránh, giải quyết chậm tại một số địa phương. Do vậy, thời gian tới cần tiếp tục tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc và chấm dứt tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm để thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Cụ thể, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục tổ chức triển khai tập huấn, phổ biến để thực hiện có hiệu quả Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh BĐS năm 2023 và các văn bản quy định chi tiết mới được ban hành đến các địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.

Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành chỉ đạo, hướng dẫn và đôn đốc các địa phương, doanh nghiệp triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” nhằm tăng nguồn cung cho thị trường.

Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét thí điểm mô hình “Trung tâm giao dịch BĐS và quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý” nhằm hạn chế tình trạng sàn giao dịch BĐS, hoạt động môi giới BĐS có thể cấu kết gây nhiễu loạn thị trường.

Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương đẩy nhanh việc cải tạo xây dựng lại nhà chung cư, tăng cung cho thị trường. Tăng cường quản lý, phối hợp với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thanh tra, kiểm tra, rà soát hoạt động giao dịch, kinh doanh BĐS của các doanh nghiệp, chủ đầu tư, sàn giao dịch BĐS, môi giới BĐS trên địa bàn, đặc biệt là tại các khu vực, dự án, khu chung cư có hiện tượng tăng giá bất thường.

Hơn 1.000 doanh nghiệp BĐS trở lại thị trường

UBND TPHCM vừa báo cáo Bộ Xây dựng về tình hình nhà ở và thị trường BĐS quý 3/2024. So với nửa đầu năm trước, đến quý 2/2024, ngành BĐS tại TPHCM tăng trưởng 2,94%. Doanh thu kinh doanh BĐS 9 tháng đầu năm nay đạt 199.156 tỷ đồng, chiếm 60,3% trong doanh thu dịch vụ khác, tăng 6,7% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, 9 tháng đầu năm nay, TPHCM ghi nhận 1.051 doanh nghiệp BĐS được cấp phép thành lập với tổng vốn đăng ký 40.137 tỷ đồng.

Về tình hình triển khai các dự án nhà ở, quý 3/2024, trên địa bàn TPHCM có 3 dự án (2 dự án nhà ở thương mại và 1 dự án nhà ở xã hội) được chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư. Một dự án được cấp phép xây dựng.

Quý vừa qua, TPHCM xác nhận đủ điều kiện huy động vốn sản phẩm nhà ở thương mại hình thành trong tương lai cho 4 dự án với tổng giá trị vốn cần huy động hơn 9.118,893 tỷ đồng.

1.567 căn hộ chung cư và 44 căn nhà thấp tầng của 4 dự án này đều thuộc phân khúc cao cấp. Tất cả 1.611 căn nhà này cũng đã được giao dịch BĐS trong quý.

Việc tiếp cận gói vay ưu đãi 120.000 tỷ đồng của các chủ dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân tại TPHCM vẫn “giậm chân tại chỗ” khi chưa có chủ đầu tư nào được vay.

Đánh giá thị trường BĐS của thành phố, UBND TPHCM cho rằng thị trường đã dần hồi phục, tốc độ tăng trưởng còn chậm nhưng đã có tín hiệu tích cực.

Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 12 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận chủ trương đầu tư, 3 dự án nhà ở xã hội xây dựng hoàn thành, hơn 31.000 căn hộ đang xây dựng…

Đấu giá đất Hoài Đức giảm nhiệt

Đến khoảng 17h ngày 4/11, sau 11 vòng đấu, phiên đấu giá 20 lô đất ở xã Tiền Yên - Xứ đồng Lòng Khúc, huyện Hoài Đức (Hà Nội) kết thúc với giá trúng cao nhất 103,3 triệu đồng/m2, thấp nhất hơn 85 triệu đồng/m2.

Với giá khởi điểm 7,3 triệu đồng/m2, mức trúng đấu giá cao nhất trong phiên đấu giá hôm nay gấp hơn 14 lần khởi điểm.

So với phiên đấu giá 19 lô đất trước đó diễn ra cuối tháng 8, phiên đấu giá hôm nay đã hạ nhiệt hơn từ số lượng người tham gia đến giá trúng.

Cuộc đấu giá hôm nay chỉ thu hút hơn 100 khách hàng, giảm gần 5 lần so với phiên đấu giá trước với hơn 500 người và khoảng 1.500 bộ hồ sơ tham gia đấu giá.

Cũng với mức khởi điểm từ 7,3 triệu đồng, giá trúng phiên trước được đẩy lên gấp nhiều lần. Lô cao nhất trúng với giá 133 triệu đồng/m2, gấp hơn 18 lần khởi điểm.

Ghi nhận bên ngoài khu vực đấu giá sáng nay cũng không còn cảnh đám đông nhà đầu tư, môi giới tụ tập để nghe ngóng thông tin, rao bán sang tay các lô đất đến tận đêm như cách đây gần hai tháng.

Tuy nhiên, các lô đất đấu giá hôm nay vẫn được rao bán chênh từ 100-300 triệu đồng/lô.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý đã có nhiều động thái để hạ nhiệt. Nhiều huyện ven Hà Nội, trong đó có Hoài Đức, từ cuối tháng 8 đã tạm dừng tổ chức đấu giá đất để rà soát pháp lý.

Đầu tháng này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất Chính phủ chỉ đạo các địa phương công khai thông tin người bỏ cọc để tránh thổi giá, trục lợi qua đấu giá đất.

UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu UBND cấp huyện lập danh sách các trường hợp trả giá cao hơn thị trường để trúng đấu giá nhưng không nộp tiền theo quy định, gây nhiễu loạn thị trường. Danh sách này sẽ được công khai trên trang thông tin của các huyện, Sở TN-MT.

Đầu tuần tới, Hoài Đức sẽ đấu giá tiếp 32 thửa đất (LK05 và LK06) diện tích từ 97-172m2 cũng tại khu xứ đồng Lòng Khúc, xã Tiền Yên, khởi điểm 7,3 triệu đồng/m2. Khoản tiền đặt trước dao động 142-251 triệu đồng/thửa.

Chi tiết 8 dự án BĐS tại TPHCM được gỡ vướng pháp lý hoàn toàn

Sở Xây dựng TPHCM vừa báo cáo Bộ Xây dựng về tình hình, tiến độ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của 64 dự án BĐS do Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ chuyển đến.

Để xử lý vướng mắc của 64 dự án trên cũng như các dự án trên địa bàn Thành phố nói chung, ngày 3/10/2023, UBND TP đã ban hành quy chế hoạt động Tổ công tác của TPHCM.

Quý 3/2024, Tổ công tác của TPHCM tổ chức 1 cuộc họp. Tính từ khi thành lập đến nay, tổ công tác đã triển khai 10 cuộc họp và ban hành 15 thông báo kết luận, xem xét giải quyết cho 30 dự án.

Trong đó, 8 dự án đã được gỡ vướng pháp lý hoàn toàn và 22 dự án còn vướng mắc, đang được các sở, ngành và đơn vị liên quan tiếp tục tham mưu, xử lý theo quy định.

8 dự án được gỡ vướng pháp lý hoàn toàn là: Khu phức hợp Sóng Việt của Công ty cổ phần Quốc Lộc Phát; nhà ở xã hội của Công ty cổ phần VTHouse và Công ty cổ phần Tâm Giao; dự án của Công ty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam; Khu chung cư và thương mại Metro Star, TP Thủ Đức của Công ty cổ phần Đầu tư Metro Star;

Điều chỉnh tiến độ dự án Celadon City của Công ty cổ phần Gamuda Land; dự án 1,1ha tại thị trấn Hóc Môn, huyện Hóc Môn của Công ty cổ phần Western Sài Gòn; Khu nhà ở cao tầng Sông Đà - Thăng Long, quận 7 của Công ty cổ phần Hưng Thịnh Incons; Khu giáo dục quận Bình Thạnh của Công ty Trí Tuệ.

(tổng hợp)