Bất động sản mới nhất: Hiện tại, Việt Nam có 7 loại hình nhà ở. (Nguồn: LĐO) |
Yếu tố giúp tăng trưởng thị trường BĐS 2022
Đánh giá về toàn cảnh thị trường BĐS năm 2021, các chuyên gia kinh tế cho biết, có rất nhiều yếu tố hứa hẹn sự tăng trưởng của thị trường BĐS trong năm 2022.
Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nền kinh tế có thể phục hồi nhanh nếu Việt Nam thực hiện tốt chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội năm 2022-2023.
Thêm vào đó, đầu tư cơ sở hạ tầng được coi là một trong ba đột phá chiến lược, cùng với hành lang pháp lý về BĐS đã và đang được tháo gỡ, chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, thị hiếu khách hàng thay đổi sau đại dịch… là những yếu tố tích cực thúc đẩy thị trường BĐS khởi sắc trong tương lai.
Ngoài ra, nguồn vốn BĐS vẫn dồi dào. Quý IV/2021, nguồn vốn tín dụng BĐS tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm trước; tổng dư nợ tín dụng BĐS khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 19% tổng dư nợ nền kinh tế; trong đó, theo Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng, cho vay nhà ở chiếm 64%, còn lại là tín dụng kinh doanh BĐS chiếm khoảng 36%.
Nguồn vốn tư nhân đến tháng 12/2021, số doanh nghiệp (DN) kinh doanh BĐS thành lập mới là 6.700 DN, tăng 10,3%; vốn đăng ký 423.000 tỷ đồng, tạo ra 43.400 việc làm. Thị trường ghi nhận 1.250 DN hoạt động trở lại và 1.580 DN tạm ngừng hoạt động.
Về nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đến tháng 12/2021, tổng vốn đăng ký mới vào BĐS đạt gần 2 tỷ USD (chiếm khoảng 11%), đứng thứ 3 trong các lĩnh vực thu hút FDI. Riêng góp vốn, mua cổ phần đạt 983 triệu USD (chiếm 22,4%).
Về phát hành trái phiếu, tính đến tháng 12/2021, toàn thị trường phát hành 436 nghìn tỷ đồng; trong đó, DN BĐS xếp thứ nhất (chiếm 45%), thứ 2 là nhóm ngân hàng (chiếm 30%).
Những yếu tố trên góp phần khiến giá BĐS hầu như không giảm, riêng BĐS nhà ở còn tăng 5-9% tùy địa phương. Giá thuê BĐS khu công nghiệp cũng tăng từ 3 - 8% tùy địa phương. Hiện phân khúc tiềm năng của thị trường BĐS là khu công nghiệp, do Việt Nam đang dần trở thành “bến đỗ” của nhiều DN nước ngoài.
Bộ Xây dựng đánh giá, nếu dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt thì thanh khoản BĐS sẽ tăng trở lại, kéo theo giá cả có thể sẽ tăng nhẹ do nguồn cung còn hạn chế mà nhu cầu nhà ở vẫn cao, giá nguyên vật liệu, nhân công… tăng.
Ngoài ra, trong tình trạng đại dịch như hiện nay, dòng vốn từ nhiều nhà đầu tư không luân chuyển được vào các kênh sản xuất, tiêu dùng, do đó dòng vốn sẽ có xu hướng rót về BĐS, vì đây vẫn được đánh giá là kênh đầu tư an toàn, bền vững trong dài hạn.
Làm gì để giá BĐS không leo thang?
Chuyên gia cho rằng, điều quan trọng mà Chính phủ cần làm là hỗ trợ mở rộng nguồn cung BĐS ra thị trường để bong bóng BĐS không xảy ra. Nếu không, giá cả sẽ tiếp tục leo thang.
Do đại dịch Covid-19, 2021 là một năm có nhiều khó khăn với kinh tế Việt Nam nói chung, và thị trường BĐS nói riêng.
Ông Neil MacGregor, Tổng Giám đốc Savills Việt Nam cho rằng, tính trong phân khúc BĐS nhà ở, trong năm 2022, các khu đô thị sẽ phát triển mạnh.
Một số khu đô thị then chốt được phát triển trong vài năm qua có thể kể đến nằm tại các tỉnh Đồng Nai, Long An và Bình Dương. Đây sẽ tiếp tục là xu hướng chủ đạo trong thời gian tới khi mà nguồn cung BĐS nhà ở tại TP. HCM đang quá thiếu hụt.
Bên cạnh đó, BĐS công nghiệp và logistics sẽ tiếp tục tăng vọt. Đây là phân khúc được săn đón trong vài năm qua, sẽ tiếp diễn và tạo đà tăng trưởng khi những nhà máy sản xuất bắt đầu đặt cơ sở tại Việt Nam để đầu tư vào các dự án xí nghiệp mới.
Cũng theo chuyên gia của Savill Việt Nam, khó khăn đối với các nhà đầu tư hay các chủ sở hữu BĐS nhà ở là vấn đề thiếu nguồn cung. Hiện nay, nguồn cung trên thị trường đang bị thiếu hụt.
Ông MacGregor cho biết: “Đối với người mua, cụ thể là với khả năng chi trả thấp, có rất ít lựa chọn nhà ở tại TP. HCM ở thời điểm này. Đối với chủ doanh nghiệp lớn, để tìm một văn phòng có không gian rộng ở trung tâm thành phố là chuyện không hề dễ dàng, và họ sẽ phải tìm đến khu vực ngoài trung tâm.
Lĩnh vực công nghiệp cũng gặp phải tình trạng tương tự khi nguồn cung ở thành phố đang bị thiếu hụt. Đây là một trong những thách thức lớn nhất đối với chủ đầu tư phát triển BĐS, người tìm mua nhà ở, kể cả với chủ văn phòng hay người làm việc trong lĩnh vực công nghiệp và logistics thì đều đang có rất ít lựa chọn BĐS ở thời điểm này.
Chính vì vậy, theo ông, điều quan trọng mà Chính phủ cần làm là hỗ trợ mở rộng nguồn cung BĐS ra thị trường để bong bóng BĐS và kinh tế không xảy ra.
Nếu không, giá cả sẽ tiếp tục leo thang trong năm 2022 và ngành BĐS sẽ trở nên khó chạm tới kể cả với người mua nhà ở, khách thuê văn phòng hay những nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp.
Bất động sản mới nhất: Chung cư TP Hồ Chí Minh. (Nguồn: NLĐ) |
7 loại hình nhà ở tại Việt Nam hiện nay
Theo Báo Lao động, hiện các loại hình nhà ở tại Việt Nam khá đa dạng và pháp luật cũng đã có quy định về phân loại nhà ở.
Theo Luật Nhà ở 2014, nhà ở là công trình xây dựng với mục đích để ở và phục vụ các nhu cầu sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân. Theo đó, nhà ở được phân thành 7 loại hình sau:
1. Nhà ở riêng lẻ: Là nhà ở được xây dựng trên thửa đất ở riêng biệt thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, bao gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề và nhà ở độc lập.
Căn cứ theo quy mô kết cấu công trình, nhà ở riêng lẻ được phân thành các hạng khác nhau, bao gồm: Cấp I, cấp II, cấp III, cấp IV.
2. Nhà chung cư: Là nhà có từ 2 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, bao gồm nhà chung cư được xây dựng với mục đích để ở và nhà chung cư được xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và kinh doanh.
3. Nhà ở thương mại: Là nhà ở được đầu tư xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua theo cơ chế thị trường.
4. Nhà ở công vụ: Là nhà ở được dùng để cho các đối tượng thuộc diện được ở nhà công vụ theo quy định của Luật Nhà ở 2014 thuê trong thời gian đảm nhận chức vụ, công tác.
6. Nhà ở để phục vụ tái định cư: Là nhà ở để bố trí cho các hộ gia đình, cá nhân thuộc diện được tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ở, bị giải tỏa nhà ở theo quy định của pháp luật.
7. Nhà ở xã hội: Là nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở 2014.
Hà Nội tăng cường 5 giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý và sử dụng nhà ở xã hội
UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành chuyên đề "Giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng nhà ở xã hội trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021- 2025" nhằm triển khai Chương trình số 10 của Thành ủy về "Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021- 2025".
5 giải pháp cụ thể gồm:
Một là, tăng cường giám sát khi xét duyệt đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.
Hai là, tăng cường phối hợp giữa các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã với Sở Xây dựng nhằm kiểm tra danh sách các đối tượng được giải quyết mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, xác định đúng đối tượng được hỗ trợ về nhà ở xã hội.
Ba là, tăng cường giám sát sử dụng nhà ở xã hội. Theo đó, UBND các quận, huyện, thị xã; UBND các xã, phường, thị trấn nơi có nhà ở xã hội và các chủ đầu tư nhà ở xã hội thực hiện đúng, đầy đủ nội dung quy định về giám sát đối tượng sau khi được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.
Công an thành phố chỉ đạo công an quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn nơi có nhà ở xã hội thông qua quản lý nhân, hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng để theo dõi những hộ, nhân khẩu đang cư trú thực tế; nắm bắt việc thay đổi nhân khẩu, hộ gia đình và xác định các trường hợp bán lại, cho thuê lại, cho ở nhờ, không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích.
Bốn là, tăng cường công tác quản lý, vận hành, bảo hành, bảo trì nhà ở xã hội theo quy định.
Năm là, tiếp tục tăng cường công tác quản lý chất lượng nhà ở xã hội thông qua hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật; kiểm tra quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh lao động tại các công trình đang thi công.
Các sở, ngành và UBND quận, huyện, thị xã căn cứ triển khai chuyên đề lồng ghép với việc thực hiện các nhiệm vụ Chương trình số 10-CTr/TU của Thành ủy.