📞

Bất động sản mới nhất: Dự báo giá đất ngoại thành Hà Nội 2022, quyền của chủ hộ với mảnh đất thuộc gia đình, thời điểm tốt nhất để xuống tiền?

Hải An 08:35 | 07/12/2021
Giá đất ngoại thành Hà Nội năm 2022 sẽ tăng hay giảm, chủ hộ có quyền gì đối với mảnh đất thuộc gia đình, lời khuyên của chuyên gia về cơ hội đầu tư địa ốc… là những tin bất động sản (BĐS) mới nhất.
Bất động sản mới nhất: Dự báo giá đất ngoại thành Hà Nội 2022. (Nguồn: Infonet)

Dự báo giá đất tại khu vực ngoại thành Hà Nội

VNDirect vừa công bố báo cáo ngành BĐS 2022. Theo đó, nguồn cung căn hộ mới tại Hà Nội có thể sẽ tăng khoảng 40% so với cùng kỳ, đạt 25.600 căn trong năm 2022, sau đó sẽ hồi phục về mức 2018-2019 với 36.100 căn trong 2023, chủ yếu đến từ phía Tây và phía Đông Hà Nội.

Tỷ lệ hấp thụ cũng được kỳ vọng cải thiện lên mức 90-110% trong năm 2022-2023, cao hơn mức 75-90% trong 2018-2019, tương đương với khoảng 27.000-32.000 căn tiêu thụ mỗi năm.

Đối với thị trường nhà liền thổ, nguồn cung mới tiếp tục phụ thuộc vào lượng mở bán tại các dự án lớn trong 2022. Dẫn số liệu từ CBRE, báo cáo cho thấy nguồn cung mới nhà liền thổ dự kiến giảm khoảng 40% so với cùng kỳ còn 1.500 căn trong 2022.

Nhóm nghiên cứu của công ty chứng khoán trên cũng dự báo thị trường nhà đất tại các tỉnh lân cận có vị trí thuận lợi kết nối với Hà Nội sẽ là điểm sáng trong 2022. Ngoài ra, giá căn hộ sơ cấp tại Hà Nội sẽ duy trì đà tăng trưởng ổn định từ 5-7% so với cùng kỳ vào năm 2022.

Đơn vị này kỳ vọng phân khúc căn hộ hạng sang sẽ thiết lập mức giá mới với sự xuất hiện dự án có giá bán dựa theo ước tính trên thị trường khoảng 8.000-10.000 USD/m2 (230 triệu đồng).

Đối với thị trường nhà đất, nhóm chuyên gia cho rằng giá đất tại khu vực ngoại thành Hà Nội sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong năm 2022 nhờ cơ sở hạ tầng phát triển, đặc biệt là metro Cát Linh - Hà Đông đã được đưa vào vận hành từ tháng 11/2021, sẽ thúc đẩy giá đất tại các khu vực lân cận như Hà Đông, Đống Đa.

Năm 2022, nhóm nghiên cứu cho biết có 3 yếu tố thúc đẩy nhu cầu BĐS nhà ở. Thứ nhất, nguồn cầu được thúc đẩy mạnh mẽ bởi thị trường phục hồi trên diện rộng. Thứ hai, lãi suất vay mua nhà thấp củng cố quyết định mua nhà và thứ ba nguồn cung mới hồi phục ấn tượng nhờ nới lỏng pháp lý.

Lo lạm phát, dân săn mua đất

Nỗi lo lạm phát tăng khiến nhiều người tìm các tài sản an toàn để tích luỹ. Trong đó, BĐS luôn được nhiều người quan tâm.

Theo nhiều chuyên gia BĐS, dịch bệnh đang tạo ra cơ hội lớn cho nhà đầu tư mua BĐS giá tốt để chờ đợi cơ hội bán ra chốt lời. Hiện nay, thị trường BĐS đang trong giai đoạn tích lũy và sẽ sôi động trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát.

Ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Việt Nam cho biết, nhà đầu tư mua nhà ở thời điểm này tương lai khi bán ra chắc chắn sẽ có mức lợi nhuận đáng kể. Nguyên nhân chính do Việt Nam đang trên đà phát triển, giá nhà sẽ luôn song hành với sự phát triển đó.

Ngoài ra, nhu cầu tăng trong khi quỹ đất dần hẹp đi cũng là lý do để vị chuyên gia đưa ra mức tích luỹ vài chục phần trăm.

Ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty BĐS Việt An Hòa, nhận định, trong giai đoạn này, nhiều chủ đầu tư khi mở bán đã điều chỉnh mức giá BĐS về sát giá trị thực hơn.

Việc tận dụng tốt lỗ hổng của thị trường có thể khiến dự án mới thu hút lượng lớn khách hàng và kéo theo giao dịch tăng lên. Đây là thời điểm tốt nhất để tìm mua được sản phẩm phù hợp nhất.

Chuyên gia Trần Khánh Quang nhận định, thời gian tới, thị trường sẽ xuất hiện các khu đô thị vệ tinh, vệ tinh của vệ tinh. Khi lo ngại dịch bệnh, dân cư không còn tập trung quá đông vào những khu đô thị lớn như TP.HCM, các công ty lớn sẽ phân tán nhà xưởng, cơ sở sản xuất ra vùng ven, không tập trung tại thành phố lớn như trước đây nữa. Đây là một xu hướng mới cho thấy, BĐS vùng ven vẫn tiếp đà tăng trưởng trong vài năm tới.

Ông Nguyễn Lộc Hạnh, Tổng Giám đốc Ngọc Á Châu, nhận định, thị trường chắc chắn sẽ có đợt sốt nhẹ vào cuối năm và dạt về vùng ven vẫn là xu thế tất yếu.

Ông Hạnh cũng dự đoán năm 2022 sẽ là năm bùng nổ trong đầu tư công, việc giải ngân tiền cho các dự án hạ tầng bắt buộc phải nhanh chóng hơn để đầu tư toàn bộ đường sá, cao tốc, các tuyến nhằm cứu kinh tế sau dịch. Khi những hạ tầng đó được thực hiện, việc vận chuyển đi lại dễ hơn, thời gian, không gian được rút ngắn, BĐS sẽ phát triển.

Thanh Hóa sẽ có thêm khu công nghiệp số 12 rộng gần 400ha

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có quyết định về việc phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 khu công nghiệp số 12, Khu kinh tế Nghi Sơn.

Theo đó, phạm vi lập quy hoạch thuộc địa giới hành chính xã Tân Trường và xã Trường Lâm, thị xã Nghi Sơn.

Phía Bắc khu vực quy hoạch giáp đường quy hoạch và Khu đô thị số 14 (DT-14); phía Nam giáp đường quy hoạch; phía Đông giáp đường cao tốc Bắc Nam; phía Tây giáp đường quy hoạch.

Diện tích nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 393,17ha; dự báo quy mô lao động khoảng 10.365 người.

Khu vực quy hoạch có tính chất là khu công nghiệp tập trung đa ngành, ưu tiên các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp vật liệu xây dựng…

Khu công nghiệp được phân thành 3 khu vực chủ yếu: Khu đất xây dựng nhà máy, xí nghiệp 255.09 ha gồm: Khu 1 có diện tích 93,91ha; khu 2 diện tích 75,59ha; khu 3 diện tích 81,59ha.

Khu công trình đầu mối hạ tầng được bố trí tập trung theo 2 giai đoạn. Quy mô công trình khoảng 5,53ha, đạt tỷ lệ 1,4% so với quỹ đất quy hoạch.

Các khu cây xanh được bố trí phân tán thành các dải xanh dọc theo các trục đường.

Chủ hộ có quyền gì đối với mảnh đất thuộc gia đình? (Nguồn: BHD)

Quyền của chủ hộ đối với mảnh đất thuộc gia đình

Theo Laodong, nếu chủ hộ là người có chung quyền sử dụng đất với các thành viên khác thì có quyền đứng tên sổ đỏ, ký hợp đồng và mẫu đơn khi thực hiện các quyền của người sử dụng đất.

Đứng tên sổ đỏ, sổ hồng

Khoản 1 Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT quy định cách ghi thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất khi cấp sổ đỏ, sổ hồng cho hộ gia đình như sau:

Hộ gia đình sử dụng đất thì ghi "Hộ ông" (hoặc "Hộ bà"), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số của giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình như quy định tại Điểm a Khoản này; địa chỉ thường trú của hộ gia đình. Trường hợp chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình.

Trường hợp chủ hộ gia đình hay người đại diện khác của hộ gia đình có vợ hoặc chồng cùng có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi cả họ tên, năm sinh của người vợ hoặc chồng đó.

Ký hợp đồng chuyển nhượng hoặc các giao dịch khác

Khoản 1 Điều 64 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định:

Hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình phải được người có tên trên giấy chứng nhận hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự ký tên.

Mặt khác, người có tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc người được ủy quyền chỉ được thực hiện việc ký hợp đồng, văn bản giao dịch về nhà đất khi đã được các thành viên trong hộ gia đình sử dụng đất đồng ý bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực theo Khoản 5 Điều 14 Thông tư 02/2015/TT-BTNMT.

Ký các giấy tờ khi thực hiện thủ tục hành chính về đất đai

Trong quá trình sử dụng đất có thể sẽ phát sinh nhiều thủ tục hành chính về đất đai, khi đó, người đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (thông thường là chủ hộ) có quyền ký các biểu mẫu, giấy tờ, hồ sơ của các thủ tục đó, cụ thể:

- Ký vào đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất.

- Ký vào các mẫu đơn khi thực hiện thủ tục cấp đổi, cấp lại, đính chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

- Ký vào các mẫu đơn của các thủ tục đăng ký biến động khi người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền như: Chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.

(tổng hợp)