📞

Bất động sản mới nhất: FDI vẫn ‘chảy’ mạnh vào địa ốc, thu hồi dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, 3 bước giao dịch mua bán nhà đất qua ngân hàng

Hải An 08:45 | 04/10/2022
Vốn FDI vào địa ốc tăng mạnh, phân khúc công nghiệp hút khách, mức độ quan tâm giảm, Phú Thọ thu hồi thỏa thuận đầu tư dự án khu du lịch nghỉ dưỡng… là những tin bất động sản (BĐS) mới nhất.
Lĩnh vực kinh doanh bất động sản tiếp tục trụ hạng ở vị trí thứ 2 trong danh sách các ngành thu hút vốn đầu tư FDI trong 9 tháng qua với hơn 3,5 tỷ USD. Trong ảnh: Một khu công nghiệp tại Bắc Ninh. (Nguồn: TTXVN)

Vốn FDI vào địa ốc tăng gần 2 lần

Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, tính đến ngày 20/9, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt 18,7 tỷ USD, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Tuy nhiên, lĩnh vực kinh doanh BĐS vẫn tiếp tục trụ hạng ở vị trí thứ 2 trong danh sách các ngành thu hút vốn đầu tư FDI trong 9 tháng qua với hơn 3,5 tỷ USD, chiếm gần 19% tổng vốn đầu tư đăng ký. FDI vào lĩnh vực BĐS tăng gần gấp đôi so với con số thu hút của cùng kỳ năm ngoái (1,8 tỷ USD).

Các chuyên gia của Công ty Savills Việt Nam nhận đinh, cùng với đà tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2022, thị trường BĐS công nghiệp đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển. Các khu công nghiệp tại hai đầu cầu kinh tế lớn đạt tỷ lệ lấp đầy cao.

Đây cũng là một trong những yếu tố đưa công nghiệp Việt Nam trở thành “bến đỗ” cho vốn đầu tư nước ngoài.

Khảo sát của Bộ phận Dịch vụ BĐS công nghiệp của Savills Việt Nam cho thấy những tín hiệu tích cực của nền kinh tế cũng là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định mức độ hấp dẫn của nền công nghiệp nước nhà đối với vốn đầu tư nước ngoài. Cùng đó, có 5 nhân tố khác đang tác động tích cực đến kết quả hoạt động của công nghiệp Việt Nam.

Trước hết là chính sách mở cửa biên giới được áp dụng từ sớm đã tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đến và làm việc tại Việt Nam. Điều này thúc đẩy làn sóng dịch chuyển của doanh nghiệp quốc tế sang các nước trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam.

Không chỉ hưởng lợi từ làn sóng ấy, tiềm năng của Việt Nam còn nằm ở các hiệp định thương mại tự do, điển hình là hiệp định EVFTA đã giúp Việt Nam thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư từ châu Âu. Một yếu tố khác đang góp phần tạo môi trường đầu tư an toàn đến từ sự ổn định của tỷ giá VND/USD so với tỷ giá ở một số nước trong vùng như Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ và Malaysia.

Bên cạnh đó, Chính phủ đang đưa ra các chính sách kích cầu du lịch nhằm thúc đẩy các hoạt động kinh doanh, cho thuê và hoàn thiện thủ tục đầu tư. Hơn nữa, các nhà đầu tư nước ngoài còn được hưởng lợi từ chính sách đưa thuế thu nhập doanh nghiệp về 0% trong 4 năm đầu hoạt động và giảm 50% trong 5 năm tiếp theo.

Ngoài ra, Chính phủ cũng giúp các doanh nghiệp thu hút người lao động nhờ các Nghị định hỗ trợ công nhân sở hữu nhà ở xã hội trong khu công nghiệp, tận dụng hiệu quả ưu thế vốn có của Việt Nam về lực lượng lao động dồi dào.

Bất chấp những thách thức đến từ sự suy giảm thương mại toàn cầu, ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội nhận định, công nghiệp Việt Nam vẫn đang sở hữu vị thế thuận lợi để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Bằng chứng là các khu BĐS công nghiệp vẫn đạt công suất hoạt động cao cùng nhiều dự án mới tiềm năng được triển khai.

Theo thống kê do Savills Việt Nam công bố vào tháng 9, nguồn cung BĐS công nghiệp tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã được lấp đầy gần như hoàn toàn. Với ưu thế về cơ sở hạ tầng và giao thông, quỹ đất dành cho công nghiệp tại hai khu vực này cạnh tranh hơn và vô hình trung đẩy giá thuê cao hơn.

Vì sao nhiều nhà đầu tư không dám 'rót' tiền vào BĐS?

Thông tin trên Tienphong, theo báo cáo của trang batdongsan, mức độ quan tâm đến BĐS trên cả nước đã giảm đáng kể từ thời điểm tháng 3 năm nay, tuy nhiên, giá BĐS vẫn cao.

Theo đó, nhiều tỉnh, thành phố chứng kiến nhu cầu tìm mua BĐS trong quý III giảm so với quý II như: Hải Phòng ước tính giảm 19%, Đà Nẵng giảm 12%, Cần Thơ giảm 14%.

Các nhà môi giới cho rằng, giao dịch BĐS gặp nhiều khó khăn. Theo khảo sát, 36% số người được hỏi cho biết rào cản lớn nhất là khách hàng lo sợ thị trường tiêu cực nên không dám đầu tư vào BĐS, 23% chia sẻ giao dịch không thể chốt thành công do khách hàng bị hạn chế trong vay vốn để mua BĐS, 19% nhận thấy trở ngại chính là giá BĐS quá cao so với khả năng tài chính của người mua.

Tại thị trường Hà Nội, 7 tháng đầu năm nay, mức độ quan tâm tới BĐS gần như không thay đổi, chỉ giảm 1% so với cùng kỳ năm 2021. Hầu hết các loại hình BĐS khác của Thủ đô, từ đất thổ cư riêng lẻ đến đất nền dự án, nhà riêng, biệt thự liền kề đều ghi nhận lượt tìm mua giảm từ 5 - 32% so với cùng kỳ năm trước.

Tại TPHCM, căn hộ chung cư - loại hình BĐS phổ biến, phục vụ nhu cầu ở thực, nhưng nhu cầu tìm mua trong 7 tháng đầu năm giảm 3% so với cùng kỳ năm trước.

Ghi nhận thực tế cho thấy, có khoảng 10 dự án mới mở bán tại TPHCM và các tỉnh xung quanh thành phố này có tỷ lệ hấp thụ hầu hết không vượt qua mức 50% nguồn hàng.

Xét về mặt bằng giá rao bán, trong 7 tháng đầu năm nay, tất cả các phân khúc căn hộ TPHCM đều tăng giá so với cùng kỳ 2021, tăng cao nhất ở phân khúc bình dân (8%), sau đó là trung cấp (5%) và cao cấp (4%).

Câu hỏi đặt ra là: Trong bối cảnh hiện nay, nhà đầu tư có nên đầu tư BĐS hay không?

Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội môi giới BĐS - cho rằng, BĐS vẫn luôn là kênh đầu tư hấp dẫn. Quan trọng là đầu tư vào phân khúc nào, chỗ nào sinh lợi nhiều nhất thì xuống tiền đầu tư.

Trong bối cảnh lạm phát và lãi suất đang tăng, tốt nhất không nên dùng đòn bẩy tài chính để đầu tư. Nếu chọn được đúng phân khúc chất lượng và khả năng sinh lời cao thì hãy xuống tiền.

Cũng theo ông Đính, các nhà đầu tư cũng có xu hướng thận trọng hơn. Nếu không được tháo gỡ, có thể thị trường BĐS bước vào một giai đoạn đóng băng dài và gây đổ vỡ cho các doanh nghiệp. Vì vậy, cần có các chính sách hỗ trợ để quá trình tái cân bằng của thị trường diễn ra.

Phú Thọ thu hồi dự án khu du lịch nghỉ dưỡng 820ha của Louis Capital

Trong thông báo mới đây, Công ty cổ phần Louis Capital (mã chứng khoán: TGG) cho biết, công ty đã nhận được Quyết định 2522 ngày 23/9/2022 của UBND tỉnh Phú Thọ về việc quyết định chấm dứt hoạt động dự án và thu hồi chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Ao Giời - Suối Tiên, huyện Hạ Hòa.

Phối cảnh dự án Ao Giời - Suối Tiên.

Theo tìm hiểu, dự án Ao Giời - Suối Tiên nhận được Quyết định chủ trương đầu tư số 2237 ngày 29/8/2017 của UBND tỉnh Phú Thọ và được quy hoạch tại tiểu khu 48, xã Quân Khê, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ.

Dự án có tổng diện tích hơn 820ha, được chia làm 2 giai đoạn triển khai. Giai đoạn 1 từ năm 2017 đến năm 2021 với tổng vốn đầu tư 118,8 tỷ đồng và dự án giai đoạn 2 từ 2021 đến 2025 với tổng vốn đầu tư 174,5 tỷ đồng. Tính tới 31/12/2021, dự án vẫn đang được thực hiện.

Liên quan tới dự án bị thu hồi này, vào tháng 3 năm nay, HĐQT Công ty cổ phần Louis Capital đã thông qua chủ trương thoái toàn bộ 3,58% vốn điều lệ, tương đương gần 1,8 tỷ đồng tại Công ty cổ phần Du lịch Ao Giời - Suối Tiên nhằm cơ cấu lại danh mục đầu tư, thu hồi vốn đã đầu tư để bổ sung vốn cho các dự án khác.

Trước đó, năm 2019, Louis Capital đã góp 12,5 tỷ đồng sở hữu 25% cổ phần tại Ao Giời - Suối Tiên để đầu tư vào dự án cùng tên tại huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ với quy mô hơn 820ha, tổng mức đầu tư 293 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là khai thác tiềm năng du lịch, tâm linh, sinh thái, di tích lịch sử, kết hợp khu giải trí, du lịch nghỉ dưỡng với bảo tồn tôn tạo và phát triển rừng. Thời gian thực hiện đầu tư từ năm 2017 đến năm 2025.

UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 và UBND huyện Hạ Hòa đã lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án.

Các bước giao dịch mua bán nhà đất qua ngân hàng

Bước 1: Thanh toán tiền đặt cọc mua nhà

Bên mua và bên bán sẽ tiến hành đặt cọc tại phòng công chứng hoặc UBND phường, xã để được đóng dấu xác nhận giao dịch. Trong trường hợp hai bên tiến hành thanh toán tiền cọc bằng biên nhận cọc viết tay thì cần nhờ đến người thứ ba ký làm chứng.

Tiền cọc nhà theo thông lệ nên ở mức 10% tổng giá trị căn nhà là hợp lý, hạn chế việc phải cọc nhiều hơn 10%. Tuy nhiên, trong thực tế cũng có nhiều trường hợp cọc số tiền lớn hơn vì người mua xác định đây là cơ hội lớn vì mua được giá hời.

Bước 2: Thanh toán tiền mua nhà khi ký hợp đồng công chứng

Một lưu ý quan trọng trong bước này là không nên thanh toán quá 95% tổng giá trị nhà (bao gồm tiền đặt cọc 10%). Lý do là sau khi ký hợp đồng công chứng, hai bên sẽ làm thủ tục đăng bộ hoặc khai thuế.

Khi khai thuế, bên bán phải đóng thuế thu nhập cá nhân thường là 2% tổng giá trị nhà đất. Bên mua phải đóng lệ phí trước bạ 0,5% tổng giá trị nhà đất (tính theo khung giá nhà nước quy định). Tránh trường hợp bên bán phủi tay không thực hiện nghĩa vụ thuế và không hỗ trợ bên mua trong các giai đoạn sau.

Bước 3: Thanh toán sau khi khai thuế và đăng bộ hồ sơ nhà đất

Sau khi hoàn tất các nghĩa vụ về thuế, hai bên đến UBND quận, huyện để tiến hành đăng bộ hồ sơ nhà đất. Sau khi kiểm tra giấy tờ đầy đủ, bộ phận tiếp nhận hồ sơ sẽ ghi phiếu hẹn nhận sổ thường là 45 ngày làm việc. Sau khi nhận phiếu hẹn, bạn có thể thanh toán phần còn lại cho bên mua, xem như giao dịch hoàn tất.

(tổng hợp)