Thị trường bất động sản trong nửa cuối năm 2023 có nhiều chuyển biến tích cực hơn so với 6 tháng đầu năm. (Ảnh: H.A) |
Giá căn hộ chung cư tiếp tục xu hướng tăng
Theo Báo cáo thông tin về nhà ở và thị trường BĐS trong quý IV/2023 và cả năm 2023 vừa được công bố của Bộ Xây dựng, từ thời điểm cuối năm 2022, thị trường BĐS đã gặp nhiều khó khăn, tính thanh khoản kém, rất nhiều dự án triển khai phải tạm dừng hoặc giãn, hoãn tiến độ.
Tình trạng khó khăn tiếp tục kéo dài đến nửa đầu năm 2023, chủ yếu do các vướng mắc liên quan đến vấn đề pháp lý của dự án và tiếp cận nguồn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn từ khách hàng. Khó khăn trên dẫn đến doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn tiến độ hoặc tạm dừng triển khai thực hiện dự án.
Số lượng dự án phát triển nhà ở được chấp thuận mới và hoàn thành giảm so với các năm trước dẫn đến nguồn cung cho thị trường khá hạn chế. Tuy nhiên, giá nhà ở có xu hướng tăng, vượt quá khả năng đáp ứng về tài chính của đại đa số người dân có nhu cầu mua để sử dụng.
Tại báo cáo thị trường này, Bộ Xây dựng cho biết, trong quý IV/2023, căn hộ chung cư tiếp tục xu hướng tăng giá tại TPHCM và Hà Nội, đặc biệt là khu vực trung tâm.
Trên thị trường gần như không có dự án phân khúc căn hộ bình dân (giá dưới 25 triệu đồng/m2). Thị trường chủ yếu là phân khúc trung cấp (giá 25-50 triệu đồng) đủ điều kiện huy động vốn và giao dịch.
Cụ thể, tại Hà Nội, trong quý IV/2023, theo tổng hợp báo cáo thì một số dự án có mức độ tăng giá bình quân tại các khu vực như: quận Thanh Xuân tăng khoảng 3,5%, quận Hà Đông tăng khoảng 3,7%; quận Hoàng Mai tăng 3,8%; Quận Hoàng Mai tăng 3,8%; quận Nam Từ Liêm tăng khoảng 4,1 %.
Trong đó, giá bán căn hộ chung cư bình dân có mức giá từ 25-35 triệu đồng/m2; giá bán căn hộ chung cư trung cấp có giá bán 35-50 triệu đồng/m2; giá bán căn hộ chung cư cao cấp có giá bán trên 50 triệu đồng/m2, phổ biến ở mức giá 60-70 triệu đồng/m2.
Tại TPHCM, Bộ Xây dựng cũng cho biết, trong quý IV/2023, một số dự án có mức độ tăng bình quân 3,6-4,4%.
Thị trường BĐS 2024: Kỳ vọng các khung pháp lý quan trọng
Các cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), hỗ trợ các khu công nghiệp cũng tạo hấp lực cho thị trường BĐS đối với nhà đầu tư nước ngoài. Thị trường quan trọng này kỳ vọng vào những khung pháp lý mới, quan trọng và những chuyển biến tích cực trong năm 2024.
Hiện nay, Việt Nam vẫn duy trì sức hấp dẫn rất lớn đối với nhà đầu tư nước ngoài với quy mô dân số của Việt Nam trên 100 triệu dân, trong đó TPHCM và Hà Nội có hơn 10 triệu người/thành phố. Điều này dẫn đến nhu cầu về nhà ở và văn phòng tại hai thành phố này sẽ tương đối lớn.
Trong bối cảnh thị trường khó khăn, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hàng loạt chính sách, nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS; Tổ công tác đã tiếp nhận, xử lý có hiệu quả các kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp qua đó đã giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng các dự án BĐS.
Theo đó, thị trường BĐS trong nửa cuối năm 2023 có nhiều chuyển biến tích cực hơn so với 6 tháng đầu năm, nguồn cung đã từng bước cải thiện, một số dự án BĐS sau thời gian tạm dừng đã khởi động trở lại. Lượng giao dịch của các loại hình BĐS cuối năm tăng so với hồi đầu năm chứng tỏ thị trường đang từng bước được hồi phục.
Để bảo đảm thị trường BĐS phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng tiếp tục tập trung xây dựng, hoàn thiện dự thảo các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS nhất là quy định về trình tự, thủ tục triển khai các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, khu đô thị mới để bảo đảm có hiệu lực đồng thời với các Luật, tránh khoảng trống pháp lý.
Trong khi đó, nhận định diễn biến tình hình thị trường BĐS trong năm 2024, TS. Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao, Bộ phận Tư vấn đầu tư, Savills Việt Nam cho biết: “Từ kinh nghiệm làm việc với nhà đầu tư nước ngoài, quan điểm về thị trường BĐS Việt Nam, theo tôi, có thể được chia thành hai hướng chính: Đầu tư cấp dự án và đầu tư cấp doanh nghiệp. Dưới lăng kính cấp doanh nghiệp, nhà đầu tư tập trung vào các công ty BĐS niêm yết. Bất chấp một số thách thức tồn tại lâu dài tại thị trường Việt Nam, chẳng hạn như thủ tục pháp lý, Việt Nam vẫn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và thể chế chính trị ổn định”.
Theo TS. Sử Ngọc Khương, quỹ đất ở các đô thị lớn như TPHCM hay Hà Nội dường như đã cạn. Song vừa qua, Chính phủ đã thúc đẩy đầu tư công vào các dự án đô thị và cơ sở hạ tầng tại các thành phố vệ tinh xung quanh hai thành phố lớn này. Nhờ đó, nhà đầu tư trong nước đã có thể tham gia vào những dự án quy mô lớn hơn trước kia.
Nhà đầu tư sở hữu quỹ đất lớn ở các thành phố vệ tinh đã sẵn sàng triển khai, đặc biệt là vào năm 2024, được hưởng lợi từ chính sách tiền tệ, lãi suất dễ tiếp cận và dư địa mở rộng cho tăng trưởng kinh doanh BĐS. Nhà đầu tư hiện nay vẫn chờ chính sách pháp lý thông thoáng, nhằm thúc đẩy phát triển và cung cấp các sản phẩm phục vụ nhu cầu xã hội.
Như vậy, bước vào năm 2024, Luật Đất đai (sửa đổi) khi được thông qua sẽ tạo động lực lớn cho thị trường bên cạnh Luật Kinh doanh BĐS 2023, Luật Nhà ở 2023. Nhiều nội dung chờ đợi trước đây sẽ có câu trả lời rõ ràng trong năm này. Nguồn cung sẽ dần được cải thiện. Hoạt động đầu tư hạ tầng đang được đẩy mạnh cùng triển vọng phát triển kinh tế mạnh mẽ sẽ làm gia tăng nhu cầu về BĐS trên mọi phân khúc.
Tuy nhiên, cần phải giải quyết tốt bài toán mất cân bằng cung cầu, cần có nhiều sản phẩm vừa túi tiền, các hình thức kinh doanh đa dạng đáp ứng rộng nguồn cầu. Bên cạnh đó, giảm giá thành sản phẩm là điều hiện đang khó thực hiện nhưng nếu làm được thì sẽ thu hút được lượng cầu mua.
Chính phủ, Nhà nước đã và đang làm rất nhiều các biện pháp cần thiết thúc đẩy thị trường. Chủ đầu tư lúc này cũng phải như vậy, làm nhiều biện pháp cải thiện sự phụ thuộc dòng tiền từ ngân hàng bằng việc huy động từ các kênh khác như hợp tác đầu tư, cấu trúc danh mục đầu tư, giãn tiến độ thanh toán để giảm áp lực dòng tiền của người mua nhằm thúc đẩy quyết định đầu tư, làm tốt tất cả các khâu.
Nha Trang: Kiểm tra trật tự xây dựng 9 dự án BĐS
Từ ngày 8/1 đến 30/3, UBND thành phố Nha Trang phối hợp với Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa thực hiện kế hoạch thanh, kiểm tra trật tự xây dựng 9 dự án đô thị tại thành phố Nha Trang.
Một góc khu đô thị Phước Long, Nha Trang, Khánh Hòa. (Nguồn: Báo XD) |
Các dự án được đưa vào kế hoạch thanh tra đợt này gồm Dự án Khu đô thị mới Lê Hồng Phong I và II do Công ty Cổ phần BĐS Hà Quang làm chủ đầu tư; Khu đô thị VCN Phước Hải, VCN Phước Long và VCN Phước Long II do Công ty Cổ phần VCN làm chủ đầu tư.
Khu đô thị Hoàng Long do Công ty TNHH MTV ĐTXD & địa chất UPGC làm chủ đầu tư; Khu đô thị mới Phước Long I và II do Công ty Phát triển nhà và đô thị HUD Nha Trang làm chủ đầu tư.
Khu đô thị An Bình Tân do Công ty Cổ phần Xây lắp vật tư kỹ thuật làm chủ đầu tư; Khu đô thị Mipeco Nha Trang do Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội làm chủ đầu tư.
Khu đô thị biển An Viên do Công ty Cổ phần An Viên làm chủ đầu tư; khu nhà ở gia đình quân đội K98-NT do Tổng Công ty Xây dựng công trình hàng không ACC làm chủ đầu tư; Khu đô thị Mỹ Gia do Công ty Cổ phần Phát triển đô thị Vĩnh Thái làm chủ đầu tư.
Theo UBND thành phố Nha Trang, đợt kiểm tra này nhằm tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng, mỹ quan đô thị. Cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng.
Việc kiểm tra được thực hiện theo các hướng dẫn của UBND tỉnh và Thành ủy Nha Trang. Trong đó cấp huyện chịu trách nhiệm xử lý trật tự xây dựng với nhà ở riêng lẻ có quy mô dưới 7 tầng thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, nhà ở có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Quảng Trị đấu giá 185 lô đất, khởi điểm từ 177 triệu đồng
185 lô đất tại các huyện Vĩnh Linh, Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị sẽ được tổ chức đấu giá quyền sử dụng trong tháng 1 này. Giá khởi điểm cao nhất hơn 3,4 tỷ đồng/lô.
Tại huyện Vĩnh Linh, 138 lô đất là tài sản của Ban Quản lý dự án phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp, du lịch biển huyện Vĩnh Linh sẽ được Công ty Đấu giá hợp danh Đất Việt tổ chức đấu giá quyền sử dụng vào sáng 27/1.
Trong số 138 lô đất, có 28 lô thuộc khu dân cư phố Phú Thị Đông, thị trấn Hồ Xá; 4 lô thuộc điểm dân cư thôn Tân Lập, xã Vĩnh Long; 10 ở các khu dân cư nhỏ lẻ xã Vĩnh Hòa; 12 lô tại các điểm dân cư khu vực 1, thôn Tiên An, xã Vĩnh Sơn; 42 lô thuộc khu đất phía Tây Bắc khu dân cư Hòa Lý Hải, thị trấn Cửa Tùng; 19 lô ở điểm dân cư nông thôn Tân An, xã Hiền Thành; 3 lô thuộc khu dân cư thôn Duy Viên, xã Vĩnh Lâm và 20 lô ở khu dân cư Mũi Lò Vôi, xã Kim Thạch.
Diện tích các lô đất từ 158,7-560,1 m2. Giá khởi điểm từ 177 triệu đến hơn 3,4 tỷ đồng/lô.
Hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp, phương thức trả giá lên. Buổi công bố giá sẽ diễn ra tại hội trường Ban Quản lý dự án, Phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp, du lịch biển huyện Vĩnh Linh.
Tại huyện Cam Lộ, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Quảng Trị sẽ tổ chức đấu giá quyền sử dụng 38 lô đất là tài sản của Ban Quản lý dự án, Phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp huyện Cam Lộ vào sáng 15/1.
Các lô đất đấu giá đều thuộc địa bàn thị trấn Cam Lộ. Diện tích từ 168-587 m2.
Giá khởi điểm từ hơn 665 triệu đến hơn 2,5 tỷ đồng/lô. Người tham gia đấu giá phải nộp trước 20% giá khởi điểm của từng lô.
Hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp, phương thức trả giá lên. Buổi công bố giá sẽ diễn ra tại hội trường UBND thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ.
Cũng ở huyện Cam Lộ, chiều 25/1, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Quảng Trị tiếp tục tổ chức đấu giá quyền sử dụng 9 lô đất là tài sản của Ban Quản lý dự án, Phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp huyện Cam Lộ.
Các lô đất đều thuộc khu dân cư thôn Tân Trang, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ.
Diện tích các lô đều là 240 m2. Giá khởi điểm 560 triệu đồng/lô.
Hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp, phương thức trả giá lên. Buổi công bố giá sẽ diễn ra tại hội trường UBND xã Cam Thành, huyện Cam Lộ.