Tín dụng bất động sản tập trung vào mục đích tiêu dùng, tự sử dụng chiếm 64% và dư nợ đối với hoạt động kinh doanh BĐS chiếm tỷ trọng 36% dư nợ tín dụng lĩnh vực BĐS. (Nguồn: Dân trí) |
Gỡ khó cho bất động sản, dư nợ tín dụng đã tăng 6,04%
Tại Hội nghị triển khai Công điện số 993/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ rà soát đánh giá tình hình thị trường bất động sản và tín dụng bất động sản diễn ra sáng 13/11, bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho biết: Tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với 31/12/2022, chiếm tỷ trọng 21,46% tổng dư nợ đối với nền kinh tế.
Trong đó, tín dụng BĐS tập trung vào mục đích tiêu dùng, tự sử dụng chiếm 64% và dư nợ đối với hoạt động kinh doanh BĐS chiếm tỷ trọng 36% dư nợ tín dụng lĩnh vực BĐS.
Tin liên quan |
Diễn biến mới nhất liên quan việc các hãng xe tải Ba Lan phong tỏa biên giới với Ukraine |
Bà Hà Thu Giang cho biết: “Tín dụng kinh doanh BĐS đã có sự tăng trưởng cao hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy các giải pháp, nỗ lực của Chính phủ, ngành Ngân hàng và các bộ, ngành, địa phương trong việc gỡ khó vướng mắc cho thị trường BĐS đang dần phát huy hiệu quá. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng tích cực triển khai cho vay theo các chương trình của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nhà ở”.
Tuy nhiên theo đại diện NHNN, thị trường BĐS vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó có vướng mắc kéo dài về hệ thống thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai, quy hoạch, đầu tư xây dựng; sự mất cân đối cung cầu tại các phân khúc, dư thừa nhà ở cao cấp, biệt thự trong khi nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ còn hạn chế.
Để góp phần thúc đẩy thị trường BĐS phát triển lành mạnh, bền vững, nhiều ý kiến tại Hội nghị cho rằng, cần thực hiện các giải pháp tổng thể với sự phối hợp của nhiều Bộ, ngành, địa phương nhằm tiếp tục xử lý, giải quyết các vướng mắc về thủ tục pháp lý với lĩnh vực BĐS; phát triển thị trường vốn trung – dài hạn; đồng thời tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại các văn bản như Nghị quyết 33/NQ-CP, Công điện số 993/CĐ-TTg.
Nguồn cung vẫn chủ yếu ở phân khúc “đắt tiền”
Trong 3 quý đầu của năm 2023, nguồn cung BĐS có xu hướng giảm rõ rệt. Đáng chú ý, nuồn cung trên thị trường chủ yếu thuộc phân khúc trung, cao cấp với mức giá không phù hợp với đa số người dân có nhu cầu ở thực.
Đây là thông tin được ông Hoàng Hải – Cục trưởng Cục phát triển Nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) chia sẻ tại Hội nghị tín dụng đối với BĐS và phát triển nhà ở diễn ra ngày 13/11 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Bộ Xây dựng khẳng định, tỷ lệ giao dịch BĐS hiện vẫn giảm mạnh so với các năm gần đây, khoảng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2021 và 2022, đặc biệt là về phân khúc nhà ở.
Nguồn cung tiếp tục xu hướng giảm dần, nhất là số lượng dự án nhà ở thương mại hoàn thành trên cả nước. Theo ông Hoàng Hải, việc triển khai đầu tư xây dựng các dự án BĐS đều gặp khó khăn, dẫn đến nguồn cung sụt giảm; cơ cấu sản phẩm nhà ở còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng nhu cầu nhà ở thương mại có giá phù hợp cho người thu nhập thấp.
Số dự án triển khai xây dựng trong quý III là 863 dự án, tương đương 442.453 căn. Con số này tăng 123.64% so với quý I nhưng vẫn giảm hơn 87% so với quý II. Trong số đó, chỉ có 15 dự án được cấp phép mới, tương đương 3.028 căn hộ, giảm 88,24% so với quý I. Cùng đó là 47 dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai với khoảng 8.208 căn, giảm hơn 90% so với quý I và 92% so với quý II.
Do có nhiều dự án đã được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp lý nên số lượng dự án được cấp phép đầu tư, được triển khai xây dựng tăng lên so với quý đầu của năm. Nhưng số lượng dự án BĐS đang triển khai xây dựng giảm so với quý trước đó là do nhiều dự án quy mô nhỏ đã được chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện để tránh việc chậm bàn giao nhà và gia tăng nguồn thu từ nghĩa vụ tài chính còn phải đóng theo hợp đồng mua bán của khách hàng. Nhiều chủ đầu tư dự án đã đẩy nhanh về tiến độ để hoàn thiện sản phẩm bắt đầu từ đầu quý III/2023.
Về nhà ở xã hội, lũy kế giai đoạn 2021- 2025, tính đến nay trên địa bàn cả nước đã có 465 dự án với quy mô 412.845 căn đã hoàn thành và đang được triển khai đầu tư xây dựng.
Số liệu trên cho thấy nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở giá bình dân còn hạn chế so với nhu cầu thực tế. Để đạt mục tiêu của Đề án đến năm 2025, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần phải quyết tâm hơn nữa, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp; thúc đẩy hoàn thành các dự án đang triển khai xây dựng…
Cùng với việc giám sát thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030", Bộ Xây dựng phối hợp với NHNN Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội để triển khai hiệu quả Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững cũng như gói hỗ trợ tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi kinh tế.
Giá BĐS tăng liên tục
Dữ liệu của Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) cho thấy, trong 10 năm qua, giá địa ốc đã tăng hàng chục lần. Riêng năm 2021, giá nhà bình quân đã tăng trưởng hai chữ số, thậm chí gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm trước. Lãi suất thấp cùng với lạm phát cao kỷ lục là những yếu tố góp phần làm giá nhà tăng mạnh, nhưng cốt lõi của vấn đề là tình trạng sụt giảm nguồn cung.
Đặc biệt, kể từ năm 2018 đến nay, chính sách liên quan đến nguồn vốn cùng các quyết định của cơ quan, ban ngành trong việc kiểm soát thị trường BĐS khiến nguồn cung nhà ở sụt giảm nghiêm trọng. Nhu cầu về nhà ở không ngừng tăng, gây "áp lực" lên nguồn cung, thúc đẩy giá BĐS liên tục thiết lập mặt bằng mới.
Liên quan tới vấn đề này, theo thông tin thống kê do các công ty nghiên cứu thị trường đưa ra thì xét trong giai đoạn dài từ năm 2015 đến nay, chỉ số tăng giá chung cư Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) đã vượt tốc độ tăng thu nhập của người dân. Sau 8 năm, giá chung cư TPHCM và Hà Nội đã tăng lần lượt là 82% và 56%, trong khi thu nhập của người dân khu vực thành thị chỉ tăng 39%.
Báo cáo mới đây của DKRA Group cho thấy, về mức giá bán căn hộ mới, TPHCM vẫn là nơi có mức giá đắt đỏ nhất khi mức giá thấp nhất là 58 triệu đồng/m2, cao nhất lên tới 312,7 triệu đồng/m2. Đứng ngay sau là Bà Rịa - Vũng Tàu, mức giá thấp nhất ghi nhận là 47,3 triệu đồng/m2, cao nhất là 51,3 triệu đồng/m2.
Mặt bằng giá bán trên thị trường sơ cấp không có nhiều biến động, nhưng trên thị trường thứ cấp, một số giao dịch vẫn ghi nhận mức giảm 50-150 triệu đồng/căn, tập trung ở những dự án chậm tiến độ bàn giao, hết thời gian ân hạn gốc, lãi vay.
Bên cạnh đó, theo ước tính của VARS, mỗi năm, Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 300.000 đơn vị nhà ở do phát sinh thêm các hộ gia đình thành thị mới, đặc biệt là từ nhu cầu "ra ở riêng" của thế hệ trẻ tách từ các đại gia đình.
Do sự thiếu hụt này, giá nhà sẽ còn tăng cao hơn. Dù vậy, sự thiếu hụt này không xảy ra ở tất cả các phân khúc, có nghĩa là không phải giá của tất cả loại hình BĐS sẽ bị tác động theo cùng một cách. Thực tế, tình trạng thiếu hụt nguồn cung chỉ xảy ra ở một số khu vực, phân khúc nhất định.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS - cho biết, BĐS là sản phẩm có tính nội địa hóa cao, giá sẽ tăng với tốc độ khác nhau ở các khu vực và thị trường khác nhau, chủ yếu phụ thuộc vào cán cân cung - cầu. Tuy nhiên, nhìn chung giá nhà có thể sẽ không tăng nhiều vào năm 2024.
Ông Võ Hồng Thắng - Phó giám đốc Nghiên cứu & Phát triển DKRA Group dự báo: "Thị trường sẽ có những chuyển biến tích cực vào cuối quý IV năm nay hoặc chậm nhất là vào nửa đầu năm 2024 nhờ vào việc lãi suất cho vay đang giảm và xu hướng tiếp tục giảm trong thời gian tới, cùng các chính sách tháo gỡ pháp lý bắt đầu có tín hiệu tốt".
Còn theo bà Nguyễn Hoài An - Giám đốc cấp cao chi nhánh Hà Nội, Trưởng bộ phận nghiên cứu và tư vấn phát triển CBRE - về dài hạn, thị trường BĐS Việt Nam vẫn trong xu hướng phát triển nhanh. Động lực lớn là đô thị hóa, nhu cầu nhà ở lớn và phát triển hạ tầng tiếp tục mạnh mẽ.
Do đó, giá BĐS nói chung sẽ vẫn có xu hướng đi lên, bất chấp có thể tạm thời chững lại do các tác động của chu kỳ kinh tế cũng như các vấn đề về pháp lý và nguồn vốn.
TPHCM gỡ khó nhiều dự án
UBND TPHCM vừa có báo cáo về tình hình tháo gỡ khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy thị trường BĐS.
Một dự án BĐS được chọn gỡ vướng ở TPHCM. (Nguồn: Báo XD) |
Theo đó, đối với các kiến nghị tháo gỡ vướng mắc dự án BĐS do doanh nghiệp trực tiếp gửi UBND Thành phố Hồ Chí Minh hay do Tổ công tác tháo gỡ vướng mắc của Chính phủ chuyển đến, đa phần đều nằm trong 189 kiến nghị tại 148 dự án mà Hiệp hội BĐS Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) đã tổng hợp, kiến nghị UBND TPHCM thời gian qua. Đến nay, UBND Thành phố đã chỉ đạo các sở ngành giải quyết được 52 kiến nghị tại 44 dự án.
Đối với 30 kiến nghị tại 30 dự án liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Sở Tài nguyên Môi trường đang tiếp tục rà soát, đẩy nhanh tiến độ giải quyết theo chương trình giám sát của HĐND Thành phố.
Hiện, UBND Thành phố đã chia các kiến nghị thành 5 nhóm để giải quyết, gồm: nhóm 1 là vướng mắc thủ tục đầu tư (48 dự án, 71 kiến nghị); nhóm 2 là vướng mắc do thanh tra, điều tra, rà soát pháp lý (21 dự án, 22 kiến nghị); nhóm 3 là vướng đất công, doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa (15 dự án, 21 kiến nghị); nhóm 4 là nhóm các sở ngành đã có văn bản giải quyết (44 dự án, 52 kiến nghị) và nhóm 5 là nhóm các dự án đã xây dựng hoàn thành, vướng mắc về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (30 dự án, 30 kiến nghị).
UBND TPHCM cho biết: Trong thời gian tới sẽ tập trung giải quyết cho nhóm 1, 5 (36 dự án, 43 kiến nghị) còn lại Thành phố sẽ theo dõi, tiếp tục xử lý khi có kết luận/bản án có hiệu lực pháp luật hay sau khi có ý kiến của bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Đối với các dự án do Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ chuyển đến TPHCM đề nghị xem xét, giải quyết gồm 70 kiến nghị của 70 dự án. Thành phố đã tổ chức họp và xem xét khoảng 31 kiến nghị. Trong đó, có một số dự án UBND Thành phố đã tổ chức họp tháo gỡ, họp Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố và đã cơ bản tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể, đồng ý cho chủ trương bán 50% sản phẩm căn hộ tại dự án Gotec Land ở quận 7; dự án của Gamuda Land ở quận Tân Phú; dự án của Quốc Lộc Phát ở Thành phố Thủ Đức…
| Giá vàng hôm nay 14/11/2023: Giá vàng nằm im chờ thời, nhu cầu trú ẩn an toàn hạ nhiệt, vàng SJC có động thái bất ngờ Giá vàng hôm nay 14/11/2023, Giá vàng biến động trong phạm vi hẹp ở gần mức thấp nhất trong 3 tuần. Thị trường yên tĩnh ... |
| Gói trừng phạt thứ 12 nhằm vào Nga: EU đang hoàn thiện các chi tiết cuối cùng, dự kiến thời điểm phê duyệt Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022, Liên minh châu ÂU (EU) đã áp đặt ... |
| Bất động sản mới nhất: Một phân khúc chưa bao giờ hết ‘hot’; Bình Định đấu giá, đấu thầu 30 dự án; quy định căn cứ tính tiền sử dụng đất Tỷ lệ giao dịch thành công phân khúc nghỉ dưỡng chỉ đạt 10%, bất động sản công nghiệp không hề ‘hạ nhiệt’, quy định căn ... |
| Bất động sản mới nhất: Hà Nội quy hoạch 7 ô đất làm trường học công lập, Hải Phòng kêu gọi đầu tư dự án hơn 1.900 tỷ đồng Hà Nội duyệt nhiệm vụ quy hoạch 7 ô đất quận Hoàng Mai làm trường học công lập, Bộ Xây dựng cho ý kiến về ... |
| Giá tiêu hôm nay 14/11/2023, xuất hiện tín hiệu tích cực, có thể lấy lại mốc quan trọng, dự báo thị trường năm 2024 Giá tiêu hôm nay 14/11/2023 tại thị trường trong nước đi ngang ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 66.000 – 69.500 ... |