📞

Bất động sản mới nhất: Homestay nhận ‘trái đắng’; Thái Nguyên dừng 11 dự án; thủ tục chuyển đất thổ canh sang thổ cư

Hoàng Nam 08:29 | 07/09/2021
Homestay điêu đứng bán tháo vì Covid-19; Thái Nguyên dừng 11 dự án; Bà Rịa – Vũng Tàu sắp đấu giá khu đất ‘vàng’ gần 22 ha... là những tin bất động sản mới nhất.
Năm 2019, theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường AirDNA, thị trường kinh doanh bất động sản homestay tại Việt Nam tăng trưởng nóng với tốc độ 452% về số lượng nguồn cung chỗ ở chỉ trong một năm. (Ảnh minh họa - Nguồn: dulichdaiduong.vn)

Chủ homestay điêu đứng, cắt lỗ hàng tỷ đồng

Theo Vietnamnet, khảo sát trên các trang mua bán nhà đất, dễ dàng bắt gặp hàng loạt thông tin rao bán, sang nhượng, cắt lỗ homestay được đăng tải dày đặc. Với từ khóa "rao bán homestay", chỉ sau vài giây đã có hàng trăm nghìn thông tin rao bán, với nhiều loại hình và giá bán khác nhau.

Cách đây vài năm, giai đoạn 2017 - 2019, tốc độ phát triển nhanh chóng của du lịch Việt Nam kéo theo sự tăng trưởng mạnh mẽ trong nguồn cầu lưu trú. Nhiều người nhanh chóng nắm bắt cơ hội tham gia vào thị trường kinh doanh homestay tạo ra doanh thu khoảng 130 triệu USD trong năm 2018.

Đến năm 2019, theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường AirDNA, thị trường kinh doanh homestay tại Việt Nam tăng trưởng nóng với tốc độ 452% về số lượng nguồn cung chỗ ở chỉ trong một năm. Các tỉnh, thành phố có doanh thu lớn nhất về homestay là TP. HCM, Đà Nẵng, Hà Nội, Lâm Đồng, Khánh Hòa….

Thế nhưng, nhiều homestay mới chỉ ăn nên làm ra trong thời gian ngắn, thì năm 2020 dịch Covid-19 bùng phát đã khiến họ nhanh chóng nhận "trái đắng".

Gần như "kiệt sức" sau 3 đợt dịch, đợt dịch lần thứ 4 là "đòn chí mạng" khiến nhiều nhà đầu tư không thể chống đỡ được nữa. Thị trường bắt đầu chứng kiến làn sóng "tháo chạy" khỏi homestay, đua nhau bán gấp, bán cắt lỗ, giảm giá sâu…

Kinh doanh homestay chủ yếu phục vụ khách du lịch. Do diễn biến phức tạp của dịch Covid- 19, Việt Nam chưa mở cửa du lịch quốc tế dẫn đến lượng khách nước ngoài giảm mạnh.

Theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê, tính chung 6 tháng đầu năm khách quốc tế đạt 88,2 nghìn lượt người, giảm 97,6% so với cùng kỳ năm trước. Du lịch nội địa cũng kém sôi động do tác động của dịch bệnh.

Trên một trang web mua bán bất động sản, căn homestay tại đường Tô Ngọc Vân, phường 2, Đà Lạt, cách trung tâm hồ Xuân Hương chỉ 5 phút đi xe máy có diện tích 4x20m được rao bán với giá 10,7 tỷ đồng.

Trên website của một sàn bất động sản tại Đà Lạt, có hẳn danh sách hàng loạt các homestay cần bán gấp được ký gửi tại sàn, mức giá dao động từ vài tỷ cho tới 30 - 40 tỷ đồng.

Tin rao bán homestay trên mạng internet (Nguồn: DT)

Tại xã Ninh Hải (huyện Hoa Lư, Ninh Bình) nơi có khoảng 100 homestay, tình trạng các chủ homestay ồ ạt rao bán đã diễn ra gần một năm nay. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, người bán thì nhiều nhưng người mua thì rất ít, từ cuối năm 2020 đến nay chính quyền xã mới chỉ tiếp nhận 2 hồ sơ mua bán, chuyển nhượng các homestay.

Theo giới trong ngành nhận định, mua homestay trong thời điểm này là có lợi về giá. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, khách khó đi xem thực tế, nếu có mua cũng không kinh doanh ngay được. Vì thế, những nhà đầu tư vốn ít thì không dám liều, người

Thái Nguyên ‘khai tử’ 11 dự án

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên vừa ký ban hành các văn bản chấm dứt hiệu lực Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư, văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư của 11 dự án sử dụng vốn đầu tư ngoài ngân sách, khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn tỉnh.

Được biết, đây đều là những dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đầu tư tại Thái Nguyên.

Trước đó, thực hiện Chỉ thị số 04 ngày 26/4/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý các dự án sử dụng vốn đầu tư ngoài ngân sách, đặc biệt là các dự án khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra, Kế hoạch kiểm tra các dự án sử dụng vốn đầu tư ngoài ngân sách, các dự án khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Theo Kế hoạch đã ban hành, Đoàn kiểm tra đã chia thành 4 tổ, tiến hành rà soát, kiểm tra thực tế tại 114 dự án đầu tư sử dụng vốn đầu tư ngoài ngân sách, các dự án khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn tỉnh.

Nội dung kiểm tra tập trung vào việc triển khai thực hiện dự án đầu tư; việc chấp hành các quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, đấu thầu, đất đai, khoáng sản, bảo vệ môi trường, doanh nghiệp, kinh doanh bất động sản; thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với các nội dung trong triển khai thực hiện dự án.

Thời kỳ kiểm tra các dự án đầu tư từ khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định chấp thuận đầu tư đến thời điểm ngày 30/4/2021 và những nội dung liên quan đến trước và sau thời kỳ kiểm tra.

Đây là lần thứ 3 tỉnh Thái Nguyên thành lập Đoàn kiểm tra các dự án sử dụng vốn đầu tư ngoài ngân sách, các dự án khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn. Hai lần trước được thực hiện vào các năm 2016 và 2018.

Trên cơ sở kết quả rà soát, tổng hợp kết quả kiểm tra của Đoàn kiểm tra, Chủ tịch UBND tỉnh đã xem xét, ban hành văn bản chấm dứt hiệu lực Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư, văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư của 11 dự án.

Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan thực hiện các thủ tục thu hồi theo đúng quy định của pháp luật.

11 dự án bị dừng đầu tư tại Thái Nguyên. (Nguồn: Vietnamnet)

Bà Rịa - Vũng Tàu sắp đấu giá gần 22ha đất "vàng"

Ngày 6/9, ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, đã ký văn bản số 11909/UBND-VP gửi các đơn vị, gồm Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT), Kế hoạch Đầu tư, UBND TP.Vũng Tàu, Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh về đảm bảo đúng tiến độ thực hiện việc đấu giá khu đất rộng 21,7ha tại mũi Nghinh Phong, phường 2, TP. Vũng Tàu.

Theo đó, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phê duyệt điều chỉnh thời gian kế hoạch thực hiện các thủ tục đấu giá khu đất nói trên vào tháng 9/2022. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị căn cứ nhiệm vụ được phân công để triển khai, đảm bảo tiến độ đã duyệt.

Cụ thể, lộ trình thực hiện dự án khu đất Mũi Nghinh Phong theo kế hoạch là từ tháng 8/2021-4/2022, Bộ Quốc phòng sẽ thống nhất chủ trương bàn giao Trạm biên phòng 518. Trong thời gian này, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với Sở TN&MT và UBND TP. Vũng Tàu để lập, thẩm định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 và chủ trương đầu tư.

Từ tháng 5-7/2022, Sở TN&MT tiếp tục chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và UBND TP.Vũng Tàu khảo sát giá đấy, xây dựng giá khởi điểm và bước giá của khu đất để trình UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu quyết định.

Đến tháng 8-9/2022, đơn vị tổ chức đấu giá sẽ phối hợp với Sở TN&MT thực hiện việc đấu giá khu đất 21,7ha tại mũi Nghinh Phong.

Khu vực mũi Nghinh Phong là địa điểm du lịch nổi tiếng ở TP.Vũng Tàu, khi trước mặt có biển sau lưng có núi. Đến đây, ngoài việc ngắm nhìn khung cảnh nên thơ của thiên nhiên, du khách còn có thể ngắm nhìn chiếc Cổng trời, cắm trại qua đêm và tận hưởng nhiều điều thú vị khác.

Mũi Nghinh Phong, Bà Rịa-Vũng Tàu. (Nguồn: BXD)

Thủ tục chuyển đất thổ canh sang thổ cư năm 2021

Đất thổ canh là đất nông nghiệp để canh tác nên thuộc nhóm đất sử dụng có thời hạn 50 năm hoặc dưới 50 năm.

Hồ sơ xin chuyển đất thổ canh sang thổ cư gồm: Đơn theo mẫu số 01; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ hồng, sổ đỏ).

Thủ tục nộp hồ sơ như sau: Hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa ở cấp huyện để chuyển cho Phòng Tài nguyên và Môi trường hoặc nộp trực tiếp tại Phòng Tài nguyên và Môi trường.

Sau khi hồ sơ đầy đủ, người tiếp nhận sẽ ghi vào sổ và hẹn thời gian trả kết quả. Trường hợp chưa đủ giấy tờ, cơ quan tiếp nhận sẽ hướng dẫn bổ sung thêm.

Thời gian trả kết quả không quá 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; không quá 25 ngày đối với các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

(tổng hợp)