Thị trường bất động sản thời gian qua cho thấy tín hiệu tích cực hơn đối với việc tiếp cận nguồn vốn từ cả doanh nghiệp và khách hàng. (Ảnh: H.A) |
Các ‘ông lớn’ nhận định về thị trường
Tại cuộc họp thường niên với cổ đông, các lãnh đạo doanh nghiệp lớn đưa ra những dự báo, nhận định về thị trường BĐS năm nay với cơ hội đan xen thách thức.
Đánh giá thị trường BĐS năm nay, ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Vinhomes, cho rằng, điểm sáng là 3 luật liên quan đến BĐS được Quốc hội thông qua sẽ giúp thị trường minh bạch, rõ ràng hơn. Tuy nhiên, để các luật này ảnh hưởng tích cực tới thị trường, ông nói cần chờ các nghị định hướng dẫn thi hành có hiệu lực.
Bà Nguyễn Thu Hằng, Tổng giám đốc Vinhomes, đánh giá thị trường sẽ hồi phục nhưng không thực sự nhanh như kỳ vọng.
Cũng theo bà Hằng, thị trường thời gian qua cho thấy tín hiệu tích cực hơn đối với việc tiếp cận nguồn vốn từ cả doanh nghiệp và khách hàng. Khách hàng mua nhà hiện được hỗ trợ lãi suất tốt hơn so với trước, lãi suất cố định trong 2 năm đầu ở mức 6-6,5%/năm. Điều này tạo điều kiện và niềm tin cho người mua nhà quay trở lại thị trường.
Còn với Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long, ông Nguyễn Xuân Quang - Chủ tịch HĐQT nêu ra cả cơ hội và thách thức.
Ông Quang phân tích, thách thức đầu tiên liên quan đến thị trường và sản phẩm. Thị trường lệch pha cung cầu tại các phân khúc BĐS khác nhau, khủng hoảng niềm tin kéo theo vấn đề thanh khoản giảm và hàng tồn kho tăng.
Thứ 2 là thách thức về tài chính khi các khoản nợ vẫn còn, các lô trái phiếu dù được gia hạn nhưng sẽ vẫn còn dai dẳng trong năm 2024 và 2025. Thứ 3 là thách thức về pháp lý dự án khi hiện nay một số luật vẫn còn chồng chéo.
Tuy nhiên, theo ông, thị trường cũng mở ra nhiều cơ hội khác nhau như nhu cầu ở thực cao, các phân khúc nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội phát triển. Lãi suất cho vay giảm, còn thấp hơn trước Covid-19 và cạnh tranh với nhiều quốc gia khác nên rất hấp dẫn.
Đặc biệt, các luật mới liên quan BĐS vừa được ban hành. Chính phủ rất nỗ lực trong việc kiến tạo, tháo gỡ, thúc đẩy các vướng mắc của thị trường để hướng đến phát triển bền vững.
Đối với Tập đoàn Đất Xanh, doanh nghiệp có nhiều dự án tại TPHCM, Đồng Nai, ông Lương Trí Thìn - Chủ tịch HĐQT - cho rằng sau khi kết thúc Covid-19, nền kinh tế bị suy giảm và ảnh hưởng đến thị trường BĐS.
Sau Tết vừa qua, thị trường bắt đầu có dấu hiệu hồi phục tích cực. Sản phẩm căn hộ trong quý I đã có giao dịch trở lại, tuy không cao bằng các năm trước nhưng so với hai quý cuối năm 2023 và quý I/2023 thì số lượng giao dịch đã cao gấp đôi, đặc biệt ở Hà Nội gấp 3 lần.
Với tình hình chung như vậy, ông Thìn nhận thấy thị trường vẫn có những điểm tích cực như vẫn còn khan hiếm nguồn cung trung bình khá; nhu cầu người dân về nhà ở vẫn còn rất lớn; dòng tiền giá rẻ hiện nay đang rất tốt, nhiều khách hàng vay với thời hạn 20 năm thì lãi suất cố định trong 3 năm chỉ từ 5-6%/năm.
Ở mức độ tổng quan, thị trường chung năm nay sẽ khởi sắc và năm 2025 sẽ có chuyển biến tích cực.
Chung cư giảm nhiệt, nhà đầu tư đổ tiền gom đất nền vùng ven
Giá căn hộ chung cư tăng liên tục trong nhiều năm qua và tăng đột biến trong những tháng đầu năm nay. Thông tin thị trường mới đây, ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) - cho biết, giá bán trung bình một số dự án tại Hà Nội và TPHCM dao động khoảng 50-70 triệu đồng/m2.
Cũng theo ông Hải, tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư rao bán ghi nhận tăng liên tục trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Đáng chú ý, có những dự án chung cư đã đi vào sử dụng 5-10 năm, thậm chí nhà tập thể cao tầng cũ cũng được đẩy giá khá cao.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Xây dựng nhận xét, một số chung cư có giá tăng đột biến rất ít giao dịch và gần như không phát sinh giao dịch.
Thực tế, giá căn hộ chung cư bị đẩy cao khiến nhiều nhà đầu tư và cả người mua ở thực cũng "chùn tay". Không ít người quyết định dừng việc mua bán căn hộ chung cư thời điểm này.
Giá neo cao và nguồn cung căn hộ chung cư ở Hà Nội thời điểm này cũng khan hiếm khiến không ít nhà đầu tư ngán ngẩm không muốn đổ tiền vào phân khúc này. Người có kinh nghiệm sẽ tận dụng thời điểm này để gom đất nền vùng ven.
Nhiều nhà đầu tư đang chuyển hướng sang phân khúc đất nền, nhà riêng. Lý do là đất nền ven đô vẫn có những "điểm trũng" về giá, việc đầu tư thích hợp hơn căn hộ chung cư trong thời điểm này. Tuy nhiên, cần lựa chọn đầu tư những sản phẩm có pháp lý, quy hoạch rõ ràng và tiềm năng tăng giá từ hạ tầng tốt.
Thị trường đất nền đang có xu hướng tăng nóng thời gian gần đây. Báo cáo thị trường BĐS quý I vừa qua và dự báo quý II này của Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) cho thấy, nhiều khu vực quận, huyện ngoại thành Hà Nội đang có mức giá đất nền tăng đột biến, nhất là những lô đất đã tách thửa.
So với quý IV/2023, giá phân khúc đất nền tăng khoảng 5%, riêng thị trường ven Hà Nội và gắn liền khu công nghiệp có mức tăng 10-20%.
"Giá đất nền ở nhiều nơi đã ngừng giảm. Các sản phẩm đất nền giá dưới 2 tỷ đồng tại vùng ven trung tâm, tại các tỉnh, thành phố, có pháp lý đảm bảo, hạ tầng, tiện ích có sẵn, ghi nhận mức giá tăng lên tới 40% so với thời điểm thị trường khó khăn nhất", trích báo cáo của VARS.
Đơn vị này cũng đưa ra cảnh báo nhà đầu tư cần hết sức lưu ý trước khi xuống tiền mua đất nền thời điểm này, nên tìm hiểu kỹ mức giá phân khúc để tránh hình thành các cơn "sốt ảo", gây nguy cơ mất an toàn, khi thị trường còn đang trong tiến trình hồi phục.
Nhận định về thị trường BĐS năm nay, không ít chuyên gia cho rằng, "đất nền vẫn là vua" để đầu tư dài hạn. Những nhà đầu tư sẵn "vốn thịt" hoặc dùng đòn bẩy tài chính thấp có thể cân nhắc xuống tiền.
Dù nhận định đây là thời điểm thích hợp để cân nhắc xuống tiền, nhưng, chuyên gia cũng khuyến cáo nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ lưỡng để tránh rơi vào "bẫy" giảm giá.
Thu hồi hơn 1.400ha đất tại huyện Yên Dũng, Bắc Giang
Theo kế hoạch sử dụng đất năm 2024 huyện Yên Dũng vừa được UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt, địa phương này sẽ tiến hành thu hồi 1.411,45 ha đất trong năm nay.
Cụ thể, huyện Yên Dũng sẽ thu hồi 1.360,23ha đất nông nghiệp, trong đó, diện tích đất trồng lúa cần được thu hồi là 1.111,93ha, đất trồng cây hàng năm khác là 20,47ha, đất trồng cây lâu năm là 208,62ha, đất nuôi trồng thủy sản là 19,21ha, đất phi nông nghiệp là 51,23ha. Các xã có nhiều diện tích bị thu hồi là Tiền Phong (32ha), Yên Lư (221,2ha), thị trấn Tân An (124,66ha), thị trấn Nham Biền (109,53ha)…
Một góc thị trấn Nham Biền, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. (Nguồn: Báo XD) |
UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu UBND huyện Yên Dũng chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của các nội dung thông tin, số liệu, tài liệu, hệ thống bản đồ, cơ sở dữ liệu trong hồ sơ kế hoạch sử dụng đất năm 2024 được phê duyệt; về sự phù hợp của thông tin, số liệu trong kế hoạch trên với điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và các quy định của pháp luật khi đề xuất danh mục các công trình, dự án trên địa bàn.
Hoàn thành việc đăng tải toàn bộ hồ sơ kế hoạch sử dụng đất năm 2024 được phê duyệt trên cổng/trang thông tin điện tử của UBND huyện Yên Dũng, đồng thời tổ chức công bố, công khai nội dung kế hoạch trên theo quy định của pháp luật.
UBND tỉnh Bắc Giang cũng yêu cầu huyện Yên Dũng thực hiện công tác quản lý đất đai, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất theo đúng kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt; triển khai thực hiện các công trình, dự án đảm bảo theo quy định của pháp luật. Tổ chức kiểm tra, đôn đốc thường xuyên việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất năm 2024 đối với UBND cấp xã.
Thủ tục về giao đất, cho thuê đất đối với dự án đầu tư lấn biển
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 42/2024/NĐ-CP về hoạt động lấn biển. Theo đó, khu vực biển được xác định để lấn biển phải được xác định cụ thể vị trí, diện tích, ranh giới, tọa độ theo quy định của pháp luật về đo đạc và bản đồ. Việc xác định khu vực biển để lấn biển đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải bảo đảm các nguyên tắc quy định tại Luật Đất đai năm 2024.
Nghị định nếu rõ, đối với dự án đầu tư lấn biển hoặc dự án đầu tư có hạng mục lấn biển bằng nguồn vốn đầu tư công thì trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 68 Nghị định 43/2014/NĐ-CP. Trường hợp dự án đầu tư lấn biển hoặc dự án đầu tư có hạng mục lấn biển để phát triển quỹ đất thì sau khi hoàn thành lấn biển và được nghiệm thu theo quy định, chủ đầu tư dự án lấn biển phải bàn giao toàn bộ diện tích đất lấn biển, công trình xây dựng (nếu có) cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để thực hiện giao đất, cho thuê đất cho các tổ chức, cá nhân sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai.
Đối với dự án đầu tư lấn biển hoặc dự án đầu tư có hạng mục lấn biển bằng nguồn vốn Nhà nước ngoài đầu tư công và dự án sử dụng vốn khác thì trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất như sau: Trường hợp giao đất, cho thuê đất thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất thì thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại khoản 5 Điều 68 Nghị định 43/2014/NĐ-CP và khoản 21 Điều 1 Nghị định 148/2020/NĐ-CP;
Trường hợp giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc trường hợp được chấp thuận nhà đầu tư theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Luật Đầu tư 2020 thì được áp dụng theo trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất quy định tại khoản 3 Điều 68 Nghị định 43/2014/NĐ-CP;
Trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất thì thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại khoản 3 Điều 68 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.
Chủ đầu tư dự án đầu tư lấn biển hoặc dự án đầu tư có hạng mục lấn biển khi nộp hồ sơ xin giao đất, cho thuê đất, giao khu vực biển kèm theo dự án đầu tư lấn biển hoặc hạng mục lấn biển của dự án đầu tư đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất đồng thời với giao khu vực biển để lấn biển. Chủ đầu tư dự án đầu tư lấn biển hoặc dự án đầu tư có hạng mục lấn biển không phải nộp tiền sử dụng khu vực biển để thực hiện hoạt động lấn biển.
Thời điểm xác định người sử dụng đất phải đưa đất vào sử dụng tính từ ngày có thông báo chấp thuận kết quả nghiệm thu đối với toàn bộ hoặc từng phần diện tích đã hoàn thành lấn biển theo tiến độ của dự án đầu tư lấn biển hoặc hạng mục lấn biển trong dự án đầu tư.