📞

Bất động sản mới nhất: Nhà đầu tư và giới đầu cơ ‘nằm chờ’, 10 doanh nghiệp sẽ bị thanh tra, dừng triển khai 5 dự án ở Hải Dương

Hải An 08:35 | 26/11/2022
Chuyên gia nhận về sự trầm lắng của thị trường, danh sách 10 doanh nghiệp có dự án bị thanh tra ở Đồng Nai, Hải Dương dừng triển khai các dự án của Tập đoàn FLC… là những tin bất động sản (BĐS) mới nhất.
Với chính sách kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực bất động sản, dòng vốn trên thị trường đang gặp khó, đồng thời lãi suất tăng khiến nhà đầu tư do dự hơn trong các quyết định xuống tiền. (Ảnh: BXD)

Có lúc cần phải chấp nhận cắt lỗ

Theo dữ liệu của Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS), nguồn cung BĐS có xu hướng giảm rõ rệt, giao dịch cũng trở nên trầm lắng.

Cụ thể, với chính sách kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực BĐS, dòng vốn trên thị trường đang gặp khó, đồng thời lãi suất tăng khiến nhà đầu tư do dự hơn trong các quyết định xuống tiền. Điều này đã khiến không ít doanh nghiệp BĐS phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động để duy trì hoạt động.

Nhìn lại thị trường BĐS năm nay, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho biết, nguồn cung và cầu đều giảm mạnh thời gian qua.

Câu chuyện cấp phép, xin các dự án mới đều giảm. Trong khi đó, giá lại đi ngang, có giảm nhẹ với đất nền hoặc tăng nhẹ với căn hộ... Nhà đầu tư và giới đầu cơ đều không muốn lỗ nên đa số hiện nay đều "nằm chờ".

Bên cạnh đó, theo ông Lực, chi phí bỏ ra để đầu tư không hề nhỏ, nếu như bây giờ cắt lỗ thì sẽ rất nguy hiểm. Tuy nhiên, có những lúc cũng phải chấp nhận cắt lỗ còn hơn là mất hết.

"Lượng giao dịch và khả năng hấp thụ cũng giảm mạnh, doanh thu sụt giảm. Tái cấu trúc, sàng lọc, mua bán sáp nhập diễn ra. Tác động này lan sang cả các lĩnh vực khác khá rõ nét, ví dụ như chứng khoán, nguyên vật liệu, xây dựng…", ông Lực nhấn mạnh.

Phân tích về nguyên nhân chính của sự sụt giảm thị trường BĐS, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, có 6 thành tố chi phối và tác động đến thị trường BĐS. Đó là tài chính, quy hoạch và cơ sở hạ tầng, tính pháp lý, thông tin, dữ liệu, tính minh bạch, mối quan hệ cung cầu và giá, kinh tế vĩ mô.

"Nếu chúng ta đánh giá nguyên nhân sụt giảm hay tăng mạnh thì cũng đều phải xoay quanh 6 thành tố này. Trong đó có những cái trước mắt và có cả những cái lâu dài", ông Lực nói và hy vọng thị trường trong năm tới sẽ phục hồi dần.

10 doanh nghiệp có dự án BĐS tại Đồng Nai sẽ bị thanh tra

Ngày 23/11, đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai để công bố Quyết định số 3145/QĐ-BTNMT về thanh tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường tại tỉnh này.

Theo kế hoạch, đoàn sẽ thanh tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên và môi trường đối với UBND tỉnh và 10 doanh nghiệp. Đoàn cũng thanh tra chấp hành pháp luật về đất đai đối với 3 địa phương cấp huyện gồm TP Long Khánh, huyện Long Thành, huyện Nhơn Trạch.

Trong số 10 doanh nghiệp có dự án thì 4 dự án tại các huyện, 6 dự án tại TP Biên Hòa.

Các doanh nghiệp có 4 dự án tại huyện gồm dự án tại xã Giang Điền (huyện Trảng Bom) của Công ty cổ phần Đầu tư LDG, dự án tại thị trấn Long Thành (huyện Long Thành) của Công ty cổ phần Long Thành Riverside, dự án tại xã Phước An (huyện Nhơn Trạch) của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Quang Vinh, dự án tại xã Long Đức (huyện Long Thành) của Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh BĐS Hà An.

6 dự án còn lại nằm ở thành phố Biên Hòa nằm trong danh sách gồm dự án tại phường Tam Phước của Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh nhà Phước Thái, dự án tại xã Long Hưng của Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh BĐS Long Hưng Phát, dự án tại xã Long Hưng của Công ty cổ phần Southern Golden Land, dự án tại phường Tam Phước của Công ty TNHH Đầu tư địa ốc Thành Nhơn, dự án tại phường Tam Phước của 2 công ty là Công ty TNHH BĐS Gia Đức và Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển BĐS Đại Phát.

Hải Dương dừng triển khai các dự án của FLC

Ngày 14/11, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương ra thông báo dừng tiếp nhận tài trợ kinh phí lập quy hoạch xây dựng và nghiên cứu đề xuất đầu tư của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai, thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Với thông báo này, tất cả đề xuất của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC trên địa bàn tỉnh Hải Dương đều phải dừng triển khai.

Trước đó, trong các năm 2020, 2021, UBND tỉnh Hải Dương đã đồng ý chủ trương về việc Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC tài trợ kinh phí lập 5 đồ án quy hoạch, gồm: Quy hoạch phân khu xây dựng khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, thể thao và vui chơi giải trí Hồ Bến Tắm tại các xã Bắc An, Hoàng Hoa Thám và phường Bến Tắm, thành phố Chí Linh; quy hoạch phân khu xây dựng khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, thể thao và vui chơi giải trí cồn Vĩnh Trụ tại xã Đồng Lạc, thành phố Chí Linh;

Quy hoạch xây dựng điều chỉnh khu đô thị mới Bắc cầu Hàn, thuộc huyện Nam Sách và thành phố Hải Dương; quy hoạch phân khu xây dựng khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, thể thao, vui chơi giải trí ven sông Thái Bình, thành phố Hải Dương và quy hoạch chi tiết xây dựng tổ hợp công trình Trung tâm Văn hóa, dịch vụ, thương mại, khách sạn và nhà phố tại khu vực trung tâm thành phố Hải Dương.

Trong phiên họp ngày 10/11/2022, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Hải Dương đã báo cáo và đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương chấp thuận chủ trương dừng việc tiếp nhận tài trợ kinh phí lập quy hoạch đối với các đồ án quy hoạch xây dựng của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC trên địa bàn tỉnh.

Các địa phương liên quan có trách nhiệm bố trí kinh phí từ ngân sách Nhà nước để tổ chức lập quy hoạch xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Trường hợp các địa phương có nhu cầu kêu gọi tài trợ kinh phí lập quy hoạch xây dựng thì thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng, Sở Tài chính và các quy định khác liên quan…

Hồ Bến Tắm thuộc địa bàn thành phố Chí Linh – một trong những khu vực được Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC đề xuất tài trợ kinh phí lập quy hoạch. (Nguồn: Vneconomy)

Kiên quyết thu hồi nhà chuyên dùng sử dụng không đúng quy định

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước sử dụng vào mục đích kinh doanh, dịch vụ, trụ sở làm việc và các mục đích khác không phải để ở trên địa bàn thành phố.

Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện còn 838 địa điểm nhà thuộc sở hữu Nhà nước sử dụng vào mục đích kinh doanh, dịch vụ, trụ sở làm việc và các mục đích khác không phải để ở (gọi là quỹ nhà chuyên dùng).

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay, có 801 địa điểm (803 hợp đồng) tập trung chủ yếu tại 4 quận nội thành: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa do Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội quản lý cho thuê; các địa điểm còn lại do UBND quận Hà Đông, UBND thị xã Sơn Tây và Công ty TNHH MTV Kinh doanh và Dịch vụ nhà Hà Nội quản lý, sử dụng cho thuê.

Qua rà soát, kiểm tra của các đơn vị chức năng, UBND thành phố Hà Nội cho biết, thời gian qua, việc quản lý nhà nước đối với quỹ nhà chuyên dùng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế kéo dài. Nhiều trường hợp sai phạm phải xử lý theo quy định của pháp luật; hiệu quả sử dụng, hiệu quả kinh tế thấp không tương xứng với giá trị và số lượng nhà đất.

Để khắc phục những tồn tại và bất cập, nhất là tình trạng khai thác, sử dụng quỹ nhà chuyên dùng sai mục đích, UBND TP. Hà Nội yêu cầu các sở ngành chức năng, đơn vị liên quan phải đổi mới việc quản lý theo phương châm "rõ người - rõ việc - rõ trách nhiệm - rõ quy trình - rõ hiệu quả".

Theo đó, tập trung hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, phòng, chống thất thoát, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xử lý, khắc phục dứt điểm các tồn tại, hạn chế nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ nhà chuyên dùng trên địa bàn Thủ đô.

Theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn, trước mắt, phải thống kê, phân loại quỹ nhà chuyên dùng theo nhóm và mức độ vi phạm; lập kế hoạch xử lý, khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế. Đặc biệt, trong năm 2023, các ngành chức năng phải hoàn thành việc truy thu các khoản nghĩa vụ tài chính còn nợ đọng và thu hồi toàn bộ các địa điểm nhà, đất bị chiếm dụng, cho thuê trái phép.

Thành phố yêu cầu các sở, ngành, UBND các quận, huyện tăng cường thanh tra, kiểm tra định kỳ, chuyên đề và đột xuất để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các vi phạm theo quy định pháp luật; đồng thời, tham mưu, kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh những bất cập trong cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng quỹ nhà chuyên dùng.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn nhấn mạnh, nếu phát hiện các trường hợp vi phạm, các sở, ngành phải làm rõ trách nhiệm; tùy theo mức độ vi phạm, các sở, ngành xử lý trách nhiệm hoặc đề xuất xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân, vi phạm, để xảy ra vi phạm, trách nhiệm của người đứng đầu.

Đối với các trường hợp vi phạm phải xử lý hình sự thì chuyển Công an thành phố điều tra, xử lý đối với tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

(tổng hợp)