📞

Bất động sản mới nhất: Nhiều chủ đầu tư, sàn giao dịch điêu đứng; không thể tránh khỏi ‘làn sóng’ cắt lỗ; viên chức có thể được bố trí nhà ở công vụ

Hải An 09:34 | 08/11/2022
Thị trường khó khăn, nhà đầu tư chật vật tìm cách tồn tại, HoREA nêu giải pháp gỡ khó, nhận định xu hướng cuối năm 2022 và đầu 2023… là những tin bất động sản (BĐS) mới nhất.
Trong bối cảnh thị trường BĐS trầm lắng và có nguy cơ rơi vào suy thoái, các doanh nghiệp địa ốc đang đối mặt với vô vàn khó khăn. (Ảnh: Hà Phong)

Thị trường khó trăm bề

Có thể nói, từ đầu năm đến nay, thị trường BĐS cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng đã rơi vào trầm lắng. Vài tháng gần đây, thị trường càng trở nên khó khăn hơn khi Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt rủi ro tín dụng vào BĐS và một số quy định bổ sung về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có hiệu lực.

Từ chuyện khó tiếp cận nguồn vốn, hiện các các doanh nghiệp kinh doanh BĐS càng khó khăn hơn. Ngoài tiến độ pháp lý dự án chậm, nguồn cung hạn chế thì thanh khoản sụt giảm cũng là các yếu tố làm cho các chủ đầu tư lẫn sàn giao dịch điêu đứng.

Khảo sát cho thấy, nhiều doanh nghiệp BĐS tại TP.HCM đang phải cắt giảm nhân sự, giảm lương của nhân viên để đưa chi phí hoạt động về mức thấp nhất. Mục tiêu hiện nay của các doanh nghiệp này là tìm cách tồn tại.

Trong bối cảnh thị trường BĐS trầm lắng và có nguy cơ rơi vào suy thoái, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho rằng, các doanh nghiệp địa ốc đang đối mặt với vô vàn khó khăn.

Một số doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô đầu tư, sản xuất kinh doanh như: Hoãn hoạt động đầu tư; dừng thi công dự án hiện hữu hoặc không triển khai dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu để tăng vốn.

Theo ông Châu, thậm chí có một số doanh nghiệp BĐS đã phải cắt giảm 50% nhân sự hoặc giảm lương của nhân viên. Vì “đói vốn” nên một số công ty phải chấp nhận vay vốn ngoài xã hội với lãi suất rất cao.

Ngoài ra, việc thiếu hụt dòng tiền dẫn đến các chủ đầu tư phải bán sản phẩm với mức chiết khấu sâu, có nơi chiết khấu đến 40% giá trị hợp đồng. Điều này sẽ gây rủi ro cho người mua bởi phần lớn những sản phẩm này là nhà ở hình thành trong tương lai.

Chủ tịch HoREA nhận định, những khó khăn của thị trường BĐS hiện nay có một số điểm tương đồng so với giai đoạn 2008 – 2013, thời kỳ thị trường nhà ở bị “đóng băng”.

Để thị trường BĐS an toàn và bền vững, Chủ tịch HoREA kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét nới giới hạn tín dụng thêm từ 1% đến 2% để có thêm nguồn vốn từ 100.000 đến 200.000 tỷ đồng hỗ trợ nền kinh tế trong giai đoạn cao điểm cuối năm.

HoREA nêu giải pháp gỡ khó cho thị trường BĐS

Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) mới đây có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người mua nhà, nhà đầu tư để thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Tại văn bản, HoREA cho biết, hiện nay thị trường BĐS đang rất khó khăn và đứng trước khả năng có thể rơi vào suy thoái và có một số tập đoàn, doanh nghiệp BĐS cũng đang rất khó khăn, đặc biệt là “rủi ro” bị sụt giảm sâu thanh khoản, thậm chí có thể bị mất thanh khoản, thể hiện qua việc một số doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp để tồn tại.

Cụ thể, một số Tập đoàn, doanh nghiệp BĐS đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh (dừng, trì hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO), mà điều này sẽ tác động đến sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế, trực tiếp làm giảm nguồn thu ngân sách Nhà nước.

Theo HoREA, một số Tập đoàn, doanh nghiệp BĐS phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động (thậm chí có Tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động) tác động đến vấn đề an sinh xã hội, hoặc phải giảm lương tác động đến cuộc sống người lao động.

Do “tắc” nguồn vốn tín dụng, “tắc” nguồn vốn “trái phiếu”, “tắc” cả nguồn “vốn huy động từ khách hàng”, nên một số tập đoàn, doanh nghiệp BĐS “đói vốn” nên phải vay vốn ngoài xã hội với lãi suất rất cao, đầy “rủi ro”, hoặc phải bán bớt tài sản, dự án hoặc bán sản phẩm BĐS, nhà ở với chiết khấu sâu (thậm chí đến 40% giá hợp đồng) tạo cơ hội cho khách hàng mua với giá rẻ, nhưng có “rủi ro” do là sản phẩm hình thành trong tương lai.

Bên cạnh đó, việc bán dự án với “giá hời” có thể tạo lợi thế cho các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội “thôn tính” có thể làm mất đi “lợi thế” của doanh nghiệp nội địa đang “thống lĩnh” thị trường BĐS hiện nay.

Hiệp hội kiến nghị 10 giải pháp thực hiện mục tiêu “phát triển thị trường BĐS an toàn, lành mạnh, bền vững” như xây dựng các quy định pháp luật, tiếp tục hoàn thiện các chính sách liên quan đến thị trường BĐS; đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét có thể nới trần (room) tín dụng thêm khoảng từ 1-2% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng 100-200 ngàn tỷ đồng để hỗ trợ cho nền kinh tế trong giai đoạn cao điểm cuối năm.

HoREA cũng đề nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét, tạo điều kiện cho nhà đầu tư cá nhân không phải là “nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp” được đầu tư, mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với một tỷ lệ nhất định.

Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng kiến nghị về việc sớm xem xét “có kết luận dứt điểm” các dự án sử dụng quỹ đất có nguồn gốc “đất công”, hoặc do cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, hoặc do di dời cơ sở sản xuất ô nhiễm đã bị dừng triển khai từ năm 2017 đến nay, hoặc do thực hiện công tác rà soát pháp lý.

Nhận định thị trường cuối năm 2022

Bà bà Dương Thùy Dung, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, nhận định, thị trường cuối năm nay sẽ không có nhiều thay đổi so với hiện tại. Nguồn cung sẽ vẫn tiếp tục hạn chế.

Ngoài ra, các chính sách thắt chặt tín dụng sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới thị trường, ít nhất trong ngắn hạn, gây ảnh hưởng tới cả người mua nhà và các chủ đầu tư. Những thông tin trên thị trường liên quan đến các thay đổi pháp lý như quy định về thời hạn sở hữu chung cư, áp dụng thuế tài sản… cũng như những cuộc điều tra trên thị trường về các sai phạm của chủ đầu tư cũng gây ảnh hưởng tới tâm lý của người mua.

Với mức giá nhà đã tăng vượt quá khả năng của số đông người mua nhà cùng khả năng tiếp cận vốn vay hạn chế, thị trường sẽ tiếp tục trải qua một giai đoạn trầm lắng, ít nhất là cho tới nửa đầu năm 2023.

Trong bối cảnh đó, bà Dương Thùy Dung cho rằng, việc cắt lỗ, rao bán BĐS "ngộp" là điều không thể tránh khỏi trong bối cảnh thị trường đã qua giai đoạn phát triển "nóng" như hiện nay. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng không nên nôn nóng trong việc ngay lập tức phải giải ngân đầu tư.

Thời điểm này, các nhà đầu tư nên nhắm tới việc đầu tư trung và dài hạn, hạn chế đầu tư lướt sóng, kèm theo kế hoạch rõ ràng về dòng tiền, hạn chế vay và luôn dự phòng một khoảng thời gian thanh khoản dài hơn.

Các nhà đầu tư cũng nên tìm hiểu kỹ pháp lý dự án, do trên thị trường hiện nay xuất hiện nhiều sản phẩm không có pháp lý rõ ràng ảnh hưởng tới khoảng thời gian đầu tư.

Theo chuyên gia CBRE, vấn đề được nhiều chủ đầu tư cũng như các khách hàng quan tâm lúc này là khả năng tiếp cận nguồn vốn để có thể giao dịch trên thị trường dễ dàng hơn.

Ngoài ra, CBRE cũng hy vọng các nút thắt về pháp lý sẽ sớm được giải quyết để đa dạng hóa nguồn cung mới cho thị trường, đặc biệt là phân khúc bình dân và trung cấp nhằm đáp ứng nhu cầu mua ở thực của khách hàng.

Viên chức có thể được bố trí nhà ở công vụ

Theo quy định hiện hành, cán bộ, công chức, viên chức (giáo viên, bác sĩ và nhân viên y tế) có thể được bố trí nhà ở công vụ.

Cụ thể, theo Quyết định 03/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực từ 15.4.2022, cán bộ, công chức, viên chức được thuê nhà công vụ quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 5 như sau:

Cán bộ, công chức, viên chức (giáo viên, bác sĩ và nhân viên y tế) có vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý được điều động, luân chuyển đến công tác tại xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo được bố trí cho thuê gian nhà:

a) Diện tích sử dụng từ 36 m2/gian nhà đến 48 m2/gian nhà (không kể diện tích công trình phụ);

b) Trang bị nội thất bao gồm: 01 bộ bàn ghế, 01 tủ lạnh, 01 tủ quần áo, 01 máy giặt, 01 quạt, 01 giường, 01 đệm;

c) Định mức kinh phí tối đa trang bị nội thất cho gian nhà quy định tại khoản này là 80 triệu đồng.

5. Cán bộ, công chức, viên chức (giáo viên, bác sĩ và nhân viên y tế) có vị trí việc làm chuyên môn phù hợp đến công tác tại xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo được bố trí cho thuê gian nhà tập thể:

a) Diện tích sử dụng từ 24 m2/gian nhà đến 36 m2/gian nhà (không kể diện tích công trình phụ); diện tích bình quân tối thiểu 12 m2/người;

b) Trang bị nội thất bao gồm: 01 bộ bàn ghế, 01 tủ lạnh, 01 máy giặt dùng chung; mỗi người được trang bị riêng 01 tủ quần áo, 01 quạt, 01 giường, 01 đệm;

c) Định mức kinh phí tối đa trang bị nội thất cho gian nhà tập thể quy định tại khoản này là 60 triệu đồng.

Như vậy, cán bộ, công chức, viên chức (giáo viên, bác sĩ và nhân viên y tế) đến công tác ở vùng sâu vùng xa thuộc diện cho thuê nhà ở công vụ. Về điều kiện diện tích, nội thất của các trường hợp này quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 5 Quyết định 03/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

(tổng hợp)